Ayun Pa xây dựng xã hội học tập từ cơ sở

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Xác định công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là nền tảng nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, Hội Khuyến học thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) đã tập trung huy động nguồn lực xã hội chung tay chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, khơi dậy tinh thần hiếu học của người dân.
Thực hiện phong trào khuyến học, khuyến tài, hàng năm, Trường Tiểu học và THCS Nguyễn Viết Xuân (xã Ia Rtô) đều trích kinh phí tu bổ cơ sở vật chất, tạo cảnh quan trường lớp khang trang, xanh-sạch-đẹp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Cùng với đó, Ban Giám hiệu nhà trường huy động sự ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân cũng như cán bộ, giáo viên, phụ huynh xây dựng nguồn quỹ giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn đến trường. Thầy Trần Thanh Vĩnh-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Năm học 2021-2022, nhà trường trích kinh phí hơn 12 triệu đồng khen thưởng 37 học sinh xuất sắc và 127 học sinh có thành tích tốt khác. Năm học 2022-2023, toàn trường có 468 học sinh, trong đó 8 em thuộc diện hộ nghèo, 10 em thuộc hộ cận nghèo. Đầu năm học, nhà trường kêu gọi Mạnh Thường Quân hỗ trợ trên 3.000 cuốn vở cấp phát cho các em. Dịp Tết Trung thu vừa qua, nhà trường kêu gọi được hơn 10 triệu đồng để tặng trên 400 suất quà cho học sinh nghèo.
Bí thư Thị ủy Ayun Pa Trần Quốc Khánh tặng giấy khen cho các em học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Ảnh: Vũ Chi
Bí thư Thị ủy Ayun Pa Trần Quốc Khánh tặng giấy khen cho các em học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập. Ảnh: Vũ Chi
Tại phường Đoàn Kết, trong giai đoạn 2016-2021, Hội Khuyến học phường có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện toàn phường có 17 chi hội, trong đó có 10 chi hội tổ dân phố, 6 chi hội trường học, 1 ban khuyến học hội đồng hương với 1.087 hội viên, tăng 877 hội viên so với đầu nhiệm kỳ. Theo ông Võ Xuân Thành-Chủ tịch Hội Khuyến học phường: Hội Khuyến học phường và các chi hội đã chú trọng lồng ghép giữa nội dung tiêu chí “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” với tiêu chí xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Nhờ vậy, phong trào càng được Nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia đăng ký thực hiện. “Năm 2021, UBND phường công nhận 20 tập thể và 1.087 hộ gia đình học tập. Từ nguồn kinh phí huy động cho công tác khuyến học, khuyến tài trong 5 năm với hơn 1,5 tỷ đồng, Hội đã tổ chức khen thưởng cho các em học sinh giỏi, hỗ trợ học sinh khó khăn. Hiện toàn phường có 1.709 học sinh, sinh viên, trong đó đại học 236 em, cao đẳng 60 em, trung cấp 8 em”-ông Thành phấn khởi cho hay.
Tương tự, Hội Khuyến học phường Hòa Bình đã phối hợp với các đoàn thể chính trị và tổ dân phố tập trung tuyên truyền, phổ biến cho người dân quan điểm của Đảng, Nhà nước về nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và tư tưởng Hồ Chí Minh về học tập suốt đời. Toàn phường hiện có 7 chi hội cơ sở với 178 hội viên. Cuối năm 2021, 98% số gia đình đăng ký được công nhận “Gia đình học tập”, 7/7 chi hội đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”. Bà Hồ Thị Hồng-Chủ tịch Hội Khuyến học phường-chia sẻ: “Trong 5 năm, Hội đã trao quà cho 1.128 em học sinh giỏi, tặng 108 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, học sinh mồ côi, khuyết tật; tặng 37 suất quà Tết với tổng trị giá gần 66 triệu đồng. Đây là động lực giúp các em cố gắng vươn lên trong học tập và hạn chế tình trạng học sinh bỏ học tại địa phương”.
Khen thưởng các em có thành tích cao trong học tập, các em học sinh nghèo vượt khó đã góp phần thúc đẩy phong trào khuyến học, khuyến tài trong nhà trường. Ảnh: Vũ Chi
Khen thưởng các em học sinh nghèo vượt khó có thành tích cao trong học tập. Ảnh: Vũ Chi
Trao đổi cùng P.V, ông Nguyễn Minh Hiển-Chủ tịch Hội Khuyến học thị xã-cho biết: Hiện toàn thị xã có 49 chi hội thôn, tổ dân phố, 18 chi hội trường học, 4 ban khuyến học hội đồng hương và cơ sở tôn giáo với 4.230 hội viên. Trong 5 năm qua, có 13.346 lượt gia đình, 20 lượt dòng họ, 227 lượt thôn, tổ dân phố, 87 lượt trường học được UBND các xã, phường công nhận danh hiệu học tập. Hội Khuyến học thị xã đã vận động và tiếp nhận các nguồn tài trợ với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng; Hội Khuyến học xã, phường và các hội đồng hương 275 triệu đồng, các trường học vận động tiếp nhận trên 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, các nhà hảo tâm, Mạnh Thường Quân ủng hộ nhiều hiện vật khác cho học sinh, trong đó có 203 xe đạp, 7.200 quyển vở, 135 cặp sách, 95 bộ sách, 150 mũ bảo hiểm, quần áo… với tổng trị giá gần 500 triệu đồng.
“Thời gian tới, Hội tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động các hội cơ sở, tập trung xây dựng các mô hình học tập trong nhà trường, cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư; tiếp tục vận động các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm xây dựng quỹ khuyến học nhằm kịp thời động viên, khen thưởng, hỗ trợ các em học sinh; khen thưởng các mô hình khuyến học điển hình, gương người tốt, việc tốt trong công tác khuyến học, qua đó, đưa phong trào đi vào chiều sâu, lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng”-Chủ tịch Hội Khuyến học thị xã nhấn mạnh.
VŨ CHI

 

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.