Bài 1: “Cận cảnh” đám cưới hạng sang

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến nay đã đi qua chặng đường 10 năm với nhiều thành quả đáng khích lệ, đưa các tiêu chí văn hóa đi vào chiều sâu và rộng khắp, tạo ra những chuẩn mực của xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số biểu hiện phô trương, lãng phí khi thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Tại Gia Lai, đây cũng là vấn đề đáng bàn.
Đã qua rồi kiểu đám cưới quá rình rang với số thực khách lên đến hơn ngàn người để đến nỗi có người đến ăn cưới mà… chưa kịp biết mặt cô dâu, chú rể. Đám cưới bây giờ gọn nhẹ hơn, song, sự lãng phí lại diễn ra ở những chiều kích khác.
“Chơi đẹp” hay lãng phí?
Cùng với công nghệ tổ chức đám cưới ngày càng hiện đại, nhiều đôi bạn trẻ rất chăm chút chuẩn bị cho ngày trọng đại của mình, bắt đầu từ bộ album ảnh cưới. Nhiều đôi chấp nhận chi phí đến vài chục triệu đồng (ngang với một bữa tiệc cưới) để đến tận Mũi Né-Bình Thuận chụp ảnh cưới ngoại cảnh, thậm chí là ra nước ngoài. Dân tình đến giờ vẫn còn xôn xao về bộ ảnh cưới trị giá lên đến vài trăm triệu đồng. Một số bạn trẻ  trong niềm vui choáng ngợp còn quyết định làm đến 2 album! Thế nhưng, sau đám cưới, vì những bận rộn đời thường, rất hiếm khi tập album đồ sộ và tốn kém này được các cặp đôi mở ra ngắm lại, và “vì nó nặng quá, lười đem cho bạn bè xem nên cất luôn vào tủ!”- chị T.H. (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) cho hay.
Đám cưới tiết kiệm, ý nghĩa của đôi bạn trẻ Tâm Hiền-Kiều My với chi phí album ảnh cưới chỉ 3 triệu đồng (ảnh do nhân vật cung cấp).
Đám cưới tiết kiệm, ý nghĩa của đôi bạn trẻ Tâm Hiền-Kiều My với chi phí album ảnh cưới chỉ 3 triệu đồng (ảnh do nhân vật cung cấp).
Mời khách tràn lan cũng là một căn bệnh của đám cưới thời nay. Có những cặp, có lẽ vì quá hân hoan trước sự kiện lớn nhất đời, nên đã mời vô tội vạ, kể cả những mối quan hệ sơ giao. Nhiều người nhận được thiệp mời mà không nhớ ra mình có quen gia đình hai họ. Anh Đ.N. (phường Ia Kring, TP. Pleiku), một “khách mời đau khổ”, than thở khi cầm một tấm thiệp cưới: “Hình như đã 6 năm nay tôi chưa gặp lại người đứng tên mời trong thiệp cưới này!”. Khó tin nhưng có thật. Vì mời khách một cách thiếu cân nhắc nên có những đám cưới không được tưng bừng cho lắm khi có đến 5-7 bàn trống, khiến hai họ phải lặc lè ăn đồ cưới thêm vài ngày nữa. Trong khi đó, nhiều người vì lịch sự nên phải gồng mình “chạy sô” hết đám cưới này đến đám cưới khác.
“Vào mùa cưới, có tuần tôi nhận được tới 5 thiệp cưới. Ăn đám cưới nhiều, ngán đến nỗi chỉ thèm một bữa cơm nhà”- anh T.T. (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) ngao ngán nói. Chưa kể, với đồng lương công chức, có tháng anh phải mượn tiền tiêu đỡ vì toàn bộ số lương đã thành tiền mừng cưới! Chính vì vậy, nhiều người hài hước ví von: Mùa cưới cũng là mùa “viêm màng túi” nặng nề.
Trong nhiều bữa tiệc cưới, sự lãng phí còn thể hiện ở sự “chơi đẹp” của gia chủ: Chỉ đãi bằng bia Heineken, không hạn định số lượng; còn các loại bia Sài Gòn xanh, Sài Gòn đỏ chỉ là hạng xoàng. Thời “bão giá”, lắm người giật mình so đo khi giá một tô bún, phở lên đến 25-30.000 đồng, nhưng chẳng ai nghĩ ngợi khi uống một chai bia Heineken được nhà hàng báo giá từ 20.000 đồng đến 22.000 đồng/chai! Đãi tiệc bằng bia Heineken giờ đã thành cái mốt do bệnh hình thức, song với nhiều người đó cũng là nỗi khổ, vì sợ mời khách bằng những loại bia rẻ hơn thì bị đánh giá là… keo kiệt. Vì thế, bia cứ tràn như suối, khách mời cứ vô tư cụng ly, kết cục là nhiều gia đình sau đó “méo mặt” vì tiền mừng cưới để chuẩn bị cho đôi trẻ bước vào cuộc sống mới chẳng còn được là bao sau khi đã trừ hết chi phí. Linh đình là thế, song không ít cặp đôi đã vội vã chia tay nhau chỉ sau 1 tháng chung sống!
Tiết kiệm nhưng vẫn ý nghĩa
Chia sẻ quan điểm về việc làm album cưới của nhiều đôi bạn trẻ hiện nay, nhiếp ảnh gia Phạm Dực cho rằng: Việc các cặp đôi chọn chụp ảnh ngoại tỉnh hoặc ở nước ngoài là sở thích cá nhân bình thường, đặc biệt là khi địa điểm đó gắn với những kỷ niệm riêng tư giữa hai người. Tuy nhiên, nếu chỉ vì chuộng lạ, theo số đông thì đó là một sự lãng phí. “Chụp ngoại cảnh ở Gia Lai rất đẹp, toàn bộ đều là cảnh thiên nhiên trong lành, hoang sơ của đồi núi, sông hồ, còn thông và hoa dại Tây Nguyên thì đẹp số một!”- nhiếp ảnh gia Phạm Dực nói. Tại Gia Lai, trị giá của một bộ ảnh ngoại cảnh tùy theo tình hình tài chính của khách hàng, nhưng chỉ với 5 triệu đồng là đã có 1 bộ ảnh ngoại cảnh ưng ý. Trong thời buổi khó khăn này, nhiều bạn trẻ không đi đâu xa mà chọn chính mảnh đất mình đang sinh sống để ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ của ngày trọng đại.
Nhiều cặp đôi cũng chọn giải pháp vừa ít tốn kém vừa vui, đó là nhờ bạn bè thân thiết chụp ảnh cưới. Hai bạn Tâm Hiền và Kiều My (phường Yên Đổ, TP. Pleiku), hiện công tác tại TP. Hồ Chí Minh, vui vẻ cho biết, họ đã mạnh dạn “giao phó” việc chụp ảnh cưới cho những người bạn là những tay máy không chuyên nhưng mê chụp ảnh. Trước ngày cưới, cả hai cùng nhóm bạn này tổ chức một chuyến chụp hình ngay trong thành phố, vừa thoải mái, tự nhiên, ý nghĩa, vừa tiết kiệm được khá nhiều bởi chi phí cho bộ ảnh 30 tấm (khổ 30cmx50cm) cùng tấm ảnh lớn trưng ở đám cưới chỉ khoảng 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những biến chuyển nhỏ, chưa được nhân thành điển hình. Tại một số địa phương, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh, nhiều đôi bạn trẻ đã tổ chức lễ cưới với các hoạt động ý nghĩa, tiết kiệm, văn minh được Thông tư 04 (do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch ban hành đầu năm 2011) khuyến khích như: Dùng hình thức báo hỷ thay cho giấy mời dự lễ cưới, tiệc cưới; chỉ tổ chức tiệc trà, tiệc ngọt trong lễ cưới; cô dâu, chú rể và gia đình đặt hoa tại đài tưởng niệm liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, di tích lịch sử-văn hóa, trồng cây lưu niệm tại địa phương trong ngày cưới… Song, tại tỉnh ta, việc tổ chức lễ cưới vẫn chưa thoát ra khỏi những tâm lý thông thường để có một lễ cưới vừa đáng nhớ, vừa ý nghĩa, tiết kiệm.
Có thể thấy, việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ cưới phụ thuộc rất lớn vào ý thức xã hội. Vì thế, Nghị quyết Trung ương 5 cũng như  Thông tư 04 cũng cần rất nhiều thời gian để đi vào cuộc sống.
Lam Nguyên

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.