Xét xử vụ FLC: Những lời nói sau cùng mang ý nghĩa nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo Trịnh Văn Quyết, tại cùng một thời điểm, để thực hiện đồng thời nhiều ước mơ và hoài bão lớn, bị cáo đã làm một số việc vượt quá giới hạn pháp luật dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa xét xử. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Bị cáo Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa xét xử. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Ngày 29/7, phiên tòa xét xử 50 bị cáo trong vụ án FLC kết thúc phần tranh luận. Trước khi Hội đồng xét xử nghị án, các bị cáo được nói lời sau cùng tại tòa.

Điều đáng ghi nhận, những lời nói sau cùng này không chỉ thừa nhận hành vi phạm tội, bày tỏ sự ăn năn, hối cải… mà còn thể hiện ý nghĩa nhân văn tại phiên tòa.

Hầu hết các bị cáo khi xin được giảm nhẹ hình phạt cho mình đều không quên bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử cho các bị cáo khác còn lại trong vụ án được hưởng chính sách khoan hồng của Nhà nước, được sớm trở về tái hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.

Là người đầu tiên trình bày lời nói sau cùng tại tòa, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết trình bày về hoài bão và ước mơ của bị cáo trong suốt sự nghiệp kinh doanh của mình là phát triển các lĩnh vực như sân golf, khu nghỉ dưỡng, bất động sản, hàng không và đã có những thành tựu nhất định được xã hội ghi nhận, đánh giá cao cũng như đã có những “thay da đổi thịt” ở những vùng đất khó, đem lại việc làm cho hàng trăm ngàn người lao động.

Nhận thức thấy tại cùng một thời điểm, để thực hiện đồng thời nhiều ước mơ và hoài bão lớn như vậy, bị cáo đã làm một số việc vượt quá giới hạn pháp luật cho phép dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay.

Bị cáo Quyết bày tỏ sự hối hận và xin lỗi khi để nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp - những người vì tin tưởng bị cáo mà vướng vào vòng lao lý, đồng thời tha thiết xin Hội đồng xét xử giảm án cho tất cả các bị cáo trong vụ án.

Về phần mình, đứng trước hàng chục con người bị liên đới tại phiên tòa này, bị cáo Quyết cảm thấy khó nói khi đặt vấn đề xin giảm nhẹ hình phạt cho mình. Bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng gửi lời xin lỗi đến tất cả những người được xác định là bị hại trong vụ án và mong được nhận sự khoan hồng từ họ cho tất cả các bị cáo trong vụ án này.

Khẳng định đây là bài học quá lớn sẽ ám ảnh suốt cuộc đời bị cáo Quyết và những bị cáo khác, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC mong Hội đồng xét xử phán xét công tâm, khách quan, nhân văn, thấu tình đạt lý, cho bị cáo và các bị cáo khác có cơ hội làm lại cuộc đời.

Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC) khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC) khai báo trước tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tương tự, hai em gái của bị cáo Quyết là bị cáo Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga đều bày tỏ sự hối hận muộn màng, mong Hội đồng xét xử cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ cho bản thân và các bị cáo khác để giảm nhẹ hình phạt, giúp họ sớm quay trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Bị cáo Lê Thành Vinh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Faros) thừa nhận sai phạm, bày tỏ sự ăn năn về việc làm của bản thân, đồng thời xin Hội đồng xét xử xem xét bối cảnh, động cơ, mục đích để đưa ra một mức hình phạt nhẹ nhất để bị cáo sớm được làm lại cuộc đời.

Bị cáo Đỗ Quang Lâm (cựu Tổng Giám đốc Công ty Faros) cho biết bản thân có hơn 20 trong ngành xây dựng, được Tập đoàn FLC tuyển dụng về làm việc. Tại đây, bị cáo Quyết giao cho bị cáo kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch công ty Faros.

Bị cáo tin tưởng vào lãnh đạo Tập đoàn nên đã đặt bút ký vào Nghị quyết của Hội đồng quản trị để giờ đây, chỉ vì đặt bút ký như vậy mà bị cáo phải đứng trước phiên tòa này.

Cho rằng hành vi phạm tội của mình là mờ nhạt, thứ yếu, bị cáo Lâm mong được khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt do bị cáo là lao động chính trong gia đình, đang phải chăm sóc, nuôi dạy hai con nhỏ.

“Bản thân bị cáo chỉ đam mê làm nghề, chưa bao giờ có mục đích vụ lợi cá nhân. Chỉ khi làm việc với Cơ quan điều tra, bị cáo mới biết mình làm là sai và đã có sự phối hợp tích cực với Cơ quan điều tra,” bị cáo Lâm phân trần.

Nói lời sau cùng, bị cáo Trần Đắc Sinh (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, trong quá trình làm việc, bị cáo luôn có mục tiêu xây dựng thị trường chứng khoán phát triển vững mạnh, minh bạch.

Tuy nhiên, bị cáo rất ân hận về những sai phạm của bản thân, đã không hoàn thành nhiệm vụ. Bị cáo Sinh cũng gửi lời xin lỗi tới Đảng, Nhà nước, Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán.

“Tôi thật sự rất ân hận và thấy rằng trong vụ án này đã để lại quá nhiều bài học,” bị cáo Sinh giãi bày.

Theo bị cáo Trần Đắc Sinh, Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh có 4 bị cáo bị đưa ra xét xử, bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét công - tội, hoàn cảnh, sức khỏe khi lượng hình để giảm nhẹ cho mình và các bị cáo còn lại.

Về phần mình, bị cáo Lê Hải Trà (cựu Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Ngay từ những ngày đầu làm việc với Cơ quan điều tra cũng như suốt phiên tòa xét xử, tôi đã có nhận thức đầy đủ và rõ ràng về hành vi, mức độ sai phạm của bản thân.

Với suy nghĩ của tôi, những người đã tham gia thị trường chứng khoán từ ngày đầu tiên sẽ không bao giờ có mảy may suy nghĩ rằng một ngày nào đó tham gia hay giúp đỡ một hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Lĩnh vực thị trường chứng khoán là lĩnh vực phức tạp, vì thế tôi mong rằng những bất cập mà Bộ Tài chính đã phát hiện, kiến nghị sẽ sớm được hoàn thiện để những người làm công tác quản lý, vận hành thị trường chứng khoán, cũng như những người hành nghề chứng khoán nói chung sẽ giảm thiểu rủi ro không đáng có.”

Bị cáo Trà mong Hội đồng xét xử cho hưởng chính sách khoan hồng để có phán quyết thỏa đáng, nhân văn đối với bị cáo.

Các bị cáo còn lại đều thể hiện sự ăn năn hối hận và mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho mình để các bị cáo sớm có cơ hội được làm lại cuộc đời.

Hội đồng xét xử quyết định nghị án kéo dài, dự kiến chiều 5/8 sẽ tuyên án.

Có thể bạn quan tâm

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025

Thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 11/12/2024) của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025. Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị số 40-CT/TW:

Va chạm với container, 2 mẹ con tử vong

Va chạm với container, 2 mẹ con tử vong

Chiếc xe máy do chị N.T.L (42 tuổi, ở Hải Phòng) điều khiển chở theo con trai bất ngờ va chạm với container di chuyển cùng chiều tại nút giao Đặng Kinh - Đình Vũ (Hải An, Hải Phòng) khiến cả hai người trên xe máy ngã xuống đường, bị ô tô đầu kéo đâm trúng dẫn đến tử vong. 

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: TẦM NHÌN MỚI, CƠ HỘI MỚI, GIÁ TRỊ MỚI

E-magazineQuy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: TẦM NHÌN MỚI, CƠ HỘI MỚI, GIÁ TRỊ MỚI

VỚI TẦM NHÌN DÀI HẠN NHẰM PHÁT HUY HIỆU QUẢ CÁC LỢI THẾ CỦA TỈNH, QUY HOẠCH LÀ CĂN CỨ KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN ĐỂ BÌNH PHƯỚC SẮP XẾP, BỐ TRÍ HIỆU QUẢ CÁC KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN, HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VÀ PHÂN BỐ DÂN CƯ, KẾT CẤU HẠ TẦNG, PHÂN BỔ ĐẤT ĐAI…

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực khi thực hiện thủ tục hành chính

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực khi thực hiện thủ tục hành chính

(GLO)- Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai vừa thông báo đến các sở, ban, ngành, địa phương về triển khai văn bản của Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực từ bản chính khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC).