Suốt 18 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Huỳnh Nga (61 tuổi, ngụ P.8, TP.Vĩnh Long, Vĩnh Long) luôn gắn bó và dành hết tâm huyết để dạy dỗ miễn phí cho các trẻ em mắc bệnh thiểu năng, trí não chậm phát triển, Down, HIV...
35 học sinh, 35 hoàn cảnh
Cô Nga kể, năm 1992 khi còn dạy phổ cập tại Trường tiểu học Chu Văn An (TP.Vĩnh Long), cô tình cờ biết nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn không thể cắp sách đến trường. Lòng thương cảm thôi thúc cô thành lập lớp học xóa mù chữ, giúp các em biết đọc, biết viết...
Lớp học tình thương do cô Nga thành lập. |
Năm 1999, được sự động viên từ các thầy cô ở trường và chính quyền địa phương, cô thành lập lớp học tình thương dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em khuyết tật, tạo “mái nhà” chung để các em đến học chữ, vui chơi, hòa nhập cộng đồng.
Năm 2009, cô Nga về hưu và dành tất cả tâm huyết, tiền bạc để duy trì lớp học này. Để tất cả trẻ em khuyết tật tại địa phương được đến lớp, cô đã lặn lội đến từng nhà vận động. Nhiều em do mắc hội chứng bệnh nên khi đến lớp thường xuyên la hét, có khi đập phá đồ đạc, đôi khi không chịu mở lời, không tiếp xúc với các bạn. Nhưng sự kiên trì và tình yêu thương của cô đã giúp các em xóa bỏ được sự tự ti, xóa bỏ những khiếm khuyết bệnh tật, làm lành vết thương tâm hồn, giúp các em có sự tiến bộ rất khả quan và ngoan ngoãn trong lớp học.
Theo cô Nga, lớp có 35 học sinh đều có hoàn cảnh rất đáng thương và mang trong mình khiếm khuyết riêng. Tại đây có nhiều trẻ khuyết tật có hoàn cảnh rất ngặt nghèo như bé M.A, 10 tuổi, mang trong mình căn bệnh HIV, phải đi bán vé số nuôi bà ngoại. Cha mẹ qua đời lúc em còn rất nhỏ, nên hai bà cháu nương tựa nhau mà sống. Lúc còn khỏe mạnh, bà bán vé số nuôi bé và kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhưng giờ mắt bà đã yếu, lại mang bệnh trong mình nên không còn đủ sức khỏe để đi bán vé số. Vì vậy, cứ mỗi sáng M.A đến lớp, sau khi học xong em lại nhận vé số đi bán cho đến tối mịt mới về đến nhà, mỗi ngày em kiếm được trên 100.000 đồng, cũng đủ rau cháo cho hai bà cháu sống qua ngày.
Coi học trò như con
Ở môi trường đặc biệt như thế, những nỗi vất vả không thể nói hết bằng lời. “Có lẽ vì yêu thương tụi nhỏ nên thời gian, sức khỏe ở tuổi xế chiều tôi đều dành để “gieo” con chữ cho những đứa trẻ đã chịu quá nhiều thiệt thòi từ lúc sinh ra. Vì vậy, dường như tôi cũng đã quên đi cả hạnh phúc của bản thân mình, nếu có gia đình thì chắc gì tôi mở được lớp học này. Tôi coi các học trò như những đứa con của mình, tôi vẫn cầu mong được có sức khỏe, để còn đứng lớp dạy cho các em. Tôi xem công việc này là một phần cuộc sống, một niềm vui nhỏ nhoi không thể thiếu trong những tháng ngày còn lại của cuộc đời”, cô Nga thổ lộ.
Những bài học ở lớp chủ yếu dạy các em biết yêu thương cha mẹ, biết giữ gìn sức khỏe, bảo vệ bản thân... “Thấy các em làm được những lời dạy, những điều nhỏ nhoi như vậy, tôi cảm thấy vui lắm, ba mẹ các em và những người cảm thông với các em cũng vui, bản thân các em cũng có niềm vui khi tái hòa nhập có bạn bè, được đến lớp, gắn bó với lớp. Mỗi sáng các em đến học, tôi đều cố gắng dành dụm mua quà bánh, trích một phần tiền hưu mua cơm, bánh mì cho các em ăn. Một số nhà hảo tâm cũng mua bánh, sữa làm quà để các em nhận thấy còn nhiều người tốt quan tâm đến mình”, cô Nga chia sẻ.
Em Lê Thị Ngọc Trinh (11 tuổi), bị hội chứng Down, mẹ bỏ em đi từ nhỏ, ba bệnh tật không thể làm việc kiếm sống, nên gánh nặng cơm áo gạo tiền dồn hết lên đôi vai gầy của bà nội, mỗi ngày bà phải lặn lội bán vé số nuôi em. Trinh học rất ngoan, vẽ rất đẹp và còn đoạt giải thưởng cao trong cuộc thi mỹ thuật dành cho thiếu nhi tỉnh Vĩnh Long nhân dịp Tết Trung thu.
Ông Nguyễn Trung Dân, Phó chủ tịch UBND P.8, cho biết cô Nga là tấm gương tiêu biểu giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh xóa mù chữ, sống hòa nhập với cộng đồng, xã hội. Đây là một việc làm rất đáng trân trọng.
Duy Tân/thanhnien