Bắt Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch hàng không An Bình trong vụ án tại Cục Lãnh sự

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, liên quan tới quá trình điều tra mở rộng vụ án "Nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), Cơ quan An ninh điều tra tiếp tục khởi tố, bắt tạm giam thêm 1 bị can.

Chiều 25-3, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) cho biết, quá trình mở rộng điều tra vụ án "Nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), ngày 25-3, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự "Đưa hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự và các tỉnh, thành phố; đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội "Đưa hối lộ" theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự, đối với Hoàng Diệu Mơ (sinh năm 1980, trú tại Quảng Bình; là Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình).

Đây là diễn biến mới nhất khi Bộ Công an mở rộng điều tra vụ án "Nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao).


 

 Bị can Hoàng Diệu Mơ
Bị can Hoàng Diệu Mơ


Sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra đã thực hiện tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với bị can Hoàng Diệu Mơ.

Trước đó, như Báo SGGP đã thông tin, liên quan tới vụ án, đến nay, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố, bắt giam lãnh đạo, cán bộ tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), gồm: Nguyễn Thị Hương Lan (sinh năm 1974, tại Hà Nội, là Cục trưởng); Đỗ Hoàng Tùng (sinh năm 1980, tại Hà Nội, là Phó Cục trưởng); Lê Tuấn Anh (sinh năm 1982, tại Hưng Yên, là Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự); Lưu Tuấn Dũng (sinh năm 1987, tại Hà Nội, là Phó phòng Bảo hộ công dân).

Cũng liên quan tới vụ án, ngày 19-2, Cơ quan An ninh điều tra đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ GTVT đề nghị chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước không trả phí (chuyến bay "giải cứu"), và chuyến bay có trả phí (chuyến bay "combo") được thực hiện từ thời điểm nào.


 

 Các lãnh đạo Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) khi bị bắt. Ảnh: Bộ Công an
Các lãnh đạo Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) khi bị bắt. Ảnh: Bộ Công an


Cơ quan điều tra cũng đề nghị cung cấp tài liệu làm rõ căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ GTVT tải xét, duyệt cấp chuyến bay; quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay "combo", "giải cứu" như thế nào, cũng như điều kiện để công dân được về nước theo các chuyến bay này.

Cùng với đó là danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay và các công ty, doanh nghiệp đã được cấp phép triển khai các chuyến bay "giải cứu", "combo"; kế hoạch và văn bản phê duyệt; danh sách công dân đã được đưa từ nước ngoài về trên các chuyến bay này; hợp đồng, chi phí thanh toán của từng chuyến bay...

 

Vụ án đang được tiếp tục điều tra mở rộng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
 

Theo ĐỖ TRUNG (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.