100% công nhân trồng sâm Ngọc Linh là đồng bào dân tộc Xê Đăng bản địa, trình độ chỉ trung học cơ sở trở lại. Đội ngũ quản lý, chăm sóc vườn sâm cũng không có kỹ sư. Vậy mà họ đã qua mặt các đơn vị trồng sâm quốc doanh, trở thành vùng sâm Ngọc Linh lớn nhất nước. Ước mơ của chủ doanh nghiệp: Làm sao để người dân Việt có sâm Ngọc Linh, vùng rừng núi thâm u này sẽ thành vùng sản xuất hàng tỷ đô la mỗi năm như người Hàn Quốc xuất khẩu sâm…
Những người chủ của vùng sâm
Là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Sâm Ngọc Linh thế nhưng vào đến vùng sâm do chính mình bỏ tiền của, công sức ra trồng, Trần Hoàn chỉ hơn chúng tôi trong việc ban hành mệnh lệnh với những người quản lý, còn công nhân ở đây họ không quan tâm đến Hoàn là ai, chỉ biết những người trực tiếp quản lý là anh Hảo, anh Sỹ, anh Hồng. Trồng sâm đã khó, bảo vệ, tránh thất thoát là một kỳ công. Nó đòi hỏi công tác bảo vệ, tuyển chọn nguồn nhân lực hết sức khắt khe. Trước khi quyết định chọn vùng đất để đổ tâm sức, kỳ vọng và nhiều trăm tỷ đồng vào đây, Trần Hoàn bảo tiêu chí đặt ra hàng đầu là đội ngũ những người thay mình quản lý, bảo vệ vùng sâm và những công nhân làm việc ở đây.
|
Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Đào Xuân Quý và Thiếu tướng Lê Duy Hải- Giám đốc Công an Kon Tum xem củ sâm Ngọc Linh do doanh nghiệp trồng. Ảnh: Huỳnh Kiên |
A Sỹ năm nay 39 tuổi song đã có 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch UBND xã và một nhiệm kỳ Bí thư Đảng uỷ xã Tê Xăng. Sỹ giúp công ty tuyển chọn những người tin cậy nhất từ 3 xã Ngọc Lây, Măng Ri, Tê Xăng trồng sâm giúp Hoàn. Người dân ở đây còn nghèo, còn thiếu thốn, song nhân cách và lòng trung thành tận tuỵ của họ thì có hai cuộc kháng chiến gian khổ chống Pháp, Mỹ kiểm chứng. Chính vùng đất này là An toàn khu của Tỉnh ủy Kon Tum trước năm 1975.
Chúng tôi đi thăm vườn sâm, mỗi bước đi đều có người dẫn đường. Mỗi vùng 5-10 ha lại có một trạm quản lý bảo vệ được các nhân viên túc trực canh gác 24/24. Mặc dù biết khách do chủ vườn sâm đưa tới, song mỗi hành động dù nhỏ của chúng tôi đều được các cặp mắt bảo vệ canh chừng. Một vài người tỏ ra khó chịu, song chúng tôi tự giải thích với nhau rằng nhiệm vụ của họ phải thế. Anh Hồng cho biết, vùng sâm chuyển về đây gần chục năm nay, ngay cả khi trồng lấy giống là củ sâm, mặc dù lao động rất cực nhọc, mệt mỏi song không ai tơ hào một đốt sâm nào. Lòng tự trọng của đồng bào rất cao, tính gian giảo trộm cắp, chôm chỉa không hề có. Những việc làm bậy bạ, nếu dân làng phát hiện được sẽ đuổi họ ra khỏi cộng đồng, là tủi hổ lớn nhất cho bản thân và gia đình.
Vùng sâm Ngọc Linh do Hoàn khởi xướng và đầu tư thành công nhờ anh tạo được niềm tin cho người dân Xê Đăng nên họ giúp anh. Những người lạ đến rừng núi này sẽ nhanh chóng bị phát hiện, bắt giữ bất kể lý do gì vào rừng mà không có ý kiến của lãnh đạo xã. Nguy hiểm hơn, đồng bào ở đây vẫn có truyền thống dùng mang cung, chông tẩm thuốc độc, nếu không may vướng phải chỉ cần trầy da, không được người dân dùng thuốc giải kịp thì tính mệnh khó bảo trọng. Rừng núi này của họ, ngay một vết thú mới người dân cũng phát hiện ra.
Từ nhóm 3 người ban đầu lên đây chọn đất là A Niêm, A Hiêm, A Zin, đến nay đã có hơn 100 nhân công thường xuyên có mặt quản lý bảo vệ, chăm sóc sâm. Số lượng nhân công tăng đáng kể vào mùa làm đất, trồng mới. Anh Hoàn cho biết, năm tới dự kiến trồng khoảng 30-50 ha, diện tích trồng sâm năm sau sẽ tăng nhanh theo cấp số nhân bởi nguồn giống đến nay công ty hoàn toàn chủ động, mỗi năm có thể sản xuất hàng chục triệu cây giống.
Bảo vệ nghiêm ngặt sinh thái rừng
Nhiều năm sống ở Tây Nguyên, chúng tôi quá thấu hiểu những cánh rừng nguyên sinh rỗng ruột dù ấy là vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hay rừng đặc dụng… Bây giờ, để tìm ra cây dó bầu khả năng có trầm, cây gỗ huỳnh đàn, gỗ trắc, cẩm lai… có lẽ phải chảy máu mắt! Sâm Ngọc Linh chọn những cánh rừng độ che phủ lớn, độ ẩm cao mới sinh trưởng nên công tác bảo vệ rừng được quan tâm hàng đầu. Ngoài việc bảo vệ vùng canh tác,Trần Hoàn còn yêu cầu anh em rào giậu vùng đệm cách đó cả cây số tránh để người dân chặt cây, phát nương làm rẫy khiến độ ẩm rừng thay đổi. Việc chống cây gãy đổ cũng được quan tâm thường xuyên bằng phát quang các loài dây leo.
|
Vườn sâm giống của doanh nghiệp. Ảnh: Huỳnh Kiên |
Đi vài ba giờ quanh vùng trồng sâm, leo non, trèo dốc song mọi người đều hào hứng và cảm giác như phổi hít thở nhẹ nhàng hơn. Tháng năm cao điểm của những ngày nắng nóng ở Tây Nguyên song khí hậu ở đây vô cùng lý tưởng, mát lạnh trưa hè và làm giấc ngủ đêm thật sâu. Lâu lắm tôi mới lại có giấc ngủ ở rừng, ngủ ngon, ngủ sâu đến vậy.
Chủ hàng trăm ha sâm Ngọc Linh cho biết: Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Kon Tum, vừa qua doanh nghiệp đã thuê người khảo sát, đánh giá thực trạng vùng sinh trưởng sâm Ngọc Linh quanh khu vực này. Có gần 5.000 ha rừng đủ điều kiện để trồng sâm Ngọc Linh, trong đó diện tích đậm đặc trồng được sâm khoảng 3.000 ha. Cty CP Sâm Ngọc Linh sẽ nhận trách nhiệm quản lý bảo vệ 5.000 ha rừng này mà không lấy một đồng nào của Nhà nước. Các anh sẽ giao lại cho dân chăm sóc bảo vệ và trả tiền công cho họ. Mục tiêu của doanh nghiệp là nuôi người dân gắn bó với rừng, bảo vệ được rừng để phát triển được nguồn gien quý của Việt Nam nói riêng và cả thế giới bởi công dụng, giá trị của sâm Ngọc Linh đã được các nhà khoa học kiểm chứng.
Tương lai thương hiệu sâm Ngọc Linh
Trong lúc các nhà khoa học phát hiện thêm nhiều saponin trong sâm Ngọc Linh hơn hẳn sâm Hàn Quốc thì những thông tin về nguồn gien sâm Ngọc Linh tự nhiên cũng như nguy cơ tuyệt chủng của chúng khiến không ít nhà quản lý, những người quan tâm đến sâm lo lắng. Giá sâm Ngọc Linh tươi trên thị trường có lúc lên đến cả trăm triệu đồng/kg, bình thường 50-60 triệu đồng/kg, một người dân ở rừng đi tìm suốt 6 tháng ròng khi cây sâm thức dậy, chỉ cần được 1kg củ, là đủ nuôi sống gia đình họ cả năm. Củ sâm như ngón tay út có giá không dưới 1 triệu đồng. Vì thế nguồn sâm Ngọc Linh trong tự nhiên vài năm qua gần như không còn.
Ngày 5-5-2011 tại TP.Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học- Công nghệ đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa hoc các nhà quản lý về việc nghiên cứu phát triển sâm Ngọc Linh thành sản phẩm quốc gia. Hội thảo đã thống nhất kiến nghị với Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia, có một trung tâm chỉ đạo thống nhất các ban ngành địa phương và đầu tư kinh phí để thực hiện đề án trên. Tại hội thảo này lần đầu tiên tỉnh Kon Tum công bố có hàng trăm ha sâm Ngọc Linh do một doanh nghiệp ngoài quốc doanh trồng. |
Theo tính toán của những người trồng sâm, nếu mỗi ha trồng sau 10 năm thu hoạch, giá bán chỉ cần 30-40 triệu đồng/kg, thì mỗi ha sâm thu được không dưới 30 tỷ đồng. Sắp tới, Trần Hoàn có kế hoạch liên kết với cộng đồng dân cư 6 xã ở 2 huyện Tu Mơ Rông và Đak Glei phát không giống cho họ, tổ chức để các cộng đồng làng trồng sâm và ăn chia với doanh nghiệp. Trần Hoàn hồ hởi với dự định: Doanh nghiệp cung ứng giống, trả tiền công, quản lý quy trình kỹ thuật, người dân bỏ công ra làm đến khi thu hoạch sẽ ăn chia thành quả với nhau. Doanh nghiệp đảm bảo trả lương để nuôi sống gia đình người dân bản địa trong 10 năm đầu tư, cộng đồng dân cư quản lý chăm sóc nguồn tài sản này. Có như vậy sẽ xoá đói giảm nghèo hướng tới làm giàu cho người dân ở đây.
Tại vườn sâm, ông Đào Xuân Quý- Phó Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum cho biết: Sau chuyến đi này ông sẽ có báo cáo Ban thường vụ Tỉnh uỷ để khuyến khích người dân liên doanh liên kết với doanh nghiệp phát triển loài cây có giá trị hàng hoá cao này. Nếu một người chăm sóc một ha sâm, sau 10 năm ăn chia, mỗi người giá bét cũng được một tỷ đồng, trong khi đó chi phí ăn uống đã có doanh nghiệp lo.
Kon Tum đã có hàng trăm ha sâm Ngọc Linh. Đó là niềm tự hào không chỉ đối với người trồng sâm, doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh mà còn là niềm vui của những người yêu mến loài sâm quý này trong cả nước. Anh Trần Hoàn cho biết: Sắp tới sẽ mời các nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu để chiếc xuất tinh sâm chế biến thành sản phẩm hàng hoá xuất khẩu. Khi đưa sâm Ngọc Linh vào thu hoạch, ngoài việc bán nguyên liệu thô cho những ai có nhu cầu, doanh nghiệp hướng đến chế biến nhiều sản phẩm xuất khẩu thu về ngoại tệ mạnh cho đất nước. Cây sâm Ngọc Linh phát triển sẽ là tiền đề cho các huyện miền núi nghèo này có được loại cây hàng hoá chủ lực mạnh xoá đói giảm nghèo và hướng đến làm giàu từ nghề rừng.