Xây dựng chương trình hành động triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 21-10, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 2410/UBND-KTTH về xây dựng chương trình hành động triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Tây Nguyên.
Lãnh đạo đảng, Nhà nước chủ trì hội nghị
Lãnh đạo đảng, Nhà nước chủ trì Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh nguồn internet
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại văn bản số 2146-CV/VPTU ngày 14-10-2022 về tham mưu triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, UBND tỉnh giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng dự thảo chương trình hành động của Tỉnh ủy triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị, đề xuất về UBND tỉnh trước ngày 10-11-2022 để tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Tại Nghị quyết số 23-NQ/TW, Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hoá dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi sổ; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc tế gắn với các trung tâm chế biến. Cơ bản hình thành hạ tầng giao thông quan trọng, hạ tầng số. Hệ thống thiết chế văn hoá được nâng cấp. Giải quyết căn bản vấn đề đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu sổ. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Hệ sinh thái rừng, nhất là rừng đầu nguồn và đa dạng sinh học được bảo tồn và phát triển; an ninh nguồn nước được bảo đảm. Quốc phòng, an ninh khu vực biên giới được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, duy trì ổn định. Tổ chức Đảng, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố, tăng cường.
Trong đó, một số chỉ tiêu cụ đến năm 2030 như: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 7-7,5%. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD; tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 29,5% trong GRDP; khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 26,9%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp khoảng 5,6%; tỷ trọng kinh tế số khoảng 25-30% GRDP. Tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 37,2-40,7%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 85%, trong đó tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao khoảng 50%.
Giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 6,5%; đóng góp của TFP vào tăng trưởng GRDP khoảng 39%. Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25-30%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì giảm 1,0-1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục mầm non khoảng 60%; tiểu học khoảng 65%, THCS khoảng 75% và THPT khoảng 60%. Đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sĩ trên 10.000 dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90%.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Nam
Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Nam
Đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 47%. Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 98%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%. Đạt 100% đối với các chỉ tiêu: Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, cơ sở y tế được thu gom xử lý; tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Đạt 95% tỷ lệ rác thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý theo quy định.
Nghị quyết số 23-NQ/TW đề ra tầm nhìn đến năm 2045, Tây Nguyên trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn; một số tỉnh trong vùng thuộc nhóm phát triển khá của cả nước. Hệ sinh thái rừng được bảo tồn và phát triển; hình thành một số khu du lịch chất lượng cao, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Hình thành các vùng sản xuất lớn về cây công nghiệp, cây ăn quả, rau, hoa và trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ. Phát triển hài hoà giữa kinh tế với văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường và quốc phòng, an ninh; người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bản sắc văn hoá được phát huy và trở thành nền tảng để phát triển. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc; biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.
TRẦN ĐỨC
 

Có thể bạn quan tâm

Cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1/9 phấn khởi khi được đoàn công tác đến thăm, chúc Tết. Ảnh: Q.T

Quà Tết đến với lính nhà giàn DK1

(GLO)- Dù phải đối mặt với không ít khó khăn, vất vả trong hải trình dài ngày vượt sóng to, gió lớn nhưng toàn bộ hàng hóa, quà Tết đã được đoàn công tác tàu Trường Sa 21 đưa đến các nhà giàn DK1 an toàn.

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

Bí thư Thành ủy Pleiku Trịnh Duy Thuân thăm, chúc Tết gia đình nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và người có công

(GLO)- Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, sáng 16-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết, tặng quà nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy và các gia đình có công trên địa bàn TP. Pleiku.