54 bị cáo 'chuyến bay giải cứu' nói lời sau cùng: Lời hối lỗi muộn màng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Cuối giờ chiều 21-7, tòa tuyên bố kết thúc phần tranh tụng, chuyển sang nghị án, trước khi nghị án, 54 bị cáo được quyền nói lời sau cùng. Các bị cáo sau đó thừa nhận hành vi sai lầm của mình; duy chỉ có Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên vụ án) vẫn kêu oan và tin vào phán xét của hội đồng xét xử.

Đau đớn và tủi hổ

Là người đầu tiên bước lên bục khai báo nói lời sau cùng, bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) cho biết, đối với bản thân phải đứng trước bục xét xử như thế này nói lên những lời sau cùng là điều đau đớn và tủi hổ.

Theo bị cáo, bản thân sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng, cha mẹ mất sớm do hoạt động cách mạng. Bị cáo tự thân lập nghiệp, luôn ghi nhớ những lời căn dặn của cha mẹ rằng: "Làm sao mà sống tốt với mọi người và làm những việc có ích cho xã hội".

Các bị cáo tại phiên tòa

Các bị cáo tại phiên tòa

Bị cáo nói, trong suốt hơn 30 công tác ngành ngoại giao, bị cáo luôn cố gắng sống tốt với anh em đồng nghiệp, cống hiến cho ngành ngoại giao. Bị cáo Tô Anh Dũng cho biết, suốt những năm tháng đó, bị cáo không có suy nghĩ, không có một ý niệm tư lợi nào cũng như không gây khó khăn cho đồng nghiệp.

"Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, bị cáo cũng được tín nhiệm làm thành viên ban chỉ đạo, với 2 năm, bị cáo đã nỗ lực, cố gắng, triển khai trên tất cả các lĩnh vực phòng chống dịch, trong đó có ngoại giao vaccine và bảo hộ công dân. Trong quá trình đó, bị cáo không bao giờ lơ là công việc. Nhưng cũng chính vào giai đoạn cuối xuất hiện hình thức chuyến bay combo, bị cáo đã phạm vào sai lầm nghiêm trọng và vô cùng ăn năn, hối hận", bị cáo Dũng nói.

Cuối lời, bị cáo Dũng một lần nữa xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân vì đã làm mất uy tín đối với chính sách của Đảng, Nhà nước... "Trong những năm tới, bị cáo đi thi hành án sẽ cố gắng cải tạo tốt, khắc phục hậu quả để cảm thấy thanh thản trong lương tâm", bị cáo Tô Anh Dũng nói và xin tòa cho hưởng khoan hồng đối với các bị cáo ở Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện.

Không vượt qua được chính mình

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan cho biết, bản thân đứng ở đây thấy rất đau xót và hối hận. Đau xót vì sau 27 năm cống hiến và làm việc tại Bộ Ngoại giao, bị cáo luôn theo đuổi nguyên tắc sống và làm việc theo pháp luật. Bị cáo luôn làm việc vì lợi ích nhân dân, tập thể, của dân tộc và chưa bao giờ có tư tưởng vụ lợi. Trong quá trình bảo hộ công dân, Lan nói luôn thực hiện theo nguyên tắc sống và làm việc nêu trên.

"Bị cáo thấy chua xót vì những nhận thức của mình chưa đầy đủ về nhận và tặng quà cho nên phải đứng ở đây. Bị cáo cảm thấy đau đớn hơn nữa với phần đối đáp của viện kiểm sát khi đã bác bỏ những cố gắng, nỗ lực, trách nhiệm của bị cáo và các cán bộ tại Cục Lãnh sự trong việc bảo hộ công dân", bị cáo Lan trình bày.

Bên cạnh tâm trạng trên, bị cáo Lan cũng nói mình hối hận vì trong quá trình giải quyết các chuyến bay đã nhận thức được không nên gặp đại diện doanh nghiệp; thực tế rất nhiều các doanh nghiệp thực hiện chuyến bay combo không gọi điện cho bị cáo nhưng Cục Lãnh sự vẫn kiến nghị phê duyệt.

"Nhưng điều bị cáo hối hận là đã đồng ý để gặp 8 anh chị đại diện các doanh nghiệp vì bị cáo quá nể nang, vì những người giới thiệu là những lãnh đạo của các cơ quan. Bị cáo cũng hối hận vì cũng không vượt qua được những lời nói, sự khéo léo của các anh chị doanh nghiệp và kết quả bị cáo đã nhận quà, đấy là nguyên nhân bị cáo phải ngồi đây", bị cáo Lan tỏ ra hối hận và nói thêm phiên tòa có thể kết thúc trong một vài ngày tới, nhưng sẽ có một phiên tòa án lương tâm, sẽ phán xét bị cáo trong suốt cả cuộc đời.

Bị cáo Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) cho biết, bản thân là người phạm tội từ những sai phạm trong công tác xử lý công việc. Đây là sai lầm nghiêm trọng với bị cáo và làm sụp đổ quá trình hơn 28 năm công tác của bản thân, bị cáo thực sự đau xót, ăn năn, hối cải.

Bị cáo Chử Xuân Dũng tại phiên tòa

Bị cáo Chử Xuân Dũng tại phiên tòa

"Với sai lầm đó, không chỉ ảnh hưởng tới bản thân mà còn làm cho cả gia đình thời gian qua cuộc sống đảo lộn, gặp nhiều khó khăn, buồn tủi. Làm ảnh hưởng tới cơ quan, đoàn thể, nơi bị cáo làm việc. Bị cáo xin được gửi lời xin lỗi chân thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân vì những sai lầm của mình, ảnh hưởng tới chủ trương tốt đẹp, nhân văn...", bị cáo Chử Xuân Dũng nói lời sau cùng.

Bị cáo mong được con đường sống

Trước bục khai báo, bị cáo Phạm Trung Kiên nói lời sau cùng trong nhiều lời xin lỗi. Theo bị cáo Kiên, bản thân rất ăn năn hối lỗi, bị cáo xin lỗi những vị thẩm phán phải ngồi đây để tuyên án những người phạm tội như bị cáo, trong đó bị cáo đang bị đề nghị tuyên tử hình.

"Đó là bản án rất nghiệt ngã với cuộc đời bị cáo và gia đình bị cáo. Bị cáo không nghĩ rằng mình vi phạm tới mức mà bị đề nghị loại trừ ra khỏi cuộc sống, phải rời khỏi thế giới này, trong khi độ tuổi mới ngoài 40", nói tới đây, bị cáo Kiên khóc và cho biết, xin hội đồng xét xử xem xét tới hoàn cảnh phạm tội và tuyên bản án có thời hạn với mình.

Qua lời nói sau cùng, bị cáo Kiên nói mong được có cơ hội được sống để trở về với con cái, sống nốt quãng đời còn lại, xin được hưởng hình phạt tù có thời hạn.

Các bị cáo khác cơ bản thừa nhận hành vi phạm tội; duy chỉ có bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu điều tra viên vụ án) nói lời sau cùng tiếp tục kêu oan và tin vào phần phán xét của tòa án.

Sáng mai, hội đồng xét xử tiếp tục để các bị cáo khác được quyền nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án.

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa: Tạm giữ 2 đối tượng trộm cắp tài sản

Krông Pa: Tạm giữ 2 đối tượng trộm cắp tài sản

(GLO)- Ngày 30-10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) cho biết, đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối tượng Rơ Ô Sơn (SN 1994, trú tại xã Phú Cần, huyện Krông Pa) và Kpă Chiu (SN 2007, trú tại xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.

Chư Sê: Hội viên nông dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông

Nông dân Chư Sê tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông

(GLO)- Cùng với việc nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông (ATGT), các cấp Hội Nông dân huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) còn tích cực phối hợp với các ngành, địa phương trong việc đảm bảo trật tự ATGT ở cơ sở nhằm góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.