Bắt 32 nghi phạm giả 'cán bộ điều tra' trong đường dây lừa đảo quy mô lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Công an tỉnh Nghệ An vừa bắt giữ 32 nghi can thuộc đường dây giả danh công an, kiểm sát viên gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt hơn 200 tỉ đồng của nhiều nạn nhân.

Ngày 18.2, thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An cho biết đơn vị này phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và công an các địa phương vừa phá thành công chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy mô lớn qua không gian mạng.

Các nghi can bị bắt giữ

Các nghi can bị bắt giữ

Qua điều tra ban đầu, công an xác định các nghi phạm trong băng nhóm này là người Việt Nam và Đài Loan, hoạt động lừa đảo thông qua công ty của nước ngoài. Băng nhóm này có 3 tuyến gồm D1, D2, D3.

D1 là nhóm giả danh cơ quan chức năng gọi điện đến nạn nhân thông báo số điện thoại của nạn nhân sẽ bị khóa sim, tài khoản ngân hàng sẽ bị phong tỏa vì nạn nhân đang liên quan đến các tổ chức lừa đảo hoặc tài khoản, số điện thoại đang được các tổ chức lừa đảo sử dụng để hoạt động phạm tội.

Khi nạn nhân đã tin tưởng, rơi vào bẫy, nhóm này sẽ chuyển cuộc gọi của nạn nhân cho nhóm D2 (tự xưng là cán bộ Cục Cảnh sát Bộ Công an hoặc kiểm sát viên của Viện Kiểm sát) thông báo cho nạn nhân việc giấy tờ tùy thân của nạn nhân đang bị tội phạm lợi dụng để phạm tội, yêu cầu phối hợp điều tra, đe dọa ra lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài khoản của bị hại.

Sau khi biết nạn nhân đã dính bẫy, nhóm này yêu cầu nạn nhân khai báo thông tin về tài sản (sổ tiết kiệm, tiền mặt, vàng, ngoại tệ, xe cộ...) để "cơ quan chức năng" xác minh.

Khi nạn nhân cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu… các thông tin này sẽ chuyển cho D3 (kẻ chủ mưu, cầm đầu đường dây) và kẻ chủ mưu yêu cầu nạn nhân ra ngân hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và các mã OTP nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng điện tử của nạn nhân.

Cuối cùng, kẻ cầm đầu yêu cầu nạn nhân rút sổ tiết kiệm để chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng rồi chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng đến các tài khoản ngân hàng được cung cấp để chiếm đoạt.

Tang vật của vụ án bị công an thu giữ

Tang vật của vụ án bị công an thu giữ

Sau một thời gian điều tra, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An phối hợp Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) và công an tỉnh Bình Thuận, Long An, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) bắt giữ 32 nghi can trong đường dây này.

Các nghi can bị bắt giữ gồm: Tăng Quảng Vinh (35 tuổi, ngụ P.11, Q.5, TP.HCM), Vũ Hoàng Minh Tuấn (33 tuổi), Lê Tuấn (28 tuổi), Phạm Thanh Hậu (28 tuổi, đều ngụ TP.HCM), Lê Văn Tâm (26 tuổi, ngụ H.Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận), Lê Tiến Tùng (33 tuổi, ngụ H.Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) và 26 nghi can ngụ tại tỉnh Nghệ An.

Một trong những chủ mưu quản lý, điều hành đường dây này là Tăng Quảng Vinh.

Tại cơ quan công an, các nghi can này khai nhận đã thực hiện thành công nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân ngụ ở nhiều địa phương trên cả nước với số tiền lừa đảo khoảng hơn 200 tỉ đồng.

Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An thông báo ai là nạn nhân của băng nhóm lừa đảo này mà chưa trình báo công an thì liên hệ với cơ quan này để được giải quyết.

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.