Vòng xe cuộc đời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đó là một nghề độc lạ, chỉ còn tồn tại duy nhất ở chốn này, với số người hành nghề còn lại chưa đếm hết đầu ngón tay. Và với họ, nghề này đã đem lại nguồn sống và cả những buồn vui riêng có.
Nghề “độc” nơi cố đô
Chỉ dăm ba nghìn đồng một cuốc xe, nhưng đó lại là một trong những nghề đặc biệt đến nay chỉ còn tồn tại duy nhất ở Huế. Từ lâu, nghề xe đạp thồ và những người hành nghề giờ tóc trắng màu sương gió với những vòng xe mệt nhoài. Những người đến giờ vẫn còn gắn bó với nghề này đa phần là những bậc cao niên muốn giữ lại cho Huế một nét đặc trưng riêng biệt hoặc do một phần của cuộc sống mưu sinh mà họ vẫn còn phải cố gắng bám trụ.
 
Chuyến hàng ít ỏi trong ngày của người làm nghề xe đạp thồ.
Chuyến hàng ít ỏi trong ngày của người làm nghề xe đạp thồ
Dưới cơn mưa tầm tã của miền đất cố đô vào ngày nắng hạ, lẫn trong dòng người đông đúc đến chợ Đông Ba, có những dáng người gầy nhỏ, đứng lặng lẽ bên chiếc xe đạp của mình. Họ trái ngược với sự tấp nập ồn ào của một trong những ngôi chợ sầm uất nhất thành phố Huế. Những chiếc mũ không che nổi khuôn mặt già nua và khắc khổ của người phu xe. Gọi là phu xe, bởi những người làm nghề đạp xe chở người và chở hàng thuê này tự nhận như thế. Họ âm thầm lặng lẽ bên những chiếc xe đạp cũ. Họ chờ khách, chờ người. Họ đang tìm cho mình những thứ hàng hóa để có thể kiếm được vài ba đồng tiền ít ỏi của cái nghề được cho là vô cùng vất vả này.
Đã gần một trăm năm tồn tại, sau khi những chiếc xe kéo tay bị thất sủng, thì xe đạp thồ đã trở thành phương tiện đi lại vào hàng phong lưu của người dân nơi đây suốt gần nửa thế kỷ. Đến khoảng giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, khi nhiều phương tiện giao thông hiện đại khác phát triển và dần thay thế thì xe đạp thồ mới dần bị quên lãng. Nhưng vẫn có những người phu xe bám víu để tìm chút vui và cả những đồng tiền lẻ trong cuộc mưu sinh đầy khốc liệt. Thỉnh thoảng giữa dòng người tấp nập mới có thể bắt gặp được một vài chiếc xe đạp thồ như thế. Dễ dàng nhận ra họ với những chiếc xe đạp hơi lạ mắt so với những chiếc xe bình thường. Đó là những xe đạp có bánh to đùng, được đánh số thứ tự, phía sau yên xe được “cải tiến” thêm những tấm ván dài khoảng 4 đến 5 gang tay buộc chặt vào yên xe để có thể vừa chở khách, vừa có thể chở được những thứ hàng hóa cồng kềnh. Trước mỗi xe đều có giỏ xách đựng áo mưa và chai nước.
 
Ở chợ An cựu vẫn có tổ xe đạp thồ 8 người. ông Nguyễn Nghĩa là nhóm trưởng của tổ xe đạp thồ An Cựu
Ở chợ An cựu vẫn có tổ xe đạp thồ 8 người. ông Nguyễn Nghĩa là nhóm trưởng của tổ xe đạp thồ An Cựu
Sau khoảng 40 phút dắt xe vòng quanh chợ thì cuối cùng ông Trần Đình Dương (85 tuổi, ở huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) cũng có người thuê chở hàng. Lần này là một thùng trái cây nhỏ được chủ của hàng bán sỉ trong chợ thuê ông chở đến cho một chủ quán ở đường Lê Lợi. Quãng đường gần 4km, tuy số tiền mà khách hàng thuê ông chỉ vỏn vẹn có 5 ngàn đồng, nhưng ông vẫn vui vẻ chấp nhận không một lời kỳ kèo. Cũng bởi, nếu chủ hàng gọi xe ôm hay các dịch vụ vận chuyển nhanh khác, số tiền phải trả sẽ lên tới vài chục ngàn đồng. Thế nên, họ chọn những chiếc xe đạp thồ để bớt đi chi phí vận chuyển, dù hàng hóa có thể đến chậm hơn vài mươi phút.
Ông Dương là người cao tuổi nhất trong giới xe đạp thồ ở Huế hiện nay, người kiếm sống bằng nghề xe đạp thồ già nhất chợ Đông Ba và có lẽ cũng là người già nhất đạp xe thồ trên mảnh đất Cố đô. Gần nửa thế kỷ làm bạn với “con ngựa sắt” cũ kỹ tuềnh toàng để rong ruổi chở hàng, chở người thuê khiến cho con người ông có nét gì đó hao hao những ngư dân vùng biển quanh năm hứng chịu sự khắc nghiệt của nắng gió, mưa dầm. Nhíu đôi mắt đã mệt mỏi vì thời gian, ông Dương trầm tư thổ lộ, rằng cả xứ Huế bây giờ chỉ còn chừng độ chục người làm nghề này. Cách đây hơn 20 năm, số lượng phu xe như ông rất đông đảo. Nhưng giờ thì chẳng còn mấy ai, có chăng chỉ là “những ông già muốn giữ một điều gì đó rất xưa cũ”, ngày ngày ra đây với chiếc xe thồ thôi.
Ông Dương kể với vẻ đầy tự hào, rằng chỉ cách đây hơn hai mươi năm thôi, có được một chiếc xe phượng hoàng, hay tệ thì chiếc xe thống nhất là cả một gia tài. Thuở ấy xe đẹp thì để chở khách, xe cũ để chở hàng. Có nhiều khách đi xe là những “người đẹp”, mặc áo dài, thuê xe chở đi dạo phố, chụp ảnh. Có nhiều đám cưới không có xe đạp cũng thuê xe đi. Hồi “thịnh vượng” của nghề, có ngày ông chở toàn khách là người đẹp đi chụp ảnh tại các điểm du lịch, hay chở khách đám rước dâu, thu nhập cũng khá. Chính nhờ nghề này mà ông có thể nuôi gia đình và con cái qua những thời khắc khó khăn nhất.
Cũng như ông Dương, những người còn gắn bó với cái nghề đặc biệt này bây giờ cũng tương đối khác so với những nghề truyền thống. Họ đa phần là những người đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, là những người kỳ cựu trong nghề. Người ít nhất cũng đã có 10 năm chạy xe đạp thồ. Trước đây, phu xe đạp thồ có đầy đủ mọi lứa tuổi khác nhau, từ những thanh niên cho tới những ông già tóc bạc phơ vẫn cặm cụi theo những vòng xe nhọc nhằn. Khi cảm thấy sự lỗi thời của hình thức vận tải này mà nhiều người đã bỏ nghề để tìm cho mình những công việc khác thu nhập cao hơn.
Phía chợ An Cựu cũng còn một nhóm những người hành nghề xe đạp thồ. Ông Nguyễn Nghĩa, cũng đã hơn 70 tuổi, là trưởng nhóm cho biết: “Bây giờ người dân và cả những người buôn bán cũng ít thuê cánh xe đạp như chúng tôi đi. Nếu có nhiều hàng hóa thì họ thuê xích lô, còn muốn nhanh hơn thì có xe máy. Nhiều người vì cuộc sống mưu sinh mà họ không còn gắn bó với nghề này nữa. Mấy người khác còn sức lực thì họ có thể kiếm được việc khác, còn như tôi đây ai còn thuê làm gì nữa. Chỉ còn có cái nghề này kiếm cơm thôi!”.
Từng vòng xe mòn mỏi
So với những nghề khác thì nghề xe đạp thồ có thu nhập khá bèo bọt. Mỗi ngày nhiều nhất họ cũng chỉ có thể kiếm được 20.000 đến 40.000 ngàn đồng. Còn nếu như những ngày mưa gió thì có khi còn không có hàng để chạy, vậy là phải lủi thủi ra về. Chiếc xe, vì thế như người bạn già cùng trải qua nắng mưa và khốn khó. Những lúc ngồi buồn không có khách, những lão phu xe lại lau chùi, “nói chuyện” với chiếc xe, như một người bạn tâm giao vậy. Ông Nghĩa chia sẻ: “Nhà tôi ở cách chợ An Cựu này không xa, nắng mưa gì cũng thế, cứ 3 rưỡi sáng là tôi lại bắt đầu đạp xe từ nhà lên đây. Tôi làm cái nghề này tính ra cũng đã gần 30 năm rồi. Những năm trước đây thì hàng hóa còn nhiều chứ bữa nay khan hiếm lắm chú à. Mà kể ra thì thu nhập chẳng đáng là bao, đạp xe gần 5-7 cây số mà cũng chỉ kiếm được có 5 ngàn thôi. Đa số bây giờ chúng tôi ở đây chỉ chở hàng hóa là chính chứ hy hữu lắm mới có người thuê chở đi. Có chăng chỉ có một số người già cả hay những người khách du lịch thấy lạ mắt thì họ mới thuê đi cho vui thế thôi. Vì làm lâu năm nên ở đây cũng có nhiều khách hàng quen, họ thấy thương tình nên khi thì thuê chở bao gạo, thùng hoa quả hay một số hàng hóa linh tinh đến các chợ lẻ trong thành phố”.
 
Ông Minh, 75 tuổi ở Vỹ Dạ, Huế bên chiếc xe đạp thồ vắng người đi
Ông Minh, 75 tuổi ở Vỹ Dạ, Huế bên chiếc xe đạp thồ vắng người đi
Lau vội giọt mồ hôi đang lăn dài trên má sau chuyến hàng, ông Thanh (69 tuổi, ở phường Phú Hiệp, TP Huế) tiếp lời: “Bây giờ người dân ít đi xe đạp thồ nên chúng tôi cũng chỉ làm hết buổi trưa rồi về nghỉ. Nếu chở đi một quãng đường xa thì cũng chỉ được 1 đến 2 chuyến là cùng. Có khi chúng tôi còn đạp xe đến hàng chục cây số cả đi và về chở hàng từ chợ Đông Ba xuống các chợ quanh An Cựu, Tây Lộc, Kim Long. Dù mệt nhưng vẫn phải cố gắng mà làm. Ai thuê gì thì chở nấy, miễn sao không bỏ phí một ngày là được”.
Trải qua thời gian, khi xe gắn máy phổ biến trên đường phố, nhiều “đồng nghiệp” cũng đã chuyển sang chạy xe ôm thì các lão phu xe vẫn thủy chung với chiếc xe đạp cà tàng. Bây giờ chỉ còn lại một số người vẫn còn bám trụ với nghề. Ông Dương, ông Nghĩa, hay ông Thanh mấy năm gần đây tay có yếu, mắt có mờ đi một chút nhưng vẫn cảm thấy minh mẫn để theo đuổi nghề. Thay vì đạp nhanh, chở nặng như trước thì nay chở nhẹ, đạp chậm rãi thong dong như thường.
Nhiều người, khi nhìn những lão phu xe này đều trăn trở, bảo ở cái tuổi gần đất xa trời này đáng lẽ họ phải nghỉ ngơi an dưỡng tuổi già, nhưng vì một phần là yêu nghề mà cho đến giờ những phu xe vẫn chọn theo đuổi nó. Với những người phu xe như ông Dương, ông Thanh, ông Nghĩa thì đây một phần là công việc thường ngày, nhưng đó cũng như là một thói quen. Ngày nào mà không đi là các lại cảm thấy thiếu thiếu cái gì đó. Sáng đạp xe thong dong lên chợ, được gặp nhiều bạn bè. Những lúc không có hàng thì ngồi lại với nhau tâm sự cũng vui. Mà chắc có lẽ vì cũng vì cái nghề này mà đến giờ sức khỏe của ông Dương, ông Thanh và những người phu xe vẫn còn tốt lắm, rất ít khi đau ốm.
Trước đây những người chạy xe đạp thồ có một nghiệp đoàn riêng. Nghiệp đoàn xe đạp thồ ở chợ Đông Ba khoảng 4 năm trước lên đến gần 500 thành viên nhưng bây giờ chỉ còn lại khoảng trên dưới 20 người. Cái nghề này rồi chắc cũng phải giải nghệ vì quá lỗi thời và lạc hậu. Khi lớp người này về già và không còn đủ khả năng thì cái nghề cực nhọc này chắc cũng chẳng còn nữa.
Bởi bây giờ, người đã lão, xe đã tàn...
Theo Tiêu Dao (cand.com.vn)

Có thể bạn quan tâm

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.