(GLO)- Ngoài việc kêu gọi đầu tư để huy động nguồn lực, ngành Nông nghiệp tỉnh Gia Lai đang từng bước xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất để gia tăng giá trị, phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Trước đây, gia đình bà Nguyễn Thị Hiền (xã Kdang, huyện Đak Đoa) trồng hơn 1 ha hồ tiêu. Sau khi vườn hồ tiêu chết, bà Hiền chuyển sang trồng chanh dây theo hình thức liên kết với doanh nghiệp để được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
“Trên địa bàn huyện Mang Yang có nhà máy chế biến chanh dây, chúng tôi chuyển sang trồng loại cây này thấy yên tâm hơn, thu nhập cũng cao hơn so với cây trồng khác. Với 1 ha chanh dây, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi hơn 200-300 triệu đồng/năm”-bà Hiền khẳng định.
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai và Tập đoàn Lộc Trời (tỉnh An Giang) ký kết bản ghi nhớ chương trình hợp tác xây dựng chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Đức Thụy |
Ở góc độ khác, ông Trịnh Khắc Dương-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Dịch vụ Đak Krong (huyện Đak Đoa) cho biết: Với diện tích vùng nguyên liệu hơn 320 ha, 185 thành viên của HTX triển khai mô hình sản xuất cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C. Điều khiến người trồng cà phê thêm tin tưởng vào hiệu quả mô hình sản xuất này là việc HTX ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn người dân áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
“Mô hình này đã làm thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất, tập trung, áp dụng quy trình sản xuất cà phê bền vững, đạt tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến xuất khẩu để tăng giá trị sản phẩm”-ông Dương cho biết.
Điểm nổi bật của ngành nông nghiệp tỉnh thời gian qua là hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, không chỉ tập trung một số cây công nghiệp truyền thống như: cà phê, hồ tiêu… mà còn mở rộng sang những cây trồng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt là cây ăn quả. Điều này đã giúp nông sản của tỉnh từng bước vượt qua khủng hoảng khi thị trường các sản phẩm truyền thống có sự biến động về nhu cầu cũng như giá cả tăng, giảm thất thường, từ đó góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp.
Chính vì điều này, tỉnh ta đang tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp tham gia sâu vào phát triển nông nghiệp và chế biến các sản phẩm nông sản. Cùng với mở rộng quy mô của các doanh nghiệp sẵn có, địa phương còn chú trọng kêu gọi thu hút đầu tư. Đây là 1 trong 4 chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra. Với một địa phương có nhiều thế mạnh về nông nghiệp và nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế thì giải pháp này là rất khả thi.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-khẳng định: Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thời gian đến sẽ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, tạo ra nhiều giá trị gia tăng trong sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu nông sản và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để vươn ra thị trường lớn. Đồng thời, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, lấy doanh nghiệp là đầu chuỗi để hỗ trợ HTX, tổ hợp tác tiêu thụ sản phẩm.
Không chỉ dừng lại ở việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân mà tỉnh ta còn khuyến khích thực hiện liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để tăng thêm nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến sâu. Hiện tại, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO) và Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đang liên kết xây dựng vùng nguyên liệu 100 ngàn ha rau quả các loại trên địa bàn tỉnh. Đây là tín hiệu rất tích cực khi những “ông lớn” trong lĩnh vực nông nghiệp cùng nhau bắt tay để khai thác các tiềm năng, lợi thế hiện có của địa phương.
Theo ông Nguyễn Võ Huy Hoàng-Phó ban Liên kết sản xuất nông nghiệp Tập đoàn Lộc Trời: “Chúng tôi có thế mạnh trong lĩnh vực trồng trọt. DOVECO mạnh về chế biến và phân phối. Hai đơn vị đã thấy được thế mạnh của nhau và cùng hợp tác để phát triển mạnh hơn. Gia Lai là địa bàn rất giàu tiềm năng về nông nghiệp, khí hậu, đất đai nên chúng tôi nhận thấy hai bên kết hợp với nhau là điều thuận lợi. Chúng tôi đặt mục tiêu liên kết trong năm 2021 và những năm về sau thì phấn đấu có vùng nguyên liệu cho cả hai. Trước mắt là 100 ngàn ha và phát triển hơn nữa trong những năm tới”.
MINH NGUYỄN