Bài cuối: Xuôi về đường 7 năm xưa…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
.

(GLO)- Con đường này nay quá nổi tiếng bởi nó gắn liền với “cơn lốc” tháng 3-1975, làm đổi thay bao nhiêu số phận con người… Và hàng năm khi những chồi non rừng cây trên đèo Tô Na chuyển từ màu xanh biếc lộc sang màu xanh đậm lá, dường như người ta dần quên tiếng ầm ì đạn bom đâu đây… Đã có quá nhiều bài viết kể về cuộc tháo chạy kinh hoàng của địch trên con đường này 37 năm trước. Cả thường dân nữa! Những cuộc chia ly, vợ mất chồng, mẹ mất con; máu và nước mắt và cả những hành động anh hùng..., con đường đều chứng kiến!

Ngày này 37 năm trước

Sau thất bại ở Buôn Ma Thuột, địch đã lên kế hoạch rút quân về đồng bằng để “bảo toàn lực lượng”. 13 giờ chiều ngày 15-3-1975, cuộc di tản của Quân đoàn II Sài Gòn chính thức bắt đầu trong sự cập rập, vội vã. Thiết đoàn 19 và Lữ đoàn 6 Biệt động quân mở đường từ Pleiku đi Phú Túc. Tiếp đó là bộ phận còn lại của Bộ Tư lệnh Quân đoàn II, Bộ Tư lệnh Lữ đoàn II Kỵ binh thiết giáp, các đơn vị bộ binh, hậu cần. Sáng 16-3, đội thiết giáp đi đầu trong đoàn xe quân sự hơn 2.000 chiếc kèm hơn 2.000 phương tiện giao thông dân sự đã đến được Cheo Reo.

Thị xã Ayun Pa hôm nay. Ảnh: Hùng Cường
Thị xã Ayun Pa hôm nay. Ảnh: Hùng Cường

Tiểu đoàn 9-Trung đoàn 64-Sư đoàn 320 Quân đội Nhân dân Việt Nam là đơn vị đầu tiên được điều động hành quân suốt đêm từ Thuần Mẫn-Đak Lak sang lập chốt chặn ở phía Nam Cheo Reo. Theo sát là đội hình chính của Trung đoàn 64 hành quân trên 110 xe ô tô các loại được huy động. Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã có ngay một kế hoạch chặn đánh địch trên đường số 7, sử dụng toàn bộ lực lượng Sư đoàn 320, Tiểu đoàn Xe tăng 2 (Trung đoàn 273), Trung đoàn Pháo binh 675, Trung đoàn Cao xạ 593 và 2 Tiểu đoàn quân địa phương.

Sáng 17-3, địch chạm súng với lực lượng Tiểu đoàn 9-Trung đoàn 64 quân ta án ngữ ngay chân đèo Tô Na. Cả một đoàn xe di tản khổng lồ bị ứ lại Cheo Reo. Từ chiều 17 đến sáng 18-3, địch sử dụng Lữ đoàn 7 Biệt động quân có sự yểm trợ của không quân, pháo binh và thiết giáp nhưng đều bị  quân ta đẩy lùi. Trưa 18, địch điều Lữ đoàn 25 Biệt động quân cùng Lữ đoàn 2 thiết kỵ từ tuyến sau vượt lên mở cuộc công kích cuối cùng để mở đường.

Cùng thời điểm này, các đơn vị pháo binh của ta bắt đầu pháo kích vào các vị trí đóng quân tạm thời của địch ở Cheo Reo. 17 giờ, địch được lệnh phá bỏ tất cả các chiến cụ nặng. 9 giờ sáng 19-3, các đơn vị của địch bị vây tại Cheo Reo chấm dứt kháng cự, chỉ có Thiết đoàn 9 và Liên đoàn 16 Biệt động quân về được Củng Sơn-Phú Yên, với ít thiệt hại thương vong nhất.

Toàn bộ vùng Bắc Tây Nguyên đã được giải phóng hoàn toàn góp phần thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh, thống nhất đất nước năm 1975!

Quốc lộ 25 hôm nay

Gần 4 thập niên đã qua, trước sức tàn phá của thời gian, nhiều chứng tích trên đường 7 đã không còn dấu vết. Nhưng với những người đã từng chiến đấu cũng như tham gia trong cuộc di tản năm 1975 đều không quên.

Đã gần 40 năm nhưng đến giờ ông Nguyễn Tổng là giáo viên dạy Trường Trung học Bồ Đề trước năm 1975 vẫn còn nhớ như in: Ngày hôm ấy (18-3-1975) chẳng hiểu sao trời nóng như thiêu như đốt, thung lũng Cheo Reo như chiếc chảo lửa, hút cái nóng từ trên cao rồi đổ ra. Đoàn xe dài không biết đến đâu là dứt. Súng nổ liên hồi. Người, xe ken chặt đường. Chiếc xe Jeep của ông nhích lên từng thước một. Đến quá chiều thì ông đành bỏ xe lại, theo dòng người tiếp tục cắt rừng đi về phía Đông.

Mới đây có dịp trở lại đường 7, bây giờ là quốc lộ 25, ông không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi nơi đây. Ngay ngã ba sông Ayun và sông Pa, một con đập lớn chắn ngang dòng hình thành công trình đại thủy nông Ayun Hạ. Như một tình yêu mãnh liệt mà chung thủy, sông Ba luôn ôm ấp con đường và làm giàu lên những khu dân cư hai bên trước khi đổ nước ra biển Đông. Thung lũng Cheo Reo lưa thưa rừng khộp đã trở thành cánh đồng mênh mông với bạt ngàn ruộng lúa và ruộng mía xanh non.

Sau 37 năm, tỉnh Gia Lai hiện có: 503 km quốc lộ trên địa bàn, 82 dự án thủy điện, 500.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó hơn 291.000 ha đất trồng cây hàng năm, 208.000 ha đất trồng cây lâu năm, 1.112.452 ha đất lâm nghiệp. Giai đoạn 2005-2010, tốc độ tăng trưởng bình quân 13,6%/năm. GDP bình quân đầu người đạt 14,54 triệu đồng.

Những buôn làng xơ xác xưa cũng biến mất và xuất hiện những khu dân cư sầm uất. Phú Thiện, Ayun Pa, Phú Túc, Đồng Cam, Phú Hòa, Tuy An… những tên đất, tên đồng gợi lên sự ấm no, trù phú. Chưa hết, mai đây khi dự án xây dựng, nâng cấp cảng biển Vũng Rô hoàn thành, quốc lộ 25 sẽ có một vị trí quan trọng hơn nữa bởi đây là con đường huyết mạch nối liền một vùng kinh tế năng động miền Trung với khu vực Bắc Tây Nguyên và cả vùng Đông Bắc Campuchia, Nam Lào. Không chỉ đảm nhiệm vai trò lưu thông, con đường còn là một địa chỉ quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam bởi nó gắn liền những di tích lịch sử nổi tiếng một thời: Vũng Rô, Tô Na, Cheo Reo.

Thời gian đã làm lành những vết thương trên con đường máu lửa năm xưa. Điểm khởi đầu và điểm cuối của quốc lộ 25-đường 7 đã hoàn toàn thay đổi. Không còn là cứ điểm quân sự quan trọng Vùng II, Quân khu II của chế độ cũ, Pleiku là một thành phố năng động và hiện đại, là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh Gia Lai đang vươn ra khu vực với các sản phẩm nông nghiệp hàng đầu như: Cà phê, hồ tiêu, cao su. Thành phố biển Tuy Hòa cũng phát triển không kém khi trở thành địa chỉ du lịch và là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa lớn của cả nước. Đường 7, chứng nhân lịch sử, nơi soi rọi lương tâm và thử thách lòng dũng cảm đối với những ai đã từng sống trong thời khắc lịch sử tháng Ba năm 1975 mãi mãi đều không thể quên những đau thương, mất mát lẫn hào hùng.

Như mọi năm, tháng Ba năm nay dọc đường đỏ rực cờ và hoa…

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.