"Xe đạp nâng bước em đến trường": Nhân văn, thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 5 năm qua, chương trình “Xe đạp nâng bước em đến trường” của Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ia Pa) đã tiếp sức cho nhiều học sinh nghèo theo đuổi giấc mơ con chữ.
Niềm vui từ những chiếc xe đạp mới
Từ năm học 2016-2017, Ban Giám hiệu Trường THPT Phan Chu Trinh triển khai chương trình “Xe đạp nâng bước em đến trường” và phát động gây quỹ mua xe đạp cho học sinh nghèo mượn để đến trường. Từ sự đóng góp của thầy-cô giáo và học sinh, những chiếc xe đạp đầu tiên đã đến với học trò nghèo.
Em Ksor Gồ (lớp 12A2) đã có 3 năm đến trường bằng chiếc xe đạp được nhà trường cho mượn. Cha mất sớm, mẹ đi bước nữa, 3 anh em Gồ sống chung trong căn nhà tình nghĩa do chính quyền địa phương xây tặng. Hàng ngày, ngoài giờ học, Gồ đi nhổ mì, cuốc cỏ, cắt lúa thuê kiếm tiền trang trải việc học hành. Anh trai của em trước đây cũng được nhà trường cho mượn xe đạp trong 2 năm cuối cấp. Khi anh ra trường, chiếc xe ấy chuyển sang cho Gồ. Đầu năm nay, khi chiếc xe đã cũ, Gồ lại được nhà trường đổi chiếc xe mới. Không giấu được vui mừng, em bộc bạch: “9 năm học Tiểu học và THCS, em đều đi bộ đến trường. Nhờ sự quan tâm của thầy cô, bước sang lớp 10, em được đến trường bằng xe đạp. Nhà cách trường khoảng 3 km, chiếc xe đạp đã giúp em đến trường đều đặn và đúng giờ”.
Gia đình em Rmah Lai (lớp 12A1) cũng thuộc diện khó khăn ở xã Ia Broăi. Cha mẹ làm nông, nhà có tới 5 anh chị em nên gia đình thiếu thốn nhiều mặt. Năm lớp 10, Lai quá giang xe bạn đến trường. Nhiều hôm, bạn ốm đột xuất, em đành phải đi bộ nên đến lớp không đúng giờ. Đầu năm lớp 11, em được nhà trường cho mượn xe đạp. Em tâm sự: “Nhà cách trường đến 6 cây số. Khi thầy cô thông báo cho mượn xe đạp đi học, em mừng lắm! Em cảm ơn thầy cô nhiều và cố gắng học tập thật tốt”. 
Riêng Nay H’Yao (lớp 10A3) mới được nhận xe đạp mấy tháng nay. Đầu năm học, em phải dậy sớm, đi bộ quãng đường 4 km đến trường. Em cho biết: “Chiếc xe đã trở thành người bạn đồng hành thân thiết cùng em mỗi ngày tới trường”.
Ban Giám hiệu Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ia Pa) trao xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Vũ Chi
Ban Giám hiệu Trường THPT Phan Chu Trinh (huyện Ia Pa) trao xe đạp cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Vũ Chi
Sáng tạo gây quỹ 
Lý giải về việc cho mượn chứ không phải tặng xe đạp, cô Đỗ Thị Phượng-Bí thư Đoàn trường-cho biết: Là trường vùng khó với hơn 10% học sinh nghèo, nhà trường duy trì việc cho mượn xe để có thể giúp đỡ được nhiều học sinh khó khăn hơn. Khi kết thúc năm học, nhà trường thu lại xe để sửa chữa. Đầu năm học tiếp theo, nếu em nào có nhu cầu, nhà trường sẽ cho các em mượn lại. Với những em nghỉ học hoặc đã tự mua xe mới, tốt nghiệp ra trường thì nhà trường sẽ thu lại xe cũ để giúp đỡ các bạn khóa sau. Nhờ cách làm này, sau 5 năm, hàng chục em học sinh khó khăn đã được hỗ trợ phương tiện đến trường. Tỷ lệ chuyên cần cũng như công tác duy trì sĩ số học sinh tăng lên theo từng năm.
Để duy trì mô hình, Đoàn trường đã sáng tạo, linh hoạt trong cách gây quỹ. Nếu như năm đầu tiên, quỹ huy động tùy lòng hảo tâm của giáo viên, học sinh thì từ năm thứ 2 trở đi, nguồn quỹ tăng lên đáng kể nhờ những buổi lao động công ích, tổ chức văn nghệ gây quỹ cũng như huy động các cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn. Đơn cử, năm học 2017-2018, Đoàn trường tổ chức cho đoàn viên, học sinh tình nguyện nhổ mì thuê gây quỹ, đem về 23 triệu đồng. “Huy động đóng góp công sức, lao động tập thể gây quỹ được học sinh hưởng ứng rất nhiệt tình. Hoạt động này cũng giúp các em gắn kết trong tập thể, thấy được sự vất vả của cha mẹ mà cố gắng hơn trong học tập”-Bí thư Đoàn trường cho hay.
Nhờ có chương trình “Xe đạp nâng bước em đến trường”, con đường đến trường của nhiều học sinh vùng khó như ngắn lại. Bằng việc duy trì đều đặn mua mới 3 xe/năm, đến nay, tổng số xe đạp cho học sinh mượn của Trường THPT Phan Chu Trinh đã lên tới 15 chiếc. Thầy Nguyễn Chí Trung-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: Chương trình này đã góp phần tiếp sức cho hàng chục học sinh nghèo, giúp các em có thêm động lực, niềm tin để tiếp tục đến trường, viết tiếp ước mơ con chữ. Tỷ lệ đậu tốt nghiệp của trường đạt 100% trong năm học vừa qua là một minh chứng cho sự cố gắng của thầy và trò nhà trường.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.