Ấm áp những căn nhà nghĩa tình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ sự hỗ trợ của VietinBank mà 28 hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn xã Ia Púch (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) có nhà ở mới, từng bước ổn định cuộc sống.

Đưa chúng tôi đến thăm một số hộ vừa được hỗ trợ xây dựng nhà ở, ông Lê Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Púch-cho biết: Xã có 4 thôn, làng, trong đó có 2 làng đặc biệt khó khăn là làng Bỉh và làng Goòng. Toàn xã có 944 hộ, trong đó, người Jrai chiếm hơn 73%.

Những năm qua, xã luôn chú trọng thực hiện chương trình an sinh xã hội nhằm giúp người dân cải thiện cuộc sống.

am-ap-nhung-can-nha-nghia-tinh-bg-6980.jpg
Ông Lê Văn Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Púch trò chuyện với người dân được hỗ trợ xây dựng nhà ở. Ảnh: N.H

Đặc biệt, đầu năm 2024, thông qua ông Thái Hồng Nhân-Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức, VietinBank đã hỗ trợ xây dựng 28 căn nhà cho các hộ nghèo trên địa bàn xã với tổng trị giá 2,8 tỷ đồng (100 triệu đồng/căn).

“Đến nay, việc thi công nhà ở đã hoàn thành và bàn giao cho các hộ dân. Mỗi căn nhà có diện tích 64 m2, gồm 1 phòng khách, 1 phòng ngủ và 1 phòng bếp”-ông Tuấn cho hay.

Bày tỏ niềm vui khi 10 hộ nghèo trong làng được hỗ trợ xây dựng nhà ở, ông Rơ Mah Juech-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Bỉh-chia sẻ: Làng có 89 hộ, trong đó, người Jrai chiếm trên 70%. Đất sản xuất ít, cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ phải ở trong căn nhà tạm bợ, rộng chỉ khoảng 24-25 m2. Vừa rồi, được ngân hàng hỗ trợ xây dựng nhà, bà con rất phấn khởi.

“Ngoài hỗ trợ xây nhà, xã cũng vận động được 28 người vào làm công nhân cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Mới đây, qua rà soát, làng có thêm 3 hộ thoát nghèo. Hiện làng còn 33 hộ nghèo”-Trưởng thôn Bỉh thông tin.

Nhìn căn nhà mới khang trang, bà Rơ Mah Bip (làng Bỉh) không giấu được niềm vui. Bà kể: Gia đình không có đất sản xuất, quanh năm phải đi nhặt điều, làm cỏ mì, cỏ lúa thuê. Hôm nào nhiều việc thì có ngày được trả công 150 ngàn đồng, có hôm không có việc làm.

“Vì thế, khi được hỗ trợ xây nhà, gia đình rất phấn khởi, không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn chính quyền địa phương và ngân hàng”-bà Bip xúc động nói.

Còn bà Rơ Mah Bial (cùng làng Bỉh) thì bộc bạch: “Biết tin được hỗ trợ xây nhà ở, nhiều đêm, tôi không thể nào ngủ được. Nay có nhà mới, tôi sẽ chăm chỉ đi làm và vận động con, cháu vào làm công nhân cho các công ty trên địa bàn để cải thiện thu nhập”.

8 hộ nghèo ở làng Chư Kó cũng phấn khởi khi được hỗ trợ xây dựng nhà. Chỉ tay vào căn nhà mới còn thơm mùi vôi vữa, bà Siu H’Liên cho hay: Cách đây 2 năm, sau một trận ốm, mắt trái của bà bị mù, còn mắt phải thì nhìn không còn rõ. Đi lại khó khăn nên bà đành phải nhờ mẹ chăm sóc 7 sào điều, còn bà chỉ trồng 1 sào lúa. Khi nghe tin được hỗ trợ xây dựng nhà ở, bà vui lắm.

“Căn nhà cũ chật chội mà hay bị dột vào mùa mưa. Giờ có nhà mới rồi, mẹ con tôi không phải thấp thỏm mỗi mùa mưa đến”-bà H’Liên tâm sự.

2nhathao-9071.jpg
Những căn nhà mới được hỗ trợ xây dựng đã góp phần nâng cao đời sống của người dân. Ảnh: N.H

Theo bà Siu Bin-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Chư Kó: Làng có 163 hộ. Cuối năm 2023, làng còn 32 hộ nghèo, 22 hộ có nhà ở tạm bợ. Vừa rồi, một số hộ trong làng được ngân hàng hỗ trợ xây nhà, bà con rất phấn khởi.

“Bên cạnh đó, xã còn phối hợp với các đơn vị bộ đội, các doanh nghiệp hỗ trợ người dân về cây-con giống và kỹ thuật sản xuất, xây dựng mô hình trồng lúa nước nên đời sống bà con dần bớt khó khăn. Mới đây, qua rà soát, làng có thêm 7 hộ thoát nghèo”-bà Bin thông tin.

Chủ tịch UBND xã Ia Púch cho biết thêm: Hiện nay, qua rà soát, toàn xã còn hơn 30 hộ có nhà ở tạm bợ. Năm 2025, xã sẽ tiếp tục kêu gọi các nhà hảo tâm và triển khai hỗ trợ từ nguồn vốn Tiểu dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phấn đấu xây dựng 25 căn nhà, số nhà còn lại sẽ tiếp tục xây dựng trong các năm tiếp theo.

“Ngoài hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, xã cũng tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn ủng hộ nhân lực, vật lực giúp người dân phát triển kinh tế để từng bước vươn lên thoát nghèo”-ông Tuấn cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Chị Trần Diễm Trinh trong một buổi học vẽ để cân bằng cảm xúc

Cảnh giác với hội chứng trầm cảm cười

(GLO)- Với “lá chắn cảm xúc” dựng nên từ sự vui vẻ, tích cực tham gia các hoạt động tập thể, thậm chí hoàn thành tốt công việc, một số người đã khiến không ít người xung quanh bất ngờ khi biết họ rơi vào rối loạn trầm cảm kéo dài trước đó.

Con trăn gấm trong Công viên Diên Hồng (TP. Pleiku) đã được đưa về Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh để chăm sóc trước khi thả về môi trường tự nhiên. Ảnh: N.D

Chung tay bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm

(GLO)- Thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân đã tự nguyện giao nộp nhiều cá thể động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm để các cơ quan chuyên môn chăm sóc trước khi thả về môi trường tự nhiên. Đây là hành động chung tay bảo vệ động vật hoang dã, góp phần bảo tồn loài gắn với đa dạng sinh học.

Thu gom phế liệu để làm từ thiện

Thu gom phế liệu để làm từ thiện

(GLO)- Sau hơn 5 tháng hoạt động, mô hình “Thu gom phế liệu làm từ thiện” do 8 hội viên phụ nữ ở tổ 4 (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) triển khai đã trao 23 phần quà cho các hoàn cảnh khó khăn, đồng thời góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân trên địa bàn.

Sẵn sàng ứng phó với hạn hán, cháy rừng

Sẵn sàng ứng phó với hạn hán, cháy rừng

(GLO)- Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, mùa khô 2024-2025, nắng nóng kéo dài gây nên các hiện tượng thời tiết cực đoan ảnh hưởng đến sản xuất và nguy cơ cao xảy ra cháy rừng. Liên quan đến vấn đề này, P.V Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.

Pleiku: Túi mù gây sốt thị trường quà tặng Valentine

Pleiku: Túi mù gây sốt thị trường quà tặng Valentine

(GLO)- Ngày lễ tình nhân đã đến, vì thế thị trường quà tặng Valentine ở TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) trở nên sôi động. Từ những món quà truyền thống như hoa tươi, chocolate cho đến các sản phẩm theo trào lưu mới như “túi mù” được nhiều người yêu thích.

Họp tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tháng 2-2025

Họp tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tháng 2-2025

(GLO)- Chiều 13-2, tại Hà Nội, Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) tổ chức phiên họp triển khai Đề án 06 Chính phủ tháng 2-2025.