Vụ thảm sát dân làng Tân Lập: 70 năm nỗi đau còn đó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cách đây 70 năm, ngày 14-3-1947, quân và dân ta tiến công đồn Tú Thủy. Sau trận đánh này, quân Pháp ở các đồn Tú Thủy, Cửu Đạo, An Thạch thuộc vùng Đông Bắc An Khê tiến hành càn quét, bắn giết đồng bào ta và đốt hàng trăm ngôi nhà. Riêng tại làng Tân Lập (nay thuộc thôn 6, xã Đak Hlơ, huyện Kbang), chúng đã bắn giết 368 đồng bào ta và đốt 76 ngôi nhà, kể cả 50 người và lán trại của những công nhân ở Đồn điền Đak Đoa, những người tù chính trị ở ngục Kon Tum chạy giặc tản cư xuống tạm trú.

Tội ác chất chồng

Sau trận Tú Thủy, quân Pháp tiến hành càn quét, truy lùng bắn giết hàng trăm người dân lương thiện, đốt hàng trăm ngôi nhà, tịch thu tài sản của họ. Riêng tại làng Tân Lập ở bên kia sông Ba thuộc xã Tân Tạo, tổng Tân Phong (sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng là đất của Nông trường mía Sông Ba, nay là thôn 6, xã Đak Hlơ, huyện Kbang), sáng 22-3-1947, chúng tiến hành vây ráp, lục soát và phát hiện có dấu vết bộ đội ta trú quân nhiều ngày ở đó. Cho rằng chính quyền và dân làng ở đó nuôi giấu bộ đội Việt Minh nên chúng tiến hành vụ thảm sát. Tất cả già, trẻ, lớn bé chúng đều bắn giết; nhà cửa, lều trại chúng thiêu đốt; của cải, bò heo chúng lùa bắt tất cả. Chỉ có một số người may mắn ngủ ở ngoài chòi rẫy hoặc núp ở lùm cây, mương rãnh mới sống sót. Bắn giết xong, chúng không cho người thân chôn lấp bà con và đồng bào của mình. Đây là vụ thảm sát dã man nhất của quân đội Pháp ở Gia Lai trong thời gian chúng trở lại xâm lược nước ta.

 

  Đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh (thứ nhất bên trái)-nguyên Bí thư Tỉnh ủy đến kiểm tra hiện trường nơi từng xảy ra vụ thảm sát.
Đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh (thứ nhất bên trái)-nguyên Bí thư Tỉnh ủy đến kiểm tra hiện trường nơi từng xảy ra vụ thảm sát.

Vụ thảm sát trên bị phanh phui muộn là do địa thế của làng Tân Lập lúc đó bị rừng núi bao phủ, kẻ thù bưng bít thông tin, phương tiện truyền thông bị thực dân Pháp nắm giữ. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng bộ và chính quyền các cấp lo tập trung khôi phục kinh tế. Những năm cuối cùng của thế kỷ XX, các địa phương tiến hành viết lịch sử Đảng bộ mới nêu sơ lược vụ thảm sát này.

Về nhân chứng vụ thảm sát còn sống sót, lúc đầu phát hiện 5 người gồm các ông: Nguyễn Ngấn, Hồ Thọ, Nguyễn Cày, Nguyễn Đẩu và bà Nguyễn Thị Tri. Hiện nay chỉ còn ông Nguyễn Ngấn. Gần đây phát hiện thêm bà Nguyễn Thị Thiện. Ngoài ra, có 3 người lúc xảy ra vụ thảm sát mới 4-5 tuổi. Hiện nay, họ đang sinh sống tại xã Thành An gồm các ông Lê Miên, Huỳnh Văn Sỹ và Hai Tòng.

Cần đầu tư tôn tạo khu chứng tích

Năm 2015, huyện Kbang đã tiến hành xây dựng bia tưởng niệm 368 đồng bào ta bị sát hại nhưng quy mô chưa xứng tầm với một nhà bia di tích lịch sử. Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa ra quyết định công nhận nơi xảy ra vụ thảm sát trên là một di tích chứng tích tội ác chiến tranh cấp tỉnh nên chưa đưa vào kế hoạch khảo sát, đầu tư nâng cấp nhà bia tưởng niệm.

Theo chúng tôi, sau khi có quyết định công nhận nơi xảy ra vụ thảm sát trên là di tích chứng tích tội ác chiến tranh, tỉnh cần đầu tư nâng cấp giai đoạn hai nhà bia tưởng niệm, như mở rộng diện tích đủ để trồng cây xanh chung quanh và tạo một hoa viên có cây cảnh và cụm tượng đài trước nhà bia tưởng niệm. Ngay cổng ra vào nhà bia chứng tích cũng phải ghi rõ là: Nhà bia chứng tích tội ác của giặc Pháp thảm sát 368 đồng bào ta tại nơi đây ngày 22-3-1947, chứ không thể viết như hiện nay: “Bia tưởng niệm di tích vụ thảm sát làng Tân Lập ngày 18-3-1947” (Ngày18-3-1947, quân ta đánh đồn Tú Thủy, còn ngày xảy ra vụ thảm sát là 22-3-1947). Việc viết trên bia chung chung như thế làm cho khách tham quan không rõ ai thảm sát và suy diễn sai lệch? Bên trong nhà chứng tích cần có bàn thờ, có chân đèn, lư hương và cặp hạc chầu hai bên để khách thắp hương tưởng niệm. Bên cạnh đó cũng cần có bàn ghế để khách ngồi nghỉ và viết cảm nghĩ của mình vào sổ lưu niệm. Trên tường của nhà bia, cần có một bức tranh tái hiện vụ thảm sát và danh sách 67 gia đình có số người bị sát hại, vừa có giá trị tố cáo tội ác của giặc, vừa có giá trị mỹ thuật lâu bền. Về các phần mộ cần khôi phục và tôn tạo để cho khách tham quan đến thăm viếng. Bên cạnh đó, cần nâng cấp đường sá, biển báo, kéo điện, khoan giếng, lấy nước tưới cây cảnh và phục vụ sinh hoạt. Các ngành chức năng của tỉnh cần bổ sung vào dư địa chí của tỉnh, huyện, bổ sung trưng bày tài liệu, hiện vật ở các bảo tàng, thư viện thuộc tỉnh và tại nhà bia tưởng niệm này nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về vụ thảm sát. Để giáo dục thế hệ trẻ, phải biên soạn tài liệu đưa vào môn lịch sử địa phương.

Hàng năm, gần đến ngày tưởng niệm, các cơ quan truyền thông cần tuyên truyền để mọi người biết đến dự lễ tưởng niệm và tưởng nhớ đến đồng bào của mình ở làng Tân Lập năm xưa đã bị kẻ thù sát hại một cách oan nghiệt. Làm được như thế, chúng ta sẽ góp phần làm vơi bớt nỗi đau của những người còn đang sống.

 Phan Duy Tiên

Có thể bạn quan tâm

Thí sinh Nhữ Thị Nhạn đạt giải nhất kỳ thi thứ 7 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nhữ Thị Nhạn đạt giải nhất kỳ thi thứ 7 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” vừa có thông báo kết quả thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 7.