ACV thu 551 tỷ đồng phí vào sân bay: Phí vào nhà ga hàng không đắt gấp 10 lần BOT cao tốc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ với 500m đường dẫn vào nhà ga hàng không ở Nội Bài, ACV thu mức phí dành cho ô tô đưa, đón trả khách theo lượt từ 7.000 - 30.000 đồng, một mức phí được cho là đắt gấp 10 lần phí BOT cao tốc. Điều đáng nói, việc ACV thu phí như vậy là sai luật nhưng đến nay vẫn diễn ra. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu mà để cho doanh nghiệp biết sai mà vẫn làm?
 
Trạm thu phí vào sân bay đặt tại một cảng hàng không. (Ảnh minh hoạ).
“Không thể biết sai vẫn cứ làm”
Liên quan tới số tiền gần 551 tỷ đồng mà Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thu được từ dịch vụ đường dẫn vào nhà ga hàng không giai đoạn 2012 – 2017, trong một kết luận ban hành đầu năm 2018, Thanh tra Chính phủ từng nêu rõ: “21 Chi nhánh hàng không đang thu tiền sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách là không đúng quy định pháp luật về đất đai do không phải nộp tiền sử dụng đất. Trách nhiệm thuộc về ACV và 21 cảng hàng không”.
Tuy nhiên, phía Thanh tra Chính phủ lúc đó đã không đưa ra kiến nghị xử lý về kinh tế đối với ACV.
Tới một báo cáo mới đây gửi Thủ tướng Chính phủ về hoạt động thu phí phương tiện vào sân bay của ACV, Liên Bộ Tài chính - GTVT đã thống nhất kiến nghị là trước mắt, không xử lý kinh tế đối với số tiền ACV đã thu được từ dịch vụ đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với ô tô đưa, đón trả khách giai đoạn 2012 - 2017 do ACV đã thực hiện các nghĩa vụ ngân sách, đóng thuế và hạch toán theo quy định
 
PGS. TS Ngô Trí Long.
Bình luận về sự việc này, PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cho rằng Thanh tra Chính phủ đã kết luận ACV thu phí vào sân bay là sai vì hai lý do. Thứ nhất, ACV không phải nộp tiền sử dụng đất. Thứ hai, dịch vụ này không có trong danh mục giá dịch vụ phi hàng không thuộc thẩm quyền quyết định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Đối với nghĩa vụ tài chính về đất đai phần diện tích làm đường dẫn vào nhà ga sân bay, theo Bộ Tài chính, trường hợp xác định là đất công cộng không có mục đích kinh doanh thì thực hiện theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên, đối với phần giá trị tài sản trên đất (là đường dẫn) do ACV đã đầu tư có thu tiền (mục đích kinh doanh) nên phải nộp tiền thuê đất theo quy định.
Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật về đất đai hiện hành thì các trường hợp sử dụng đất mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính (nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất) thì ngoài việc bị truy thu đủ số tiền phải nộp còn phải nộp số tiền tương đương với tiền chậm nộp. Vấn đề này được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý thuế tương ứng tại từng thời kỳ.

“Cơ quan chức năng đã chỉ ra việc thu phí vào sân bay là trái các quy định của pháp luật. Bản thân đất sân bay là đất công, ACV xây dựng đường dẫn nhưng không phải trả tiền sử dụng đất.
Thực tế tới nay muốn xử lý triệt để việc này rất khó. Bởi sau một thời gian dài người tiêu dùng chịu thiệt thòi vì khoản thu sai quy định của ACV, muốn trả lại tiền cho họ là không khả thi. Bản thân ACV cũng không thể giữ số tiền đó ở lại doanh nghiệp. Có lẽ vì vậy mà gần 551 tỷ đồng thu sai vẫn chưa thể xử lý”, PGS. TS Ngô Trí Long nói.
Còn với mức phí dịch vụ sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không dành cho ô tô đưa, đón trả khách theo lượt từ 7.000 - 30.000 đồng và vé tháng từ 600.000 - 1.650.000 đồng tại 21/22 cảng hàng không do ACV quản lý, một vấn đề khác được PGS. TS Ngô Trí Long đặt ra là “Mức thu phí như vậy đã hợp lý hay chưa?”.
“Xác định phí và lệ phí là đều có nguyên tắc, không phải là anh có quyền bất cứ giá nào mà anh thu được. Cho nên đây là một vấn đề theo quan điểm cá nhân tôi cần phải quan tâm và lưu ý”, PGS. TS. Ngô Trí Long cho biết.
Về phương án xử lý số tiền ACV thực hiện thu phí vào sân bay sai quy định, ông Long đề xuất nên đưa về NSNN. Từ đó, đầu tư trở lại vào cơ sở hạ tầng, dịch vụ ở các cảng hàng không người tiêu dùng được thụ hưởng.
Còn với ACV, theo PGS. TS. Ngô Trí Long cho biết: “Về nguyên tắc, doanh nghiệp đã làm sai thì cơ quản quản lý Nhà nước phải có chế độ xử phạt thích đáng. Không thể để xảy ra tình trạng biết sai vẫn cứ làm. Như vậy là coi thường kỷ cương, phép nước”.
Mở rộng cửa đón doanh nghiệp tư nhân bước vào ngành hàng không
Bên cạnh vấn đề thu phí vào sân bay sai quy định, nhìn nhận một cách tổng quan, ngành hàng không Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại. Mới đây, trong một báo cáo lấy ý kiến các bộ, ngành về "định hướng xã hội hoá đầu tư xây dựng cảng hàng không", Bộ GTVT đã đề xuất không thực hiện xã hội hoá đầu tư toàn cảng với 22 cảng đang được ACV quản lý khai thác và Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
 
TS. Võ Trí Thành.
Theo TS. Võ Trí Thành, với trường hợp sân bay Long Thành, công trình này không chỉ hướng tới mục tiêu giải quyết vấn đề về cơ sở hạ tầng. Bởi đã xuất hiện quan điểm về “thành phố sân bay”.
“Đây là xu hướng mới, gắn với logistics và phát triển. Hiện nay, chúng ta đã bắt đầu có những nghiên cứu”, TS. Võ Trí Thành nói.
Đối với câu chuyện chung của ngành hàng không Việt Nam, ông Thành cho rằng, tư nhân tham gia vào hạ tầng hàng không là cần thiết. Đặc biệt, trong bối cảnh nhu cầu và tiềm năng phát triển của các hãng hàng không rất lớn.
“Điểm nghẽn hạ tầng khiến tốc độ tăng trưởng về số lượng khách sử dụng dịch vụ vận tải đường không giảm sút trong vài năm vừa qua. Vậy nên, hoạt động đầu tư của tư nhân và nước ngoài là cần thiết.
Một lập luận tôi đánh giá là có lý nhưng không quá mạnh, đó là: DNNN có kinh nghiệm, kỹ năng trong quá trình quản lý, vận hành. Bởi thực tế 3 – 4 năm gần đây, các tập đoàn kinh tế tư nhân Việt Nam trưởng thành rất nhanh”, TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm.
Tuy nhiên, hiện ngành hàng không Việt Nam vẫn còn những vướng mắc về pháp lý, cơ chế. Thứ nhất, phần lớn sân bay ở Việt Nam đang dùng chung cho cả hai mục đích: dân dụng và quân sự. Thứ hai, rất nhiều dịch vụ hàng không đòi hỏi sự đồng bộ.
“Giữa dịch vụ để bảo đảm yêu cầu an ninh và dịch vụ để đảm bảo yêu cầu chất lượng, chúng ta muốn tách riêng rất khó”, ông Thành cho biết.
P.V (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiến hành khảo sát và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: M.P

Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree tiên phong lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng

(GLO)- Sau khi khảo sát và làm việc với đơn vị chủ rừng, Công ty cổ phần Tập đoàn Ecotree (TP. Hồ Chí Minh) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh đề nghị chủ trương thí điểm lập dự án trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh và lập đề án tín chỉ carbon rừng trồng trên địa bàn tỉnh.

Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên đã áp dụng giải pháp kết nối tự động xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng tại các cửa hàng thuộc hệ thống. Ảnh: S.C

Cục Thuế tỉnh Gia Lai hỗ trợ doanh nghiệp kết nối tự động phát hành hóa đơn bán lẻ xăng dầu

(GLO)- Để hoàn thành mục tiêu 100% cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu áp dụng giải pháp kết nối tự động khi phát hành hóa đơn điện tử (HĐĐT) theo từng lần bán hàng, UBND tỉnh Gia Lai giao các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp với Cục Thuế tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu.

Đón dòng đầu tư mới

Đón dòng đầu tư mới

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn.

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

Gia Lai: Tập huấn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản

(GLO)- Trong 2 ngày (11 và 12-12), tại khách sạn Tre Xanh, Sở Xây dựng phối hợp với Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) tổ chức lớp tập huấn các nội dung của Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nhiều hoạt động được Gia Lai triển khai nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, trong đó có việc triển khai thu thập kiến nghị qua Google Form. Ảnh: H.D

Phản ánh kiến nghị, đề xuất qua Google Form, doanh nghiệp còn thờ ơ

(GLO)- Thời gian qua, Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc thu thập, tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua ứng dụng Google Form. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ và chưa tận dụng triệt để kênh kết nối nhanh chóng, hiệu quả này