Bài 2: Nhịp sống nơi đảo xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong lịch trình thăm huyện đảo Trường Sa, chúng tôi đến xã đảo Song Tử Tây và thị trấn Trường Sa. Ban ngày nhìn từ biển vào, các đảo xanh tươi trù phú; ban đêm, ánh điện lung linh huyền ảo, xã đảo thanh bình như một đô thị nổi giữa đại dương.
Ở Song Tử Tây, có một xóm chài, cư dân không đông nhưng cuộc sống thật đầm ấm. Thiếu úy Chinh phụ trách hậu cần của bếp ăn trên đảo, tranh thủ buổi trưa đưa tôi đến thăm vợ chồng ngư dân Ngô Cần và Nguyễn Thị Chí. Anh Cần làm nghề đi biển, chị hợp đồng nấu ăn cho đơn vị Hải quân trên đảo. Những ngày biển lặng anh vẫn thường đánh cá ven bờ. Hôm nào may thì được dăm bảy chục ký. “Phần thì bán cho các nhà, anh em hải quân trên đảo, phần nhập cho bếp ăn, nhiều thì phơi khô khi nào ngư dân đất liền ra bán lại”- anh Cần nói thêm: Ở Song Tử Tây có một âu thuyền tương đối rộng, đủ chứa cả trăm thuyền của ngư dân khi biển động. Có cả kho xăng dầu mà Ban Quản lý âu thuyền cung cấp cho ngư dân với giá bằng giá ở đất liền. Chị Chí còn là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Hội có quỹ thăm hỏi nhau lúc ốm đau, tổ chức các hoạt động văn nghệ, nấu ăn khéo tay, nuôi dạy con ngoan, tăng gia sản xuất đủ tự túc rau xanh, chăn nuôi một đàn bò…
Tác giả và cháu Phương (đảo Song Tử Tây).
Tác giả và cháu Phương (đảo Song Tử Tây).
Nhìn những tiện nghi như ti vi, đầu đĩa kỹ thuật số, tôi hiểu đời sống tinh thần ở đây đã được cải thiện rất nhiều. Anh chị có 3 cháu, 2 đứa lớn gửi về đất liền học cấp III và ôn thi đại học, cháu út Ngô Thị Trường Giang mới học lớp 2 trên đảo. Ở đảo có 2 trường Mầm non và Tiểu học, giáo viên còn thiếu, nhưng bù lại đã có các kỹ sư ở ngọn hải đăng và các “thầy” giáo hải quân dạy cho các cháu.
Đảo trưởng, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Song Tử Tây, Thượng tá Phạm Văn Hòa, cho biết: “Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng tình quân dân trên đảo rất gắn bó, trong bão tố hung dữ cũng như trong lúc ốm đau. Đời sống nhân dân trên đảo đã có nhiều cải thiện cả vật chất lẫn tinh thần. Điện, nước ngọt cho dân đầy đủ. Phương tiện nghe nhìn đáp ứng nhu cầu của quân dân nối đất liền với đảo. Ngày rằm, ngày Tết bà con đến chùa Song Tử để cầu nguyện”. Thiết chế văn hóa, nhà đại đoàn kết còn thiếu nên rất mong được đất liền giúp đỡ…
Ở Song Tử Tây, quân và dân tự hào nhắc đến câu chuyện về cô bé mang tên của một vị tướng. Trung tá Huấn- một sĩ quan kể: Ngày 16-5-2009, cả đảo Song Tử Tây đón mừng sự kiện một cháu chào đời. Đúng thời điểm ấy, Chuẩn Đô đốc, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân Phạm Quang Minh ra thăm đảo. Mừng vui cùng quân dân trên đảo, được sự trân trọng và nhất trí của vợ chồng anh chị Hồ Duy Hưng và chị Trương Thị Liền, ông đã đặt tên cho cháu là Hồ Song Tất Minh. Với ý nghĩa, Hồ là họ, Song là chữ đầu của tên đảo, Tất là chữ lót của vị Giáo sư- Tiến sĩ Nguyễn Tất Cường ở Viện Quân y 108, được điều ra để khám thai cho mẹ của cháu trước đó và Minh là tên của Chuẩn Đô đốc (tương đương thiếu tướng). 
Cho đến nay, cung cấp điện cho huyện đảo Trường Sa và khu vực nhà giàn DK1 có 118 tua-bin gió, hơn 4.100 tấm pin mặt trời, 20 nhà trạm, 4.200 bình ắc qui đáp ứng điện cho quân dân trên đảo; 600 bộ đèn pha, đèn đường bảo vệ trên các điểm đảo.
Còn trên đảo Trường Sa lớn, thuộc thị trấn Trường Sa thêm một câu chuyện cảm động. Trường hợp khó sinh của chị Nguyễn Thị Thanh Thúy là do thai nằm ngang, lại bị nhau quấn cổ, chị lại bị u xơ tử cung. Ca mổ sinh trực tuyến của Bệnh viện 175 với các y- bác sĩ trên đảo cho chị Thúy ngày 4-4 đã “mẹ tròn con vuông”, cả nước đều biết. Tiếp chuyện chúng tôi tại căn nhà khang trang ấm cúng, anh chị Thi- Thúy xúc động nói: Cháu gái Nguyễn Ngọc Trường Xuân vừa tròn 20 ngày tuổi, Nguyễn là họ cha Nguyễn Tấn Thi, còn chữ Ngọc và chữ Xuân là tên đệm của hai bác sĩ Nguyễn Ngọc Hà và Hồ Xuân Lãng, những bác sĩ cùng “sinh ra cháu”, còn Trường là quê đảo thân yêu nơi cháu chào đời.
Trên các đảo của huyện đảo Trường Sa chúng tôi còn biết thêm nhiều công dân nhí. Vui lắm khi chuyện trò với cháu Phương (đảo Song Tử Tây) 7 tuổi; cháu My 10 tuổi, cháu Nguyệt 7 tuổi (đảo Trường Sa lớn), các cháu đều là học sinh giỏi. Các cháu mong ước thật giản dị nhanh lớn, học giỏi, vào đất liền học thêm, sau này làm bác sĩ, làm cô giáo để về chữa bệnh cho ba má, dạy học cho trẻ em trên đảo…
Quốc Ninh


Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.