(GLO)- Điều 26 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7-7-2022 của Chính phủ quy định, các cá nhân, hộ gia đình không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng, kể từ tháng 8/2022.
Tổ thu gom rác thải xã Ia Yok (huyện Ia Grai) tự trang bị xe để chuyên chở rác. Ảnh: Nhật Hào
Quá trình đô thị hóa và sự gia tăng dân số làm gia tăng chất thải nói chung, chất thải rắn nói riêng. Bên cạnh đó, công tác quản lý, kiểm soát vấn đề này còn nhiều bất cập khiến cho ô nhiễm môi trường, gây hại sức khỏe con người vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Thông tin từ Bộ TN-MT cho thấy, năm 2021, trung bình mỗi ngày cả nước phát sinh hơn 64.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt và chỉ khoảng 15% lượng chất thải sau thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng; phần còn lại buộc xử lý bằng cách chôn lấp, gây quá tải tại bãi rác và ô nhiễm môi trường. Cho nên phân loại chất thải tại nguồn nói chung, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình nói riêng sẽ giúp nâng cao hiệu quả xử lý rác và cần thực hiện sớm.
Muốn vậy, trước hết phải làm chuyển biến nhận thức, ý thức của mỗi người thông qua công tác tuyên truyền, vận động. Cùng với đó, không thể thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân phân loại chất thải tại nhà, đồng thời, chú trọng kiểm tra, giám sát, xử lý những trường hợp vi phạm. Hiện nay ,việc phân loại rác ở nhiều địa phương chưa đồng bộ với khâu thu gom, xử lý nên chất thải được phân loại tại nguồn nhưng không được thu gom, xử lý theo quy định. Vì vậy, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường đầu tư cải tiến công nghệ, khắc phục bất cập này.
Theo các chuyên gia và những nhà làm chính sách, chúng ta đã có Luật, Nghị định, Thông tư quy định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tập thể về vấn đề này. Để đạt mục tiêu thì cần nâng cao năng lực thực thi của địa phương, sự đồng thuận của người dân và xã hội; làm tốt công tác quản lý nhà nước và kịp thời điều chỉnh phù hợp…Chính phủ, Bộ TN-MT xác định rõ lộ trình đến năm 2024 phải thực hiện nghiêm việc phân loại rác tại nguồn, thu tiền theo khối lượng hoặc trọng lượng và xử phạt vi phạm. Các đơn vị, địa phương theo dõi, kiểm tra người dân; quy hoạch xây dựng điểm thu gom rác, tăng cường đội ngũ cán bộ cấp xã làm nhiệm vụ này...
Từ năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 09/NQ-CP trong đó giao Bộ TN-MT thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn, tổ chức cung ứng dịch vụ phải đáp ứng các yêu cầu gì. Thu phí vệ sinh thì theo khối lượng chất thải rắn sinh hoạt là hiển nhiên, góp phần thúc đẩy phân loại chúng tại nguồn và khuyến khích người dân giảm thiểu thải ra, thúc đẩy tái chế. Phí vệ sinh xây dựng làm nhiều mức, thí điểm thực hiện, rút kinh nghiệm, tạo sự đồng thuận, minh bạch thông tin thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt. Tiến tới đấu thầu để lựa chọn doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chất lượng.
Về chủ nguồn thải phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, cơ quan quản lý tăng cường phổ biến, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, hành vi bảo vệ môi trường đi đôi kiểm tra, xử lý vi phạm. Xem xét xử phạt lũy tiến chủ thể thị trường dịch vụ chất thải rắn sinh hoạt, tăng nặng dần sau mỗi lần vi phạm. Còn các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thì xem xét đình chỉ hoạt động nếu để xảy ra sai phạm nhiều lần.
TS ( từ QĐND online, TTXVN online )