Xây dựng điểm trường lẻ "xanh-sạch-đẹp-an toàn"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai luôn quan tâm xây dựng các điểm trường lẻ thuộc bậc học mầm non nhằm khắc phục tình trạng bỏ học ở khu vực vùng sâu, vùng xa.
Trường Mẫu giáo Hoa Sữa (xã Ia Kly, huyện Chư Prông) có 5 điểm trường lẻ tại các làng với tổng số 161 học sinh. Nhờ sự chung tay góp sức của chính quyền địa phương, phụ huynh và giáo viên, các điểm trường này ngày càng khang trang, sạch đẹp. Những bức tường cũ kỹ đã được giáo viên và phụ huynh sơn sửa lại bằng nhiều hình vẽ ngộ nghĩnh, đủ màu sắc. Hai bên đường dẫn vào các điểm trường được trồng hoa, sân trường có cây xanh che mát. Nhiều phụ huynh cho rằng các điểm trường lẻ nay không khác gì điểm trường chính.
Chị Siu Phong (làng Thung, xã Ia Kly) phấn khởi nói: “Chúng tôi vui mừng lắm vì con mình giờ đã được học trong những lớp học khang trang dù là điểm trường lẻ. Các cô giáo chăm lo và dạy dỗ các cháu rất tốt. Trẻ trong độ tuổi đến trường ở làng mình đều ra lớp học đầy đủ, không còn tình trạng bỏ học ở nhà theo cha mẹ đi làm rẫy như trước”.
Theo bà Dương Thị Mai Lan-Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Hoa Sữa, trước đây, học sinh tại các làng ở xa khu trung tâm xã thường không theo học mẫu giáo đúng độ tuổi hoặc đi học nhưng thường xuyên nghỉ ở nhà. Trước thực trạng đó, nhà trường đã vận động phụ huynh cùng giáo viên tu sửa các điểm trường, xây dựng cảnh quan sạch đẹp và hệ thống khu vui chơi cho trẻ đầy đủ. Ngoài ra, giáo viên chủ động xây dựng các tiết học hấp dẫn, thú vị để lôi cuốn trẻ. Từ đó, trẻ thích đi học hơn. Trong năm học 2020-2021, nhà trường đã mở lớp bán trú tại 3 điểm trường, phụ huynh và học sinh rất hưởng ứng và thích thú.
Các điểm trường của Trường Mẫu giáo Hoa Sữa Sữa (xã Ia Kly, huyện Chư Prông) được quan tâm đầu tư. Ảnh Trần Dung
Các điểm trường của Trường Mẫu giáo Hoa Sữa (xã Ia Kly, huyện Chư Prông) được quan tâm đầu tư. Ảnh: Trần Dung
Ông Lê Hồng Sơn-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Prông-cho biết: Những năm qua, các điểm trường lẻ trên địa bàn huyện đều được quan tâm đầu tư đồng bộ. Toàn huyện có 84 điểm trường lẻ. Tất cả các điểm trường đều có nhà vệ sinh, hệ thống điện, nước, phòng học đầy đủ, đảm bảo yêu cầu dạy và học.
Nhiều trường huy động nguồn kinh phí xã hội hóa để làm sân bê tông, tạo cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp. Chất lượng giáo dục tại các điểm trường lẻ ngày càng được nâng cao, tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh hàng năm đạt cao.
 Chất lượng giáo dục tại các điểm trường lẻ trong tỉnh ngày càng được nâng cao. Ảnh: Trần Dung
Chất lượng giáo dục tại các điểm trường lẻ ngày càng được nâng cao. Ảnh: Trần Dung
Trường Mẫu giáo Hoa Mai (xã Ia Rong) là một trong những điểm sáng về giáo dục mầm non ở huyện Chư Pưh. Nhà trường đã có nhiều cách làm hay để thay đổi môi trường học tập, tránh tình trạng trẻ bỏ học giữa chừng tại các điểm trường lẻ. Trường có 3 điểm trường lẻ đã được đầu tư sân chơi bằng bê tông, hàng rào lưới B40. Giáo viên tích cực thay đổi môi trường học bằng cách vẽ trang trí lên tường những sắc màu vui nhộn, tự tạo ra những chiếc xích đu, cầu trượt, đồ chơi… để thu hút trẻ.
“Khoảng cách giữa điểm trường chính và các điểm trường lẻ giờ không còn quá xa. Thấy được những thiệt thòi của các em học sinh người dân tộc thiểu số, nhà trường đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cũng như nâng cao chất lượng dạy-học để các em có điều kiện học tập trong môi trường tốt nhất. Kinh phí để đầu tư xây dựng điểm trường, chúng tôi đều kêu gọi từ các Mạnh Thường Quân. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục xây dựng hệ thống rửa tay mới cho trẻ tại 3 điểm trường”-cô Trần Thị Hồng Ánh-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay.
Bà Chu Thị Bắc-chuyên viên Phòng Giáo dục Mầm non (Sở GD-ĐT) thông tin: Toàn tỉnh hiện có 1.033 điểm trường lẻ thuộc bậc mầm non gồm 973 điểm trường công lập và 60 điểm trường tư thục. Cảnh quan môi trường các điểm trường lẻ dần đáp ứng được các tiêu chí “xanh-sạch-đẹp-an toàn”. Các em học sinh tại các thôn, làng xa trung tâm giờ đã được học tập, vui chơi trong môi trường thuận lợi và an toàn, qua đó phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Dù đã về hưu nhưng bà Siu H’Prưng vẫn lưu giữ bằng khen do Bộ trưởng Bộ Giáo dục tặng như một kỷ vật trong quãng đời làm nhà giáo. Ảnh: Vũ Chi

Nhà giáo về hưu: Vẫn một tình yêu da diết với nghề

(GLO)- Dù đã về hưu nhưng tình cảm với trường lớp, với học trò vẫn mãi trong tim các thầy, cô giáo. Lắng nghe chuyện nghề của các nhà giáo đã về hưu tại thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) giúp ta hiểu thêm về những hy sinh thầm lặng của các thầy cô với sự nghiệp “trồng người”.

Bằng tình yêu nghề, mến trẻ nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô Ksor H'Hiền vẫn quyết tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Vũ Chi

Ksor H'Hiền: Gia cảnh khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó với bục giảng

(GLO)- Mặc dù đời sống giáo viên đã được cải thiện nhiều so với trước đây, song vẫn còn những trường hợp thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng đang phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Cô giáo Ksor H’Hiền (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là một trường hợp như thế.