An ninh Gia Lai trong những ngày tháng Ba lịch sử

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cuộc tiến công và nổi dậy của quân và dân trong tỉnh cùng với bộ đội chủ lực đã nhanh chóng giành được thắng lợi hoàn toàn vào ngày 17-3-1975. Trong chiến thắng vĩ đại đó, lực lượng An ninh Gia Lai (nay là Công an Gia Lai) đã có những đóng góp quan trọng.

Quán triệt tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, Thường vụ Khu ủy Khu V về chớp lấy thời cơ phát động tổng tiến công và nổi dậy, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc, tháng 2-1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã họp hội nghị mở rộng quán triệt nhiệm vụ mới và xác định chủ trương, kế hoạch tấn công địch, giải phóng tỉnh Gia Lai.

Từ nhiệm vụ được phân công, Ban An ninh Gia Lai đã triệu tập cuộc họp bàn thống nhất kế hoạch, xây dựng phương án chiến đấu đối với lực lượng An ninh toàn tỉnh trong chiến dịch giải phóng Gia Lai. Lãnh đạo Ban An ninh tỉnh đã chỉ đạo lực lượng An ninh các cấp sử dụng tối đa mạng lưới cơ sở, khẩn  trương nắm tình hình về âm mưu địch, về diễn biến tình hình tư tưởng của Ngụy quân, Ngụy quyền và các phe phái đối lập, đặc biệt là sĩ quan và nhân viên cao cấp Ngụy quyền, bọn cầm đầu trong các tổ chức phản động.

Lực lượng An ninh Gia Lai bàn kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự vùng giải phóng. Ảnh: Tư liệu
Lực lượng An ninh Gia Lai bàn kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự vùng giải phóng. Ảnh: Tư liệu

Thị xã Pleiku được xác định là hướng tấn công trọng điểm, do đó Ban An ninh tỉnh tập trung lực lượng, chỉ đạo An ninh thị xã nắm tình hình nội thị, lên sơ đồ ranh giới các ấp, sơ đồ các trục đường, đánh dấu các mục tiêu An ninh cần tiếp quản khi giải phóng. Lực lượng trinh sát vũ trang, an ninh vũ trang lót trước vào thị xã, kết hợp tấn công từ bên trong và bên ngoài; chuẩn bị các thư, lệnh, hiệu triệu để tấn công chính trị làm tan rã hàng ngũ địch.

Lực lượng cơ sở bí mật được phát triển thêm, công tác vận động quần chúng “phòng gian bảo mật”, bảo vệ bí mật hành quân được tiến hành rất khẩn trương, tích cực; tổ chức dựng lại khái quát toàn bộ các tổ chức địch, hệ thống Ngụy quân, Ngụy quyền và các đảng phái phản động; lập hồ sơ phân loại từng loại đối tượng; tiến hành nghiên cứu đề xuất với cấp ủy, Ban Chỉ huy chiến dịch xác định mục tiêu, đối tượng tấn công, trấn áp và chiếm lĩnh. Ngoài ra, An ninh tỉnh còn theo dõi, bảo vệ các hành lang, An ninh huyện lập thêm các trại giam giữ, chuẩn bị lương thực thực phẩm; kiểm tra, củng cố hệ thống thông tin liên lạc; đảm bảo công tác nắm tình hình và lãnh đạo chỉ huy phục vụ toàn diện cho chiến trường.

Nghiên cứu, xem xét lại khả năng tổ chức, điều động bố trí thích hợp, tăng cường cán bộ cho các địa bàn trọng yếu, nhất là địa bàn K9 (Pleiku) và K8 (An Khê); giao nhiệm vụ cụ thể cho An ninh các huyện, các đồng chí trưởng, phó An ninh huyện phải trực tiếp xuống tận cơ sở để chỉ huy; củng cố và xây dựng lực lượng công khai, mở các lớp tập huấn võ thuật, chiến thuật cho các lực lượng chuyên trách, đề ra các phương án tấn công nổi dậy, khẩn trương tập huấn một số nhiệm vụ cơ bản của công tác an ninh khi chiếm lĩnh hai đô thị lớn là Pleiku và An Khê.

Bên cạnh đó, lực lượng An ninh tiếp tục triển khai các biện pháp bảo vệ vùng giải phóng và căn cứ cách mạng, đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát nhằm phát hiện bọn do thám, gián điệp xâm nhập; đẩy đuổi các đối tượng nghi vấn ra khỏi địa bàn, tiến hành soát xét lại số cán bộ của các ngành được phân công ra phía trước và các lực lượng phục vụ chiến dịch; có kế hoạch bảo vệ tuyến hành lang, kho tàng, các địa điểm trú quân, các cơ quan lãnh đạo chiến dịch, phát động quần chúng “phòng gian bảo mật”, nổi dậy diệt ác phá kìm, giành quyền làm chủ.

Do tiến hành tốt công tác bảo vệ, nắm tình hình, vận động quần chúng kết hợp với công tác nghi binh, đánh lạc hướng địch nên ta đã giữ được bí mật, bất ngờ nhất là hướng tấn công chủ yếu.

Chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu từ ngày 4-3-1975. Theo phương án tác chiến, 2 giờ sáng ngày 10-3-1975, lực lượng Mặt trận Tây Nguyên tấn công vào Buôn Ma Thuột, hướng đột phá chiến lược của chiến dịch. Sau 2 ngày chiến đấu quyết liệt, đến ngày 11-3-1975, quân ta hoàn toàn chiếm lĩnh Buôn Ma Thuột.

Tại Gia Lai, ảnh hưởng của chiến thắng Buôn Ma Thuột vang đi rất nhanh. Toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân ngụy bị rung động, thế bố trí chiến lược của địch bị đảo lộn hoàn toàn. Ngày 17-3-1975 Gia Lai được hoàn toàn giải phóng. Lực lượng An ninh đã nhanh chóng chiếm lĩnh các cơ quan Cảnh sát, Tòa án, các trụ sở của bọn “bình định”, tình báo, chiêu hồi, trại giam,… giải phóng đồng bào và cán bộ ta bị địch giam giữ; đồng thời phối hợp với các mũi tiến công chiếm lĩnh khu Tòa Hành chính, Dinh Tỉnh trưởng và các cửa ngõ ven thị, tổ chức các tổ An ninh ở các phường, ấp để ổn định tình hình và giữ gìn an ninh, trật tự.

Thực hiện nhiệm vụ được phân công, lực lượng an ninh tổ chức việc đăng ký trình diện cho Ngụy quân, Ngụy quyền, đảng phái phản động. Đến tháng 6-1975 toàn tỉnh có 16.124 tên Ngụy quân và 14.361 nhân viên Ngụy quyền đã ra trình diện. Số ra trình diện đều được phân loại giáo dục, cải tạo. Bên cạnh đó, lực lượng An ninh đã tiến hành truy quét, lập hồ sơ bắt tập trung cải tạo những tên ác ôn còn lẩn trốn, những tên có nhiều tội ác với cách mạng và có biểu hiện chống đối, những đối tượng cầm đầu các tổ chức phản động.

Ngoài ra, lực lượng An ninh còn tổ chức bảo vệ an toàn các cơ quan của tỉnh chuyển đến địa điểm mới hoạt động. Công tác thu gom hồ sơ tài liệu của địch, công tác truy quét bọn ác ôn tề điệp lẩn trốn ngoài rừng cũng được triển khai đồng bộ.

Như vậy, trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng An ninh Gia Lai đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình; góp phần cùng quân và dân cả nước đánh tan bè lũ xâm lược, thống nhất đất nước.

Quốc Thành
 

Có thể bạn quan tâm

3 thanh niên phạm tội giết người vì nghĩ bị "nhìn đểu"

3 thanh niên phạm tội giết người vì nghĩ bị "nhìn đểu"

(GLO)- Sáng 23-7, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt các bị cáo Ngô Anh Vũ (SN 2006), Trương Văn Trung (SN 2002) và Trần Như Phong (SN 2005, cùng trú tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk) tổng hình phạt 23 năm tù cùng về tội “Giết người”.
Bắt thanh niên rao bán “hàng nóng” trên TikTok

Bắt thanh niên rao bán “hàng nóng” trên TikTok

(GLO)- Công an huyện Như Thanh (tỉnh Thanh Hóa) vừa bắt giữ Đào Duy Tùng (SN 2000, ở thôn Phú Hòa, xã Đồng Cốc, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) để điều tra hành vi “mua bán, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ trái phép”.