Bán rẻ cổ phiếu, bà Nguyễn Thanh Phượng đang toan tính điều gì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng bán rẻ cổ phiếu, tiếp tục tính câu chuyện đường dài nhân sự sau khi tính vụ lớn trăm tỷ và thưởng đậm cổ đông cùng với tham vọng thu lãi ngàn tỷ trong năm 2018.

CTCP Chứng khoán Bản Việt - VCSC (VCI) do bà Nguyễn Thanh Phượng làm chủ tịch, vừa ra thông báo về việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP) với giá ưu đãi, chỉ bằng gần 1/3 thị giá trên sàn chứng khoán.

Tính tới hết 13/8, cổ phiếu VCI đang giao dịch trên thị trường chứng khoán ở vùng giá gần 60.000 đồng/cp. Trong khi đó, Chứng khoán Bản Việt sẽ phát hành dự kiến 1 triệu cổ phần phổ thông với giá 20.000 đồng/cp tương đương 0,62% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 20 tỷ đồng. Thời gian kết thúc thu tiền mua cổ phiếu là 17/8/2018.

Dự kiến, lượng cổ phiếu nói trên sẽ được niêm yết bổ sung vào 15/9/2018 và cán bộ công nhân viên sẽ bắt đầu được giao dịch vào 17/8/2019 do cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng một năm kể từ ngày phát hành.

Việc phát hành lần này thực hiện theo chương trình lựa chọn người lao động trong công ty và đã được Đại hội cổ đông thông qua.

Gần đây, rất nhiều doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ESOP với mục đích khuyến khích người lao động. Tuy nhiên, các đợt phát hành này thường ảnh hưởng tới cổ đông nhỏ. VPBank vừa thông qua chuẩn bị bán 33,7 triệu cổ phiếu ESOP (trị giá 337 tỷ đồng) cho nhân viên, giá 10.000 đồng, thấp bằng khoảng 1/3 so với thị giá. Điều đó có nghĩa, những người được lựa chọn sẽ được lợi tổng cộng khoảng 700 tỷ đồng.

Trước đó, doanh nghiệp của bà Nguyễn Thanh Phượng cũng đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 80.000 trái phiếu ghi danh, không chuyển đổi, mệnh giá 10 triệu đồng/trái phiếu, với tổng trị giá 800 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng.

Đầu tháng 8, VCSC cũng đã điều chỉnh vốn điều lệ từ 1.200 tỷ đồng lên gần 1.620 tỷ đồng sau khi phát hành thành công 42 triệu cổ phiếu thưởng do thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tỷ lệ 35%. Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận chưa phân phối, từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và các nguồn khác trên BCTC kiểm toán đến ngày 31/12/2018.

 

 



Mặc dù không nhận thù lao và sở hữu tỷ lệ cổ phần cũng khá khiêm tốn (hơn 4%) nhưng bà Nguyễn Thanh Phượng (chủ tịch VCSC) lèo lái con thuyền Chứng khoán Bản Việt khá thành công, lớn mạnh không ngừng với quy mô ngày càng rộng.

VCSC của bà Phượng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế trong năm 2018 tăng gần 26% so với năm trước lên hơn 1 ngàn tỷ đồng sau khi ước đạt lợi nhuận 400 tỷ đồng trong quý 1/2018 nhờ một loạt các hợp đồng giá trị lớn.

Theo VCSC, doanh nghiệp này đang thực hiện các hợp đồng có giá trị lớn với giá trị giao dịch trên 40 ngàn tỷ đồng cho nghiệp vụ IB (nghiệp vụ ngân hàng đầu tư) trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, ngân hàng, thủy sản, vật liệu xây dựng, bất động sản,...

VCSC có nhiều thương vụ đầu tư rất thành công. DN của bà Phượng hiện giữ gần 19 triệu cổ phiếu TCB với giá vốn chưa đến 10.000 đồng/cp cùng 2,5 triệu cổ phiếu MWG với giá vốn chỉ bằng 1/6 thị giá. Các khoản đầu tư này lãi vài trăm tỷ nhưng chưa hạch toán vào kết quả kinh doanh.

Trong năm 2017, IB VCI đã thực hiện thành công các giao dịch lớn trên thị trường như VietJet, VPB, PNJ,... và ghi nhận doanh thu tăng 280% so với năm trước đó. Cũng trong 2017, VCI thực hiện đồng bảo lãnh cho công ty nước ngoài là SeaGroup và niêm yết chứng chỉ lưu ký trên sàn New York với giá trị khoảng 1 tỷ USD.

Bà Nguyễn Thanh Phượng và dàn lãnh đạo Chứng khoán Bản Việt (VCSC) có “truyền thống” hiếm có trong làm ăn là không nhận thù lao. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Phượng và các thành viên HĐQT không nhận thù lao năm 2018, giống như các năm trước, không vì một lý do gì cụ thể.

Trong khi HĐQT không nhận thù lao, mức thưởng cho Ban Tổng Giám đốc năm 2018 là 8% trên phần lợi nhuận trước thuế (đã thực hiện) vượt 680 tỷ đồng. Ban Kiểm soát sẽ nhận tổng mức thù lao năm nay là 180 triệu đồng cho 3 thành viên gồm: Trưởng Ban Kiểm soát (1 người) 7 triệu đồng/tháng; Thành viên Ban Kiểm soát (2 người) 4 triệu đồng/tháng.

Trong năm 2017 và quý 1 đầu 2018, cổ phiếu VCI có bước tăng trưởng rất mạnh, từ dưới 60.000 đồng/cp lên gần 120.000 đồng/cp. Tuy nhiên, trong 2 tháng qua, cổ phiếu này giảm rất mạnh, xuống gần sát ngưỡng 80.000 đồng/cp. Sau khi phát hành cổ phiếu thưởng và cổ tức, VCI hiện có giá 59.000 đồng/cp.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), dòng tiền tiếp tục chảy vào nhóm cổ phiếu tài chính. Nhiều cổ phiếu lớn tăng mạnh giúp chỉ số chung trên thị trường tăng.

Nhóm ngân hàng với các mã như Vietcombank, BIDV, ACB, Vietinbank... tăng mạnh. Nhóm cổ phiếu chứng khoán: SSI, HCM, VND, VCI... đều tăng ấn tương. Nhiều cổ phiếu trụ cột như Sabeco, VietJet, Hòa Phát, FPT, Masan, Vinhomes... cũng tăng điểm khá tốt.

Nhóm dầu khí có dấu hiệu bị chốt lời hầu hết giảm điểm, chỉ có Petrolimex và GAS tăng.


Một số công ty chứng khoán (CTCK) dự báo thị trường tích cực. CTCK Bảo Việt (BVSC) dự báo thị trường tiếp tục xu hướng tăng điểm với thanh khoản tốt và sự dẫn dắt của ngành ngân hàng. Chỉ số VN-Index đang tiếp cận mức khảng cự 980-1.000 điểm.

BSC cũng nhận định thị trường đang trong trạng thái bùng nổ ngắn hạn và tiến đến vùng tâm lý 980-1.000 điểm và nhà đầu tư vẫn có cơ hội giải ngân từng phần và mở vị thế tại các cổ phiếu đang hút dòng tiền chảy vào như dầu khí và ngân hàng.

Kết thúc phiên giao dịch 13/8, VN-index tăng 9,57 điểm lên 978,04 điểm; HNX-Index tăng 2,05 điểm lên 110,46 điểm. Upcom-Index tăng 0,26 điểm lên 51,62 điểm. Thanh khoản đạt 280 triệu cổ phần. Giá trị đạt 6,2 ngàn tỷ đồng.

V. Hà (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.