Agribank hỗ trợ người trồng hồ tiêu vượt khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất, cho vay mới để đầu tư tái sản xuất… là những giải pháp mà Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT-Chi nhánh huyện Chư Pưh thực hiện trong thời gian qua nhằm hỗ trợ người trồng hồ tiêu khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất.
Nhờ sự hỗ trợ của Agribank, nhiều hộ trồng tiêu có thêm điều kiện để đầu tư tái sản xuất.  Ảnh: Đức Thụy
Nhờ sự hỗ trợ của Agribank, nhiều hộ trồng tiêu có thêm điều kiện để đầu tư tái sản xuất. Ảnh: Đức Thụy
Theo thống kê của ngành chức năng huyện Chư Pưh, trong 2 năm 2016-2017, toàn huyện có hơn 870 ha hồ tiêu bị chết do nhiễm bệnh và khô hạn, tập trung ở các xã Ia Blứ, Ia Le, Ia Phang và thị trấn Nhơn Hòa. Cùng với đó, giá hồ tiêu giảm sâu đã khiến hàng ngàn hộ dân nơi đây lâm vào cảnh nợ nần. Ông Lưu Minh Hùng-Giám đốc Agribank Chư Pưh-cho biết: “Tình trạng hồ tiêu chết đã diễn ra từ năm 2016. Nhưng thời điểm đó, giá hồ tiêu còn ở mức cao nên nhiều hộ vẫn có nguồn thu để trả nợ và tái đầu tư. Từ năm 2017 đến nay, cùng với tình trạng hồ tiêu chết, giá hồ tiêu giảm sâu đã khiến nhiều hộ gặp khó khăn trong việc thu hồi vốn đầu tư. Tính đến ngày 31-7-2018, tổng dư nợ cho vay trồng và chăm sóc hồ tiêu trên địa bàn huyện là hơn 429,1 tỷ đồng của 1.368 hộ, chiếm 75% dư nợ toàn huyện. Trong đó, dư nợ trung hạn hơn 193 tỷ đồng, ngắn hạn hơn 236 tỷ đồng, nợ xấu hơn 12,9 tỷ đồng (chiếm 2,26% tổng dư nợ cho vay trồng hồ tiêu).
Cũng theo ông Hùng, để giúp người trồng hồ tiêu tháo gỡ khó khăn trong sản xuất cũng như trả các khoản nợ vay, Agribank Chư Pưh đã chủ động phối hợp với các hộ dân rà soát, đánh giá khả năng trả nợ. Trên cơ sở đó, Chi nhánh đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ gốc và lãi cho 241 hộ với dư nợ hơn 63,4 tỷ đồng. Trong đó, nhiều hộ được Chi nhánh giãn thời gian trả nợ gốc lên đến 5 năm. Đồng thời, Agribank Chư Pưh giảm lãi suất cho 21 khách hàng với số tiền hơn 19,6 tỷ đồng và cho vay mới để khôi phục sản xuất từ đầu năm đến ngày 31-6-2018 là 860 hộ với hơn 219 tỷ đồng. Trong số này có khoảng 25% hộ còn dư nợ nhưng vẫn được Chi nhánh tiếp tục cho vay để tái đầu tư sản xuất.
  Ông Trần Văn Trung (bìa trái) bên vườn hồ tiêu mới trồng của gia đình.       Ảnh: H.T
Ông Trần Văn Trung (bìa trái) bên vườn hồ tiêu mới trồng của gia đình. Ảnh: H.T
Ông Lưu Minh Hùng-Giám đốc Agribank Chư Pưh: Thời gian tới, Chi nhánh sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá lại tình hình phát triển kinh tế của các hộ dân để làm cơ sở đưa ra các giải pháp hỗ trợ như giãn nợ, giảm lãi tiền vay; tiếp tục cho vay mới đối với các hộ có đủ điều kiện để đầu tư tái sản xuất, khắc phục hạn hán, dịch bệnh. Ngoài ra, Chi nhánh cũng tìm các giải pháp và có lộ trình thu hồi nợ vay phù hợp, hạn chế việc khởi kiện, cưỡng chế thu hồi nợ đối với các hộ vay trồng hồ tiêu.
Từ năm 2000, nhận thấy trồng hồ tiêu cho hiệu quả kinh tế cao, ông Trần Văn Trung (thôn Hòa Ân, thị trấn Nhơn Hòa) đầu tư mở rộng quy mô trồng loại cây này. Đến năm 2013, sau 5 lần vay vốn từ Agribank Chư Pưh với dư nợ 1,2 tỷ đồng, gia đình ông trồng được 4.500 trụ hồ tiêu. Từ năm 2015 đến nay, vườn hồ tiêu nhiễm bệnh rồi bị “xóa sổ” khiến gia đình ông lâm vào cảnh nợ nần. Ông Trung cho biết: “Thời điểm bị nhiễm bệnh, vườn hồ tiêu mới chỉ cho thu được 1 năm. Nguồn thu này chỉ đủ trả chi phí chăm sóc trước đó chứ không có dư để trả các khoản nợ vay cũng như tái đầu tư sản xuất. Đầu năm 2018, nhờ được Agribank Chư Pưh cho vay thêm 400 triệu đồng, gia đình tôi đã trồng được 2.000 trụ hồ tiêu, 800 cây cà phê và chăm sóc diện tích hồ tiêu còn lại. Gia đình sẽ cố gắng chăm sóc vườn cây thật tốt để có nguồn thu trả nợ”.
Còn ông Trần Văn Nuôi (thôn Hòa Ân, thị trấn Nhơn Hòa) cho rằng, việc Agribank Chư Pưh giãn thời gian trả lãi từ 3 tháng/lần xuống 6 tháng/lần đã giúp gia đình có thời gian để tìm kiếm nguồn thu trả nợ. Trước đó, để mở rộng quy mô trồng hồ tiêu lên 5 ha, gia đình ông đã nhiều lần vay vốn của Chi nhánh với dư nợ lên đến 4,5 tỷ đồng. Từ cuối năm 2015 đến nay, vườn hồ tiêu của gia đình ông liên tục nhiễm bệnh rồi chết hơn 80%. Không còn nguồn thu, gia đình ông quay sang chăn nuôi heo, mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa 2.000 con để trả lãi ngân hàng. Theo đó, cứ 6 tháng, gia đình ông xuất bán một lứa heo được hơn 300 triệu đồng. Số tiền này đủ để gia đình ông trả lãi ngân hàng. Ông Nuôi cho biết: “Khi ngân hàng giãn thời gian trả lãi lên 6 tháng/lần, gia đình đã đỡ khó khăn hơn. Tuy nhiên, số nợ quá lớn nên gia đình cũng mong ngành Ngân hàng quan tâm điều chỉnh lãi để bớt khó khăn trong việc trả nợ”.
Hồng Thương 

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sửa đổi quy định mức chi hỗ trợ đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư

Gia Lai: Sửa đổi quy định mức chi hỗ trợ đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh Gia Lai đã quyết nghị sửa đổi một số điểm, khoản của Điều 1, Nghị quyết số 88/2018/NQ-HĐND ngày 12-7-2018 quy định mức chi hỗ trợ đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư áp dụng trên địa bàn tỉnh.

Người mua vàng lỗ nặng

Người mua vàng lỗ nặng

Sáng nay (21/7), giá vàng nhẫn tròn trơn duy trì mức 77,1 triệu đồng/lượng, giá vàng miếng SJC 80 triệu đồng/lượng. Giá vàng liên tiếp biến động trong tuần vừa qua khiến người mua lỗ 1,2 triệu đồng/lượng.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

(GLO)- Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), Ngân hàng CSXH tỉnh Gia Lai đã tranh thủ nguồn vốn trung ương kết hợp nguồn vốn địa phương để mở rộng quy mô cho vay.

Đức Cơ tích cực đôn đốc người dân nộp tiền sử dụng đất

Đức Cơ tích cực đôn đốc người dân nộp tiền sử dụng đất

(GLO)- Chi cục Thuế huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) đang tích cực hướng dẫn, đôn đốc người dân nộp tiền sử dụng đất ghi nợ đúng hạn. Các trường hợp nộp tiền sử dụng đất quá thời hạn ghi nợ sẽ phải xác định lại giá đất tại thời điểm trả nợ theo quy định của Luật Đất đai năm 2024.