Nhiều năm trước, hai tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận đã thu hồi hàng trăm ha đất nông nghiệp để làm các khu công nghiệp (KCN) với hy vọng đây là đòn bẩy kinh tế, tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương, tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Nhưng rồi năm lại năm, nông dân đau lòng nhìn đất bỏ hoang... Vì đâu nên nỗi?
|
Đất nông nghiệp trong KCN Du Long bị bỏ hoang nhiều năm qua. Ảnh Bùi Phụ. |
Trong những ngày cuối tháng 10, đầu tháng 11, nhóm PV Báo NTNN/Dân Việt đã có mặt tại vùng đất quy hoạch KCN Du Long (nằm trên địa bàn huyện Thuận Bắc tỉnh Ninh Thuận), ghi nhận có một số thiết bị cơ giới và công nhân đang thi công phần nền (từ cổng vào bên trái), tuyến đường chính cùng một số nhánh phụ.
Nhìn đất bỏ hoang mà đau lòng
Đi sâu vào bên trong KCN, chúng tôi ghi nhận được nhiều đám ruộng của dân trồng lúa ngày xưa vẫn còn nguyên đất cũ, cỏ mọc um tùm. Hệ thống mương thủy lợi vẫn còn nhưng khô trơ đáy. Thời điểm này, chưa có nhà máy hay khu nhà xưởng nào hiện diện trong KCN. Đứng giữa cảnh đất trời mênh mông vắng bóng người, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi nhìn đất bỏ hoang…
|
Hệ thống kênh mương tưới tiêu nông nghiệp của dân ngày nào giờ trơ đáy. ảnh Bùi Phụ chụp trong KCN Du Long vào những ngày cuối tháng 10/2020. |
Theo hồ sơ công bố của UBND tỉnh Ninh Thuận, tháng 5/2008, KCN Du Long được khởi công với diện tích gần 410 ha thuộc địa phận 2 xã Lợi Hải và Bắc Phong, huyện Thuận Bắc. Dự án do liên doanh nhà đầu tư gồm Tập đoàn Hoa Cheng Long Đức Phong (Trung Quốc) và Công ty Địa ốc Hoàng Quân (TP.HCM) thực hiện. Tuy nhiên, nhiều năm qua dự án vẫn "án binh bất động", tỉnh phải thu hồi giao cho nhà đầu tư khác.
Theo báo cáo mới nhất ngày 18/9 của Ban Quản lý các KCN tỉnh Ninh Thuận (BQLCKCN), gần đây, dự án KCN Du Long được chuyển cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư. Hiện thủ tục điều chỉnh giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đầu tư, cắm mốc ranh giới và bàn giao mốc tọa độ KCN đảm bảo đầy đủ.
Nhà đầu tư mới đã thực hiện các hạng mục cổng chào, tường rào bao quanh KCN, tuyến đường giao thông chính từ cổng KCN ra QL1A. Nhưng theo chủ đầu tư, nguồn nước phục vụ KCN vẫn trong quá trình thương thảo với Công ty cổ phần Cấp nước Ninh Thuận để thống nhất phương án. Do ảnh hưởng thiên tai tác động đến quá trình thực hiện đầu tư dẫn đến dự án chưa hoàn thành tiến độ để đưa đất vào sử dụng, thu hút đầu tư…
|
Ông Trần Kim Quý, Trưởng thôn Kiền Kiền 1 trong lúc trao đổi với PV. (Ảnh: Bùi Phụ) |
Cách hàng rào KCN vài chục mét là căn nhà và phần đất nhỏ đang trồng cây măng tây của ông Trần Kim Quý, trưởng thôn Kiền Kiền 1(xã Lợi Hải huyện Thuận Bắc).
Nhìn về hướng KCN ông Quý buồn giọng: "Thấy đất bỏ hoang mười mấy năm qua ai cũng xót lòng. Hồi triển khai thu hồi đất làm KCN bà con ai cũng vui, hy vọng con cháu mình sẽ được đổi đời, được vào làm việc trong KCN. Nhưng đến nay hơn cả chục năm rồi đó chỉ là mơ ước…"
Ông Quý cho biết, bản thân ông phải làm thêm nghề đúc chậu kiểng để kiếm thêm ít tiền trang trải cho gia đình vì thời gian nhàn rỗi nhiều hơn làm nông. "Tôi có 2 đứa con trai đã học xong đại học hiện đang làm thêm ở TP.HCM. Trước đây tôi định hướng cho con mình học xong về làm việc trong KCN nhưng giờ trở về chúng cũng không biết làm gì nên đành ở lại TP.HCM tìm kế sinh nhai. Gia đình tôi luôn mong con cháu sum vầy chứ cha mẹ nào lại muốn xa con…", ông Quý ngậm ngùi.
Mơ một lần nhìn thấy KCN trên quê hương
Gần đó là căn nhà cấp 4 và phần đất còn lại mấy sào cũng trồng măng tây của gia đình bà Chăm Ma Lé Thị Hính (77 tuổi). Trước đây, gia đình bà có khoảng hơn 3 hecta đất ruộng nằm trong nằm trong khu quy hoạch. Khoảng năm 2006 được nhà nước đền bù hơn 100 triệu đồng, gia đình bà trả nợ ngân hàng khoảng 40 triệu, phần còn lại xây căn nhà cấp 4 ở cho đến hôm nay.
|
Cụ Đinh Thành Hiệp năm nay đã 91 tuổi nhưng còn rất minh mẫn và vợ là bà Chăm Ma Lé Thị Hính (77 tuổi). (Ảnh: Bùi Phụ) |
"Chúng tôi rất biết ơn vì nhờ đó mới có tiền cất nhà và trả nợ nhưng nhà nước thu hồi đất nông nghiệp rồi bỏ hoang nhiều năm liền khiến chúng tôi đau lòng lắm…", bà Hính chua xót.
Chồng bà Hính, cụ Đinh Thành Hiệp năm nay đã 91 tuổi nhưng còn rất minh mẫn, nhớ từng chi tiết xưa. Cụ Hiệp cho biết trước 1975, cụ tham gia kháng chiến nằm trong căn cứ Bác Ái. Sau ngày đất nước thống nhất, cụ trải qua nhiều chức vụ trong Đảng cấp huyện. Trước khi về hưu cụ làm Trưởng Ban cải tạo Nông lâm ngư nghiệp huyện Ninh Hải (sau này tách ra thêm huyện Thuận Bắc).
Cụ Hiệp khẳng định: Những năm 2005, cụ có tham gia đoàn cán bộ của xã và huyện đi vận động bà con chấp nhận cho thu hồi đất nông nghiệp chuyển sang KCN. Hầu hết bà con ai cũng ủng hộ với hy vọng đổi đời bởi nhiều năm qua bà con làm nông không khá.
"Thế rồi chừng ấy năm qua đến nay bóng dáng KCN và nhà máy chế biến thế nào, hệ thống lắp ráp điện tử, lắp ráp ô tô, xe máy ra sao, tôi và bà con vẫn không biết. Ở cái tuổi gần đất xa trời, tôi mong nhìn thấy các nhà máy và con cháu trong vùng có được công ăn việc làm ổn định trong KCN. Nếu không tôi buồn lắm...", cụ Hiệp thổ lộ.
(Còn nữa)
Bùi Phụ- Quang Đăng (Dân Việt)