Ấm no nhờ những mô hình kinh tế hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng 103 mô hình giảm nghèo tại các làng đồng bào DTTS. Thực tế cho thấy, phần lớn các mô hình này đều mang lại hiệu quả giúp người dân có cuộc sống ấm no.
Bà Đinh Thị Thìn-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đak Rong-cho biết: Qua khảo sát nguyện vọng của người dân, Mặt trận và các đoàn thể xã đã xây dựng mô hình nuôi heo đen. Mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giảm nghèo bền vững. Cụ thể, làng Kon Lốc 1 có 14 hộ tham gia mô hình nuôi heo đen với 162 con. Trong đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện hỗ trợ kinh phí cho 5 hộ (3 triệu đồng/hộ) từ Quỹ “Vì người nghèo”. Đến nay, nhiều hộ đã có nguồn thu nhập ổn định từ việc chăn nuôi heo. Còn làng Kon Bông có 26 hộ tham gia mô hình, với 107 con, đã bán được 11 con.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đak Rong: Qua theo dõi từ năm 2020 đến nay, các hộ đã thực hiện tốt việc chăm sóc đàn heo, luôn duy trì và phát triển ổn định. Từ 269 con ban đầu, xã đã phát triển đàn heo lên 390 con. Đầu năm 2022, các hộ đã bán 21 con được hơn 105 triệu đồng; dự kiến sẽ bán thêm khoảng 40 con nữa. “Chúng tôi đang tiếp tục vận động người dân đăng ký vay vốn, tham gia mô hình để phát triển kinh tế gia đình; mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến cuối năm 2022, xã phấn đấu nâng tổng số đàn heo lên 420 con”-bà Thìn nhấn mạnh.
Nhờ tham gia mô hình nuôi heo đen nên hộ ông Đinh Văn Mên (làng Kon Lốc 1, xã Đak Rong, huyện Kbang) đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Minh Phương
Nhờ tham gia mô hình nuôi heo đen nên hộ ông Đinh Văn Mên (làng Kon Lốc 1, xã Đak Rong, huyện Kbang) đã vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Minh Phương
Tương tự, mô hình nuôi dê sinh sản tại xã Tơ Tung cũng mang lại hiệu quả cao. Bà Nông Thị Danh-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã-cho hay: Từ năm 2019 đến nay, mô hình đã giúp 5 hộ dân ở các làng Stơr, Leng, Klếch thoát nghèo bền vững. Năm 2021, hộ ông Đinh Hdot (làng Đak Pơ Kao) được hỗ trợ 5 triệu đồng triển khai mô hình nuôi dê. Từ 6 con ban đầu, đến nay, đàn dê của ông đã phát triển gần 30 con. Đây cũng là mô hình điểm hiệu quả đang được đề nghị nhân rộng cho các hộ dân trong làng.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Thu Nhi-Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kbang-thông tin: Kbang là 1 trong 3 huyện được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn làm điểm thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Bằng nhiều cách làm cụ thể, phù hợp, Mặt trận các cấp đã huy động nhiều nguồn lực để tạo sinh kế giúp cho các hộ đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo. Nhiều gia đình còn có ý thức chỉnh trang nhà cửa, xóa nhà tạm, làm công trình phụ, chăn nuôi có chuồng trại; chủ động xử lý nước thải, rác thải, bảo vệ môi trường.
Đến nay, toàn huyện đã xây dựng 103 mô hình giảm nghèo. Qua đánh giá, nhiều mô hình đạt hiệu quả, tiếp tục được nhân rộng cho bà con học tập, làm theo như: mô hình trồng chuối ghép mô tại làng Nák (thị trấn Kbang); nuôi dê sinh sản (2 xã Tơ Tung, Sơ Pai); mô hình nuôi bò sinh sản (xã Kông Pla, xã Nghĩa An) nuôi heo đen (xã Đak Rong); trồng cây ăn quả (xã Đông)… 
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Kbang thông tin thêm: Sau thời gian triển khai thực hiện mô hình điểm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã chọn một số mô hình mới, sáng tạo, có hiệu quả để nhân rộng, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. “Chúng tôi chỉ đạo Mặt trận cấp xã tiếp tục vận động người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; tham gia các hình thức liên kết, đầu tư, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển”-bà Nhi nhấn mạnh.
MINH PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.