Sáng cùng ngày, một tài khoản Facebook tên “Nguyễn Đức Huấn” đã đăng tải thông tin “cầu xin cộng đồng mạng” tìm con trai bị bắt cóc.

Theo tài khoản này, cháu bé tên Lê Bảo Lâm (6 tuổi) vào chiều hôm qua đang chơi trước trọ hẻm 301 Âu Cơ, TP. Pleiku thì bị 2 người đàn ông dùng thuốc mê đánh ngất rồi bế đi.
Trong bài viết, tài khoản “Nguyễn Đức Huấn” cũng để lại 1 số điện thoại cùng nội dung “Xin cộng đồng mạng chia sẻ giúp bài viết này để lan tỏa biết đâu nhờ mọi người chia sẻ sẽ có người nhìn thấy và báo tin cho gia đình em cũng thêm dù 1% cơ hội để tìm thấy bé”.
Cùng với những từ ngữ rất “tha thiết” trên, tài khoản này còn còn đăng hình thẻ của cháu bé cùng với hình cắt từ camera an ninh việc có 2 người đàn ông đi xe máy chở theo 1 cháu bé ngồi ở giữa.
Với những thông tin và hình ảnh trên, chỉ sau ít giờ đăng tải bài viết đã nhận được hơn 3.000 lượt chia sẻ. Hầu hết đều tin tưởng đây là thông tin thật khi ghi rõ địa chỉ cùng số điện thoại. Đáng nói, một số fanpage có hàng chục ngàn người theo dõi cũng sao chép, đăng tải lại bài viết khiến nhiều tin theo.

Tuy nhiên, qua xác minh, lực lượng Công an Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao xác định đây là thông tin giả. Hình ảnh cũng được các đối tượng lấy từ nhiều nguồn khác nhau ở các địa phương khác.
Đặc biệt, sau khi có lượng chia sẻ lớn, tài khoản “Nguyễn Đức Huấn” đã đổi nội dung bài viết sang thông báo nhận “Quỹ phụng sự kêu gọi cứu trợ nhân đạo khẩn cấp tại Myanmar”. Các hình ảnh cũng được thay đổi sang cảnh đổ nát sau động đất tại đất nước này. Kèm theo đó là số tài khoản, mã QR tài khoản nhận tiền cứu trợ.
“Bước đầu chúng tôi xác định đây là thông tin giả mà các đối tượng sử dụng vào mục đích vụ lợi. Đơn vị đã yêu cầu các quản trị viên của các trang mạng xã hội xóa bài viết, khuyến cáo người dân không chia sẻ. Chúng tôi nhận định đây là thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng các sự việc thương tâm để lừa đảo kêu gọi cứu trợ nên người dân tuyệt đối không nên chuyển tiền vào các tài khoản này”-Thượng tá Sơn nhấn mạnh.