Xót lòng 3 trẻ mồ côi ở làng Adơk Kông

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Hơn 1 tuần trôi qua kể từ khi thảm kịch xảy ra với gia đình, ngôi nhà của vợ chồng anh Yưn-chị Nuel (vừa tử vong do bị sét đánh) ở làng Adơk Kông (xã A Dơk, huyện Đak Đoa, Gia Lai) vẫn chìm trong tang thương. Người thân chưa hết bàng hoàng. Tội nhất là cảnh 3 đứa trẻ tuổi từ 7 đến 11 bỗng chốc thành mồ côi, ngơ ngác giữa biến cố lớn của gia đình.
Cũng như mọi ngày, sáng 22-5, trước khi lên rẫy, vợ chồng anh Yưn dặn dò các con là Thuop (11 tuổi), Yuim (9 tuổi) và Nuơi (7 tuổi) ở nhà ngoan ngoãn, chăm sóc lẫn nhau, đợi cha mẹ về. Đến khi trời tối mịt mà vẫn chưa thấy cha mẹ về, Thuop chạy vội sang nhà các chú vừa tìm, vừa báo tin. Mọi người tức tốc chia nhau đi tìm và phát hiện vợ chồng anh Yưn đã tử vong bên gốc mít do bị sét đánh.
 3 cháu Thuop, Yuim và Nuơi vẫn còn bàng hoàng sau thảm kịch xảy ra. Ảnh: N.N
3 cháu Thuop, Yuim và Nuơi vẫn còn bàng hoàng sau thảm kịch xảy ra. Ảnh: N.N
Gia đình anh Yưn thuộc diện hộ nghèo nên chính quyền xã vận động người dân cùng chung tay lo việc hậu sự. Sau biến cố, 3 cháu nhỏ sống cùng ông bà nội già yếu. Mấy ngày qua, cả 3 chị em dường như trầm lặng hơn. Năm học 2018-2019, Thuop đạt danh hiệu học sinh giỏi, còn em Nuơi cũng được nhận giấy khen vì có thành tích vượt trội trong học tập và rèn luyện. Giấy khen và phần thưởng 2 chị em đều đã nhận về rồi, nhưng cha mẹ không còn để cùng chung vui.
So với 2 em nhỏ, Thuop hiểu chuyện gì đã xảy ra, hiểu rằng từ nay cha mẹ không về nữa, không còn ai dặn dò mỗi sáng hay trìu mến ngợi khen khi các em đạt điểm tốt. Và Thuop cũng hiểu, từ đây em sẽ phải cố gắng thật nhiều để cùng ông bà chăm sóc các em. Tránh nhắc tới những việc đã xảy ra nhưng khi nghe người lớn trò chuyện, Thuop thỉnh thoảng lại nhìn 2 em, mắt buồn rười rượi. Mấy ngày qua, Thuop phụ ông bà nấu cơm, chăm sóc các em. Khi em trai Yuim phàn nàn về chuyện chị Thuop nấu cơm không ngon, em chỉ nhẹ nhàng nói: “Ngày cha mẹ còn sống dặn chị phải chăm sóc các em, đi học đầy đủ, không được bỏ học. Giờ cha mẹ mất rồi, chị sẽ cố gắng phụ ông bà lo cho các em. Cơm chị Thuop nấu không ngon như mẹ nhưng Yuim và Nuơi cũng phải cố gắng ăn nhé”.
Thảm kịch xảy ra với gia đình khiến ông Yúi (cha anh Yưn) tóc bạc thêm vài phần vì đau buồn. Ông nói: “Mình có 5 người con, Yưn là con thứ 3. Vợ chồng nó chăm chỉ làm ăn, hiền lành, chịu thương chịu khó. Vậy mà, ông trời bắt một lúc cả hai vợ chồng, 3 cháu còn nhỏ, thật quá xót xa”. Ông Yúi cho biết thêm, thời gian trước, gia đình anh Yưn được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đak Đoa hỗ trợ 25 triệu đồng để làm nhà và được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện tạo điều kiện cho vay 15 triệu đồng lấy vốn làm ăn. Từ số tiền vay được, 2 vợ chồng thuê đất trồng 300 cây cà phê, nay đã đến lúc thu bói. Nhưng thảm kịch xảy ra, mọi dự định đều dang dở…
Bà Phạm Thị Dung-Bí thư chi bộ làng Adơk Kông-chia sẻ: “Nghe tin dữ của 2 vợ chồng, cả thôn đều bàng hoàng đau xót. Cả 2 người đều hiền lành, chất phác, ra đi khi còn quá trẻ. Tội các cháu nhỏ. Ngày đưa cha mẹ ra nhà mả, mấy chị em khóc đến ngất đi. Nhìn cảnh đó, ai cũng không cầm được nước mắt. Từ ngày xảy ra chuyện đau lòng, mọi người trong làng thay nhau sang phụ giúp tang ma, động viên, an ủi và ổn định tâm lý cho các cháu. Lo nhất là sau này ông bà nội già yếu không đủ sức khỏe, các chú hoàn cảnh khó khăn, cũng có gia đình riêng thì ai chăm sóc các cháu. Chúng tôi đang động viên ông bà cho các cháu lên Trung tâm Bảo trợ Xã hội Tổng hợp tỉnh để được chăm sóc, nuôi dưỡng”.
Theo bà Dung, làng đang phát động “Hũ gạo tình thương” để giúp đỡ các cháu. Những ngày qua, các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và địa phương, các nhà hảo tâm đã kịp thời về thăm hỏi và giúp đỡ gia đình. Chi bộ làng Adơk Kông cũng đã cử người đứng ra tiếp nhận, ghi sổ sách để sau này lập sổ tiết kiệm cho các cháu. Về phía chính quyền địa phương, ông Y Mưn-Bí thư Đảng ủy xã A Dơk-cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ xã làm thủ tục gửi Ngân hàng Chính sách Xã hội đề nghị xóa nợ cho vợ chồng anh Yưn. Ngoài ra, vận động ban, ngành, đoàn thể, người dân địa phương có những trợ giúp thiết thực để các cháu nhỏ vượt qua tình cảnh đau thương hiện nay”. 
Hoàn cảnh 3 cháu nhỏ hiện vô cùng khó khăn, rất cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về ông Yúi (làng Adơk Kông, xã A Dơk, huyện Đak Đoa) hoặc Báo Gia Lai, 2A Hoàng Văn Thụ, TP. Pleiku (liên hệ chị Lệ Hằng-Phó Trưởng phòng Bạn đọc-Báo ảnh-Tư liệu Báo Gia Lai, số ĐT: 0943065095).
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch (thứ 2 từ phải sang) trao tặng phần quà cho buôn Chư Krih, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa. Ảnh: Yến Thụy

Bình xét danh hiệu văn hóa: Công khai, minh bạch

(GLO)- Trên cơ sở Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11 của UBND tỉnh Gia Lai quy định tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”, các địa phương đã triển khai bình xét các danh hiệu nghiêm túc, đảm bảo công khai, minh bạch.

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

(GLO)- Giám đốc Văn phòng khẩn cấp và phục hồi của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Rein Paulsen trong phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 12/11, cho biết “Ủy ban Đánh giá Nạn đói đã phát hiện ra khả năng cao là nạn đói đang xảy ra hoặc sắp xảy ra ở các khu vực phía bắc dải Gaza”.

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

(GLO)- Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11-2024 quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Mắt người già thật là... phức tạp

Mắt người già thật là... phức tạp

(GLO)- Ngày còn trẻ, tôi có tính hay bị “dị ứng” với những người mang kính. Nhưng đúng là “ghét của nào trời trao của nấy”, tuổi chưa đầy 50, tôi đã phải gắn bó với cặp kính. Mới đầu rất khó chịu, không có kính thì không thấy đường đọc, mà mang kính vào thì vướng víu đủ điều.