Ai kiểm soát chất lượng thịt gia súc?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thành phố Pleiku hiện có 56 cơ sở giết mổ gia súc nằm rải rác ở các phường, xã. Mỗi đêm các cơ sở này giết mổ chừng 300 con heo, bò bán ra thị trường, tương ứng khoảng 15 tấn thịt tươi sống. Trung tâm Thương mại Pleiku mỗi ngày tiêu thụ khoảng 1 tấn thịt tươi sống, lượng thịt còn lại được phân tán khắp các chợ nhỏ và chuyển đi phục vụ các huyện lân cận.

Lâu nay, công tác kiểm dịch động vật được giao cho Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Pleiku. Tuy nhiên, đơn vị này chỉ lăn dấu kiểm phẩm thịt heo, bò tại chợ mà chưa thực hiện kiểm dịch toàn bộ quy trình giết mổ gia súc từ đầu vào tới đầu ra. Bà Nguyễn Thị Linh Chi-Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Pleiku cho rằng: Thành phố chưa có cơ sở tập trung nên việc giết mổ gia súc đang tồn tại kiểu nhỏ lẻ ở quy mô hộ gia đình, địa bàn phân tán trải rộng ở nhiều phường, xã cách xa nhau. Các hộ thường giết mổ gia súc vào nửa đêm, trong khi đơn vị chỉ có 4 người nên không thể đến từng hộ giám sát, kiểm soát giết mổ được. “Vẫn biết việc kiểm soát giết mổ còn nhiều khó khăn nhưng lực bất tòng tâm. Nếu thành phố có cơ sở giết mổ tập trung thì công tác kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, phòng-chống dịch bệnh gia súc… sẽ thuận lợi hơn nhiều”-bà Chi nói.

 

Đa số thịt gia súc trên thị trường chưa được kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: T.Đ
Đa số thịt gia súc trên thị trường chưa được kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: T.Đ

Từ đầu năm đến nay, Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Pleiku luôn duy trì hợp đồng với thú y viên để lăn dấu kiểm phẩm thịt heo, bò ở tất cả 13 chợ trên địa bàn. Tuy nhiên, mỗi ngày bình quân lăn dấu kiểm phẩm được 106 con heo, 13 con bò; đạt hơn 43% lượng thịt heo, bò thực tế giết mổ. Điều này có nghĩa là còn hơn một nửa lượng thịt tươi sống không được kiểm phẩm, kiểm dịch thú y và không ai dám chắc bên trong đó lại không tiềm ẩn mầm dịch bệnh nguy hiểm.
 

Bác sĩ Nguyễn Văn Đang-Chi cục trưởng Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh: “Thực trạng giết mổ, buôn bán thịt gia súc tràn lan không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đang đặt người dân-những “Thượng đế” bất đắc dĩ trước nguy cơ về ngộ độc thực phẩm”.

Toàn bộ 56 điểm giết mổ gia súc đang hoạt động khắp thành phố không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Vì thế không loại trừ khả năng vẫn còn một số cơ sở mổ cả gia súc bị bệnh, bị chết đem bán ra thị trường. “Tôi thường mua thịt tại gian hàng quen ở Trung tâm Thương mại Pleiku. Thật tình là chỉ biết dựa vào cảm quan và tin tưởng vào người bán thôi chứ không dám chắc chắn về độ an toàn và sạch mầm bệnh của miếng thịt mình mua”-chị Đặng Thị Mai (ở nhà số 236 Hai Bà Trưng, TP. Pleiku) nói.

Trong khi đó, ông Trần Văn Tư-Trưởng ban Quản lý Trung tâm Thương mại Pleiku thì cho biết: “Hàng hóa đưa vào chợ bán như thế nào là do các tiểu thương, chủ quầy sạp quyết định. Chất lượng hàng hóa thì do các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát. Ban Quản lý chợ chỉ chịu trách nhiệm sắp xếp chỗ ngồi, quản lý an ninh trật tự và phòng-chống cháy nổ…”.

Trần Đức

Có thể bạn quan tâm