Ảnh: Đức Thụy |
Ngày nay, khi Tây Nguyên bước vào xã hội hiện đại, con người cũng như cồng chiêng “ngơ ngác” giữa ngã ba đường, quen quen, lạ lạ, nửa muốn kéo giữ, nửa như chối từ, khiến cồng chiêng bị rẻ rúng, có khi bị những kẻ vô tâm biến thành đồng nát, đem bán như thứ bỏ đi. Cồng chiêng bị “chảy máu” như đã nhiều người cảnh báo. Tỉnh Gia Lai năm 1999 có 5.117 bộ cồng chiêng, thì tới năm 2002 chỉ còn chưa tới 3.000 bộ, tỉnh Đak Lak từ năm 1982 đến 1992 mất đi 850 bộ… Bên cạnh việc mất dần các bộ cồng chiêng, còn là sự thưa thớt tiếng chiêng trong nghi lễ, trong sinh hoạt cộng đồng, khiến con người không chỉ bơ vơ trước thiên nhiên, thánh thần, mà cả ngay giữa cộng đồng.
Trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa cồng chiêng hiện tại của Tây Nguyên, theo tôi, có hai hướng chủ yếu. Thứ nhất, đây là hướng chủ yếu, chúng ta bảo tồn các giá trị và sắc thái văn hóa truyền thống của văn hóa cồng chiêng trong môi trường xã hội hiện nay. Trong sự bảo tồn và phát huy này sẽ nảy sinh mâu thuẫn giữa các giá trị truyền thống và môi trường xã hội đã có sự thay đổi nhiều. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, môi trường xã hội hiện đại không chỉ cản trở việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng, mà lại có khía cạnh thúc đẩy việc bảo tồn nó, một khi chúng ta nhận thức và khai thác khía cạnh ấy.
Chúng ta cũng thử suy nghĩ theo chiều hướng, trong đời sống xã hội hội nhập ngày nay, cồng chiêng không chỉ cất lên âm thanh mang bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên, mà còn có khả năng âm thanh của nó hòa chung vào với âm thanh của các dân tộc khác, “nói” ngôn ngữ của các dân tộc khác, không chỉ nói ngôn ngữ truyền thống của mình mà còn nói được ngôn ngữ của đời sống hiện đại nữa. Làm được điều đó thì cồng chiêng có thêm sức mạnh vượt qua không gian của Tây Nguyên.
Với sự nỗ lực chung của cả nước, của các nhà khoa học, sự công nhận và tôn vinh của cộng đồng quốc tế đối với di sản phi vật thể truyền khẩu cồng chiêng Tây Nguyên, chúng ta cần nhận thức sâu sắc giá trị nhiều mặt của cồng chiêng, nâng cao lòng tự hào với di sản quý báu này và quan trọng hơn là tìm mọi cách làm sống dậy, làm phong phú hơn giá trị của cồng chiêng, phát huy nó trong đời sống hiện đại để phục vụ cho đời sống văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc Tây Nguyên cũng như các dân tộc anh em trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam.