Vụ 'chuyến bay giải cứu': 'Rào cản' vô hình trong cấp phép chuyến bay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Luật sư và các bị cáo là chủ doanh nghiệp trình bày nguyên nhân chủ yếu buộc DN phải đưa hối lộ là do sự nhũng nhiễu của một số công chức Nhà nước tạo nên những 'rào cản vô cùng đáng sợ.'
Các bị cáo tại phiên tòa trong ngày đầu tiên xét xử. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Các bị cáo tại phiên tòa trong ngày đầu tiên xét xử. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 20/7, phiên tòa xét xử 54 bị cáo trong vụ “Chuyến bay giải cứu” tiếp tục với phần tranh luận.

Tại phiên tòa, luật sư và các bị cáo là chủ doanh nghiệp trình bày về nguyên nhân khiến các bị cáo phải đưa tiền hối lộ, đẩy cao giá thành chi phí của đồng bào khi trở về nước trên các “Chuyến bay giải cứu.” Trong đó, nguyên nhân chủ yếu được các doanh nghiệp đưa hối lộ nhắc đến là sự nhũng nhiễu tạo dựng nên những “rào cản” vô hình trong thủ tục, tiến độ cấp phép các chuyến bay.

Trong số 54 bị cáo, hai bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh (Phó Giám đốc Công ty Du lịch Lữ hành Việt) và Vũ Thùy Dương (Giám đốc Công ty) khai là hai vợ chồng. Viện Kiểm sát cáo buộc, từ tháng 1-12/2021, Nguyễn Tiến Mạnh đã đưa hối lộ 22 lần, tổng số hơn 27 tỷ đồng. Vũ Thùy Dương đưa hối lộ 17 lần, số tiền hơn 24 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, Công ty Lữ Hành Việt hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành và tham gia thực hiện 3 chuyến bay thí điểm do Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airline) ủy quyền. Sau 3 chuyến bay này, Công ty Lữ Hành Việt đã gửi hồ sơ lên Văn phòng Chính phủ và các Hãng Hàng không xin tiếp tục tổ chức các chuyến bay nhưng không được chấp thuận.

Tháng 1/2021, Mạnh bàn bạc với Hoàng Anh Kiếm (cũng là bị cáo trong vụ án) để Công ty Lữ Hành Việt được Chính phủ cấp phép thực hiện chuyến bay. Kiếm đồng ý giúp và thống nhất chia lợi nhuận sau khi thực hiện chuyến bay. Sau khi liên hệ được với các cá nhân có thẩm quyền cấp duyệt tổ chức chuyến bay tại Văn phòng Chính phủ, Kiếm yêu cầu Mạnh chuyển tiền để “xin” công văn. Mạnh nói Dương chuyển 1 tỷ đồng và 350.000 USD cho Kiếm để chi cho cán bộ thuộc Văn phòng Chính phủ.

Cuối tháng 8/2021, theo yêu cầu của Hoàng Anh Kiếm, Mạnh nói Dương trao đổi, bàn bạc với Kiếm để xin cấp phép chuyến bay combo cho Công ty Lữ Hành Việt. Sau đó, Dương đưa 600.000 USD cho Kiếm chi cho cán bộ Bộ Ngoại giao để xin được cấp phép tổ chức thực hiện 11 chuyến bay.

Viện Kiểm sát xác định hành vi của hai bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh, Vũ Thùy Dương đã cấu thành tội “Đưa hối lộ;” đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Mạnh mức án từ 7-8 năm tù, Dương từ 2-3 năm tù.

Trình bày tại tòa, bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh xin cho vợ Nguyễn Thùy Dương được ở ngoài xã hội để làm nghĩa vụ của người làm cha mẹ với các con… Thời điểm dịch bệnh xảy ra, Mạnh nhận được danh sách đăng ký của gần 1.000 công dân mua vé máy bay về nước.

Để thực hiện các chuyến bay, Mạnh chuẩn bị rất kỹ lưỡng, ưu tiên cho những hoàn cảnh khó khăn. Khi đó, Mạnh tin tưởng rằng dù xét duyệt dưới hình thức nào, doanh nghiệp của mình cũng đủ điều kiện để được cấp phép. Tuy nhiên, khi gửi hồ sơ, công ty không được xét duyệt, Mạnh đã rất thất vọng, không biết phải trả lời khách hàng như thế nào.

Nguyễn Tiến Mạnh cho rằng chính những hành vi mập mờ trong quá trình cấp phép đã thúc ép hành động đưa hối lộ, đẩy bị cáo và các đồng nghiệp vào tù. Mạnh thừa nhận đó là hành vi phạm tội và mong muốn Hội đồng xét xử công tâm xem xét cho hành vi phạm tội của mình.

Đối với bị cáo Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty MasterLife), Viện Kiểm sát xác định Mai Xa đã đưa hối lộ hơn 8,1 tỷ đồng cho 8 cá nhân để được cấp phép 18 chuyến bay. Đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt Mai Xa mức án từ 4-5 năm tù về tội “Đưa hối lộ.”

Trình bày tại tòa, luật sư bào chữa cho rằng bị cáo đã buộc phải đưa hối lộ. Theo luật sư, thời điểm COVID-19 đang diễn biến phức tạp, đáp ứng lời kêu gọi đưa công dân về nước, doanh nghiệp của Mai Xa đã nộp hồ sơ để được cấp phép chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Thời điểm đó, nhiều địa phương không đón khách cách ly, rất thiếu khách sạn cho công dân Việt Nam về nước.

Quang cảnh phiên tòa xét xử. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Quang cảnh phiên tòa xét xử. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Vì thế, doanh nghiệp muốn đưa khách về nước phải đặt cọc khách sạn trước cả tháng. Việc cấp phép chuyến bay chậm trễ đã khiến Mai Xa khi lần đầu tổ chức chuyến bay đã bị mất toàn bộ 1,5 tỷ đồng tiền đặt cọc khách sạn; phải bán nhà đi để bù khoản lỗ này.

Theo luật sư, thời điểm đó, quá trình xin cấp phép chuyến bay, thủ tục gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng những khó khăn đó chưa là gì so với sự nhũng nhiễu, đòi đưa tiền hối lộ của một số công chức Nhà nước. Đó là những “rào cản vô cùng đáng sợ.”

Luật sư cho biết khi chỉ còn 2 ngày nữa là đến ngày bay nhưng doanh nghiệp của Mai Xa chưa được Cục Xuất, nhập cảnh Bộ Công an có ý kiến đồng ý. Mai Xa đã phải chi tiền và các chuyến bay sau cũng phải đưa tiền như một thông lệ. Luật sư cho rằng việc thân chủ của mình đưa hối lộ trong hoàn cảnh bất khả kháng, nếu không đưa, không được cấp phép chuyến bay.

Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Mai Xa trình bày: ở 2 chuyến bay đầu tiên, trong khi 3 Bộ đã có ý kiến đồng ý cấp phép chuyến bay, Cục Xuất, nhập cảnh Bộ Công an chưa có ý kiến đồng ý. Trước tình cảnh vừa phải bán nhà để đền tiền đặt cọc cho khách sạn, bị cáo đã rất lo lắng khi biết “còn chút vướng mắc” bên Bộ Công an. Khi đó, bị cáo rất run bởi không còn nhà để bán.

Mai Xa cho biết khi lên Cục Xuất, Nhập cảnh Bộ Công an gặp Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục Xuất, Nhập cảnh), Mai Xa được Cường xác nhận “vướng mắc” là vì sếp không biết Công ty MasterLife là ai mà có ý kiến đồng ý.

Mai Xa cảm thấy “ấm ức” vì lý do này và được Cường gợi ý muốn được tháo gỡ vướng mắc, phải làm theo cơ chế “cảm ơn.” “Đứng trước sự lựa chọn mà bị cáo là người phụ thuộc, doanh nghiệp của bị cáo bị phụ thuộc, để xin được cấp phép chuyến bay, bị cáo đã phải đi xoay tiền để đưa hối lộ,” Mai Xa bộc bạch và mong được Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh phạm tội của mình và xin được giảm nhẹ hình phạt.

Từ tháng 4/2020, Chính phủ cho phép thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo, người dân tự nguyện trả phí toàn bộ.

Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, nhà chức trách đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước.

Riêng Bộ Ngoại giao đã đề xuất Chính phủ phê duyệt 772 chuyến bay đưa công dân về nước, trong đó có 400 chuyến bay giải cứu, 372 chuyến bay combo.

Cơ quan điều tra phát hiện để có chi phí "bôi trơn," nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé máy bay, "vẽ" thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.

Trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỷ đồng.

54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”

54 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về các tội: “Đưa hối lộ,” - 23 bị cáo ; “Nhận hối lộ” - 21 bị cáo; “Môi giới hối lộ” - 4 bị cáo; “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” - 1 bị cáo; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” - 4 bị cáo và 1 bị cáo với 2 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và “Đưa hối lộ."

* Đối với 21 bị cáo bị xét xử về tội “nhận hối lộ,” đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng Xét xử tuyên phạt các mức án gồm:

Tử hình: Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) 19-20 năm tù: Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý XN-BCA) 18-19 năm tù:Nguyễn Thị Hương Lan (cựu Cục trưởng CLS-BNG) 12-13 năm tù: Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) 9-10 năm tù: Đỗ Hoàng Tùng (cựu Phó Cục trưởng CLS-BNG) Trần Văn Dự (cựu Phó Cục trưởng Cục QLXNC-BCA) 8-9 năm tù: Trần Văn Tân (cựu Phó Chủ tịch ỦBND Quảng Nam) Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ Cục QLXNC-BCA) 7-8 năm tù: Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng) Nguyễn Thanh Hải (cựu Vụ trưởng Vụ QHQT-VPCP) 6-7 năm tù: Nguyễn Tiến Thân (cựu chuyên viên Vụ QHQT-VPCP) Nguyễn Mai Anh (cựu chuyên viên Vụ QHQT-VPCP) 5-6 năm tù:Nguyễn Hồng Hà (cựu TLS Tại Osaka, Nhật Bản) Vũ Hồng Quang (cựu Phó trưởng Phòng VTHK-CHK) Ngô Quang Tuấn (cựu chuyên viên Vụ HTQT-Bộ GTVT) 4-5 năm tù: Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) Lê Tuấn Anh (cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự) Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) 3-4 năm tù: Vũ Ngọc Minh (cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola) 2-3 năm tù: Lưu Tuấn Dũng (cựu Phó trưởng PBHCD, CLS-BNG) Lý Tiến Hùng (cựu chuyên viên Vụ KHCNMT-BGDĐT)

* Đối với nhóm 23 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội “đưa hối lộ," đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị các mức án gồm:

11-12 năm tù: Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty Blue Sky) 10-11 năm tù: Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó TGĐ Công ty Blue Sky) 8-9 năm tù: Hoàng Diệu Mơ (Tổng Giám đốc Công ty An Bình) 7-8 năm tù: Nguyễn Tiến Mạnh (Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Việt) 5-6 năm tù: Nguyễn Thị Tường Vy (Giám đốc Công ty ATA) Võ Thị Hồng (Giám đốc Công ty Minh Ngọc) 4-5 năm tù: Lê Văn Nghĩa (Giám đốc Công ty Nhật Minh) Trần Thị Mai Xa (Giám đốc Công ty MasterLife) Lê Thị Ngọc Anh (cán bộ Ban Đối ngoại Trung ương Đảng) 3-4 năm tù:Nguyễn Thị Hiền (trú tại Ngọc Lâm, Long Biên-HN) Đào Minh Dương (Giám đốc Công ty Cổ phần Vijasun) Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty G19) 2-3 năm tù: Vũ Thùy Dương (Giám đốc Công ty Lữ hành Việt) Phan Thị Mai (Giám đốc Công ty Sao Hà Nội) Vũ Minh Thắng (Giám đốc Công ty Thuận An) Nguyễn Thế Dũng (Giám đốc Công ty Sang Trọng) Phạm Bích Hằng (1969, trú tại Hạ Đình,Thanh Xuân, HN) 18-24 tháng tù: Trần Hồng Hà (Giám đốc Công ty Sao Việt) Trần Tiến (Giám đốc Công ty Phi Trường) 18-20 tháng tù: Phạm Bá Sơn (nhân viên Công ty Thái Hòa) Tào Đức Hiệp (Giám đốc Công ty CĐ Đường sắt)

12-18 tháng tù (hưởng án treo): Đào Thị Chung Thúy (trú tại Nguyễn Trãi, Hà Đông-HN)

* Đối với 4 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị các mức án gồm:

5-6 năm tù: Trần Việt Thái (cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia) 4-5 năm tù: Nguyễn Lê Ngọc Anh (cựu cán bộ ĐSQ VN tại Malaysia) Nguyễn Hoàng Linh (cựu cán bộ ĐSQVN tại Malaysia) 2-3 năm tù: Đặng Minh Phương (cựu kế toán ĐSQVN tại Malaysia) * Đối với 4 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội "Môi giới hối lộ" đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị các mức án gồm:

6-7 năm tù: Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó Giám đốc CA TP Hà Nội) 3-4 năm tù: Bùi Huy Hoàng (cựu CV Phòng KSBTN, CYTDP-Bộ Y tế) 2-3 năm tù: Trần Quốc Tuấn (Giám đốc Công ty TMDL Việt Nam) Phạm Thị Kim Ngân (cán bộ Phòng Trị sự, TC Thanh tra) * Đối với bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án:

19-20 năm tù với bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng Phòng 5, Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an.

* Đối với bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" “Đưa hối lộ” đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị mức án:

15-17 năm tù với bị cáo Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty CPXD Thái Hòa) trong đó từ 14-15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và từ 1-2 năm tù về tội “Đưa hối lộ.”

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Gần 15 ngàn đại biểu dự hội nghị quán triệt các nghị quyết của Đảng

Gia Lai: Gần 15 ngàn đại biểu dự hội nghị quán triệt các nghị quyết của Đảng

(GLO)- Sáng 1-12, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW; tình hình kinh tế-xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế.