Bài 2: Tổ quốc nhìn từ biển(*)

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
.
(GLO)- Vượt qua mọi gian nguy, Trường Sa luôn là điểm tựa vững chắc của cả nước khi cán bộ, chiến sĩ nơi đây lúc nào cũng sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Ngư dân cũng thấy ấm lòng mỗi khi ra khơi, bởi đảo cũng là nhà.
Mưa giọt giọt rơi trên chuyến xuồng đưa chúng tôi vào đảo chìm Cô Lin. Xa xa, trời và biển một màu xám ngắt, vần vũ. Ra đảo vào mùa bão tố mới thấu hiểu những vất vả của cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng trên hết là thấy được hình ảnh Tổ quốc vô cùng trọn vẹn. 
Cờ đỏ sao vàng tung bay trên biển xa
Đặt chân đến Cô Lin, chúng tôi ai cũng hiểu vị trí chiến lược và hết sức đặc biệt của hòn đảo này, bởi đảo nằm rất gần đảo Gạc Ma, nơi xảy ra cuộc hải chiến năm 1988. Chính vì vậy, trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Hoàng Thanh Sơn-nguyên Đảo trưởng đảo Cô Lin, khẳng định một câu chắc nịch: Công tác sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trên đảo luôn được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó là chú trọng quan sát, nắm bắt tình hình trên không, trên biển, nắm chắc mọi động thái của nước ngoài để kịp thời báo cáo với chỉ huy các cấp. “Trong hoàn cảnh nào chúng tôi cũng xác định sẵn sàng quên mình, nếu không thì sẽ có lỗi với Đảng, với Nhà nước, với nhân dân, đặc biệt là với những cán bộ chiến sĩ đã hy sinh vì biển đảo…”- Thượng úy Sơn trầm giọng chia sẻ. 
Cờ Tổ quốc tung bay trên cột cờ điểm đảo Tốc Tan B. Ảnh: Trần Hoài
Cờ Tổ quốc tung bay trên cột cờ điểm đảo Tốc Tan B. Ảnh: Trần Hoài
Thiếu úy Nguyễn Mạnh Thi-quê Nam Định, ra nhận nhiệm vụ ở đảo đã nửa năm, cũng nói một câu rất thật lòng và nhẹ bẫng: “Đã đến Trường Sa thì lúc nào cũng sẵn sàng chấp nhận hy sinh để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”. Với sự quyết tâm cao độ ấy, năm 2011 đảo Cô Lin là một trong số ít đơn vị được Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tặng danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”. 
Gặp chúng tôi trên điểm đảo Tốc Tan B, Đại úy Phạm Thế Phương-nguyên Chính trị viên, cũng cho hay: Trong năm 2011, tàu trực kết hợp với điểm đảo đã nhiều lần phát hiện tàu cá nước ngoài ngang nhiên xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Điểm đảo đã báo cáo xin ý kiến Vùng 4 Hải quân và kịp thời cùng tàu trực xua đuổi những kẻ ngông nghênh, ngoan cố. 
Tốc Tan, Phan Vinh, Tiên Nữ, Cô Lin, Len Đao, Trường Sa Đông… Hình ảnh đáng nhớ nhất ở những nơi chúng tôi may mắn được đặt chân đến chính là những chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm dõi mắt về phía biển xa để giữ gìn một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc. Và đẹp hơn nữa lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trong gió biển, trên cột cờ uy nghi của đảo. Đó chính là chủ quyền, là niềm tự hào, là niềm ngưỡng vọng về Tổ quốc Việt Nam thân thương. 
Điểm tựa của ngư dân
Không chỉ là đảo tiền tiêu với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh hải mà các điểm đảo trong quần đảo Trường Sa còn là “nhà” của ngư dân Việt Nam trong mỗi chuyến ra khơi. Nhiều ngày lênh đênh trên biển cùng con tàu HQ 936, nhưng chỉ đến khi vào vùng lòng hồ của đảo Đá Tây để tránh một cơn áp thấp đang tràn về thì chúng tôi mới có dịp “gặp” những chiếc tàu cá Việt Nam. Chúng cũng đang tìm về nơi này để tránh sóng gió. 
Đó là 2 chiếc tàu cá Quảng Ngãi, trọng lượng ước chừng chỉ chục tấn. Những người đàn ông nghề biển đã quen ăn sóng nói gió vẫn không giấu được vẻ căng thẳng trước những đợt sóng dữ. Họ đang tìm cách đưa con tàu vào vùng lòng hồ nên không cười nổi với những cái vẫy tay của chúng tôi. 2 con tàu ngụp lặn chênh chao trước từng đợt sóng lớn, có lúc tưởng chừng có thể bị nhấn chìm. Những chiếc tàu bé nhỏ quá, và phận người cũng vậy, trước biển khơi. Ngư dân đã gắn đời mình với biển đều hiểu rằng họ “chỉ cách âm phủ có mấy tấm gỗ”, nhưng vẫn cứ ra khơi, quăng quật trên sóng dữ. Song, những lòng hồ và âu tàu-nơi neo đậu lý tưởng của tàu bè mỗi khi gặp bão-cũng đã làm họ ấm lòng. 
Nhìn về phía Đá Tây, có thể thấy có đến hơn chục chiếc tàu thuyền lớn nhỏ đang neo tại đây. Đại úy Phạm Ngọc Duẩn- sĩ quan điều hành trong đoàn công tác, liệt kê: Nằm rải rác từ Bắc đến Nam Trường Sa, các đảo Đá Lớn, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Đá Đông, Thuyền Chài, Đá Tây là những đảo có lòng hồ để tàu thuyền của ngư dân neo đậu tránh bão, trong đó đảo Tốc Tan và Đá Tây là nơi khu trú cho những tàu thuyền có trọng tải trên 1.000 tấn. “Khi tàu thuyền vào lòng hồ tránh bão, đảo sẽ trở thành một con đê chắn sóng. Nếu như biển động cấp 7, cấp 8 thì ở những khu vực này sóng chỉ cấp 3, 4”-Đại úy Duẩn cho biết. Chưa kể tàu thuyền còn có một nơi trú bão rất an toàn, đó là âu tàu ở đảo Song Tử Tây.
Không chỉ hỗ trợ tàu thuyền neo đậu tránh bão và lương thực, nước ngọt khi cần thiết, các đảo còn là nơi hỗ trợ tích cực cho ngư dân về y tế. Bác sĩ Đỗ Ngọc Châu-đảo Phan Vinh, giở sổ khám-chữa bệnh liệt kê một số trường hợp: Ngày 2-8-2011: Vệ sinh, khâu da kỳ 1, chuyển cấp cứu vào bờ đối với ngư dân Trần Thanh Lâm (Quảng Ngãi), bị dập nát toàn bộ các ngón tay 2, 3, 4, 5 do tai nạn sinh hoạt. Ngày 6-8-2011: Dùng thuốc chống phù tủy, chuyển cấp cứu vào bờ đối với ngư dân Đỗ Tấn Lương (không ghi rõ địa phương), bị hội chứng giảm áp do lặn sâu dẫn đến liệt 2 chi dưới, rối loạn cơ vòng, nếu đến cơ sở y tế chậm 3-6 tiếng sẽ gây vỡ bàng quang. Ngày 21-8-2011 cấp cứu ngư dân Phạm Thành (Quảng Ngãi), bị xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu với số lượng nhiều… “Sơ cứu là khâu vô cùng quan trọng, nếu không biết sơ cứu sẽ để lại di chứng nặng nề. Trong khi đó ngư dân mình hiểu biết về sơ cứu rất ít”-bác sĩ Châu nhận định. 
Đa số ngư dân khi gặp nạn trên biển thường được đưa đến chữa trị tại các đảo nổi, bởi điều kiện về trang-thiết bị và đội ngũ ở đây khá đầy đủ, có thể thực hiện những ca phẫu thuật đơn giản từ trung phẫu trở xuống. Tại đảo Trường Sa Đông, bác sĩ-Trung úy Hoàng Minh Tiến cho biết: Đảo có 1 bác sĩ, 1 y sĩ, 1 y tá; mỗi năm đảo cấp cứu cả chục trường hợp. Năm ngoái, ê-kíp này đã từng phẫu thuật cấp cứu cho một ngư dân Quảng Ngãi bị tai nạn do bất cẩn gây ra vết rách dài đến 15 cm từ má đến mang tai, mất máu nghiêm trọng khi được đưa đến đảo. Tuy nhiên, với sự chăm sóc tận tình của các y-bác sĩ tại đây, 1 tuần sau ngư dân này đã được “xuất viện”. 
Phương Duyên
(*) Tên một bài thơ của Nguyễn Việt Chiến.

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.