Việt - Lào - Campuchia samaki!: Vun đắp tình hữu nghị vững bền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chương trình Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM không chỉ được tổ chức dựa trên nhu cầu thực tế của sinh viên Lào, Campuchia mà còn là tình cảm trân trọng của nhân dân thành phố với hai nước bạn.

Để cung cấp nhiều thông tin hơn về chương trình này, PV Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Thanh Sơn (ảnh), Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM.

Ông Ngô Thanh Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM

Ông Ngô Thanh Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP.HCM

Thưa ông, thời gian qua, chương trình Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM được biết đến nhiều và ghi nhận số người đăng ký tham gia tăng mạnh. Cơ duyên của chương trình này bắt đầu từ đâu?

Có thể nói, mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung son sắt giữa nhân dân VN và nhân dân Lào đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong đặt nền móng, được các thế hệ lãnh đạo của 2 đất nước dày công vun đắp qua thời gian. Mối quan hệ hữu nghị này cũng là tài sản vô giá của 2 dân tộc.

Cùng với đó, mối quan hệ hữu nghị VN - Campuchia cũng được phát triển qua nhiều giai đoạn lịch sử trong 57 năm qua, trên hết là sự ủng hộ, giúp đỡ của VN với đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vào năm 1979.

Các gia đình nhận đỡ đầu sinh viên Lào, Campuchia đến TP.HCM học tập năm 2024

Các gia đình nhận đỡ đầu sinh viên Lào, Campuchia đến TP.HCM học tập năm 2024

Bên cạnh những hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước thì TP.HCM cũng quan tâm triển khai nhiều giải pháp cụ thể trong công tác đối ngoại nhân dân, nhất là quan tâm đến xây dựng sự kết nối giữa các thế hệ, đặc biệt là trong giới trẻ.

Năm 2019, Thành ủy TP.HCM chủ trương thí điểm chương trình Sinh viên Lào với gia đình Việt nhằm giúp các sinh viên Lào có cơ hội thực hành nâng cao khả năng tiếng Việt và trải nghiệm văn hóa của VN thông qua cuộc sống thường ngày của gia đình người Việt. Qua đó, có thể gắn kết tình cảm, hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho các bạn khi học tập xa nhà, khơi dậy những tình cảm yêu quý giữa thế hệ trẻ của Lào và TP.HCM.

Chương trình thí điểm đã tổ chức cho 13 gia đình Việt đón nhận 24 sinh viên Lào; Thường trực Thành ủy TP.HCM đã phân công Ủy ban MTTQ VN TP.HCM chủ trì phối hợp các tổ chức thành viên triển khai nhân rộng trong những năm tiếp theo.

Đến tháng 5.2021, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN TP.HCM chủ trì, phối hợp Thành đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM xây dựng Đề án số 01 về tổ chức chương trình Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025.

Các đơn vị được phân công rà soát nhu cầu tham gia chương trình của các hộ gia đình VN và các sinh viên Lào, Campuchia. Đồng thời, chúng tôi khảo sát các điều kiện để đáp ứng tốt công việc học tập như là giao lưu văn hóa của các em.

Qua 3 năm tổ chức (2022, 2023, 2024), đã có 196 gia đình VN, 257 sinh viên Lào và 55 sinh viên Campuchia tham gia. Hiện tại TP.HCM có hơn 1.000 sinh viên Lào, Campuchia đang học tập.

Vậy các hoạt động cụ thể khi triển khai chương trình này là gì? Các gia đình và sinh viên tham gia chương trình sẽ được lợi ích gì?

Ủy ban MTTQ VN TP.HCM là đơn vị chủ trì, hằng năm có xây dựng kế hoạch để thực hiện, có phân ra nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức thành viên. Mục đích của chương trình là giúp cho các em sinh viên có cơ hội được học tập tốt hơn, để hoàn thành chương trình học tập của mình và quay về phục vụ cho đất nước các em, cũng như là dịp để giới thiệu văn hóa, lịch sử của VN và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị của 3 nước. Có một số hoạt động nổi bật như: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ VN TP.HCM chủ trì tổ chức chương trình họp mặt mừng xuân hằng năm để giới thiệu nét văn hóa của tết cổ truyền VN đến sinh viên Lào, Campuchia. Đồng thời, tổ chức đoàn đại biểu gia đình VN đi thăm gia đình các em ở Lào, Campuchia và đón tiếp ngược lại.

Đoàn đại biểu gia đình VN giao lưu với gia đình của sinh viên Campuchia đang học tập tại TP.HCM hồi giữa tháng 6.2024

Đoàn đại biểu gia đình VN giao lưu với gia đình của sinh viên Campuchia đang học tập tại TP.HCM hồi giữa tháng 6.2024

Đây là hoạt động tạo cơ hội để các gia đình VN và gia đình sinh viên Lào, Campuchia gặp gỡ, giao lưu, trao đổi văn hóa. Chúng tôi cũng tham mưu hỗ trợ kinh phí đối với các gia đình nhận đỡ đầu, động viên các gia đình quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ các bạn sinh viên.

Thành đoàn TP.HCM chủ trì tổ chức ngày hội Gia đình VN - Lào - Campuchia hằng năm với nhiều hoạt động sôi nổi như giao lưu văn nghệ, trò chơi dân gian. Đồng thời, tổ chức hành trình về nguồn, giới thiệu về lịch sử và truyền thống đấu tranh của dân tộc VN; tổ chức tuyên dương các sinh viên có thành tích tiêu biểu trong học tập, tham gia tích cực các hoạt động giao lưu hữu nghị khi học tập tại TP.HCM.

Hội Liên hiệp Phụ nữ TP.HCM chủ trì tổ chức Ngày hội Áo dài, trao tặng áo dài cho nữ sinh viên Lào, Campuchia. Cùng với đó là tổ chức chương trình Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đến với di tích, địa danh TP.HCM, tham quan trụ sở UBND - HĐND TP.HCM…

Liên đoàn Lao động TP.HCM chủ trì tổ chức hành trình về nguồn tại Di tích lịch sử chiến khu Rừng Sác (Cần Giờ); hoạt động trải nghiệm các trò chơi dân gian, đậm chất làng quê, giới thiệu một số nét văn hóa trong công việc và đời sống hằng ngày của người dân Nam bộ.

Hội Cựu chiến binh TP.HCM có chương trình Thắm tình hậu phương quân đội, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Gia Định và Sư đoàn Bộ binh 9 (Quân đoàn 4). Các bạn sinh viên được tham quan doanh trại, cảnh quan môi trường quân đội, xem phim tư liệu về truyền thống đơn vị, nghe giới thiệu về quá trình công tác của chiến sĩ VN tại nước bạn Lào, Campuchia.

Hội Nông dân TP.HCM giúp sinh viên trải nghiệm chương trình Một ngày làm nông dân, các mô hình du lịch cộng đồng, tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Điều này cũng giúp các em hiểu thêm về khoa học kỹ thuật và những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu trên địa bàn thành phố. Còn Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP.HCM cũng có nhiều sự kiện để giúp các em hiểu thêm về truyền thống cách mạng của dân tộc VN.

Đó là cấp thành phố; ở cơ sở, các đơn vị sẽ triển khai nhiều hoạt động đồng hành như tổ chức thăm hỏi và trao quà cho các sinh viên Lào, Campuchia; tổ chức chương trình giao lưu nhân ngày Gia đình VN 28.6; tham quan các địa điểm nổi tiếng; tìm hiểu hoàn cảnh và vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ học bổng hằng tháng đến các bạn sinh viên; hỗ trợ các gia đình chăm lo các bạn sinh viên Lào, Campuchia; hỗ trợ khám sức khỏe định kỳ cho sinh viên nữ…

Có thể nói, mỗi đơn vị đều có thế mạnh tổ chức của mình.

Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của chương trình trong thời gian qua?

Việc tổ chức chương trình Gia đình Việt với sinh viên Lào, Campuchia đang học tập tại TP.HCM không chỉ dựa trên nhu cầu thực tế của sinh viên Lào, Campuchia mà còn là tình cảm trân trọng của nhân dân thành phố đối với đất nước Lào, Campuchia.

Buổi họp mặt mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024, tổng kết công tác đối ngoại nhân dân và kiều bào, kết quả thực hiện chương trình Gia đình Việt với sinh viên Lào - Campuchia đang học tập tại TP.HCM năm 2023

Buổi họp mặt mừng Xuân Giáp Thìn năm 2024, tổng kết công tác đối ngoại nhân dân và kiều bào, kết quả thực hiện chương trình Gia đình Việt với sinh viên Lào - Campuchia đang học tập tại TP.HCM năm 2023

Vì lẽ đó nên chương trình không dừng lại trong phạm vi do đơn vị tổ chức mà chính những gia đình đã có những hoạt động gặp gỡ, giao lưu, thăm hỏi.

Các em sinh viên Lào, Campuchia đã coi gia đình Việt như gia đình thứ hai của mình, giữ mối gắn kết dù đã tốt nghiệp hay về nước.

Tôi tin rằng chính gia đình Việt, các em sinh viên Lào, Campuchia sẽ trở thành những sứ giả nhân dân để cùng chia sẻ về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử, truyền thống và mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa VN - Lào - Campuchia.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đánh giá, tổng kết giai đoạn 2021 - 2025, từ đó đề xuất nội dung, quy mô và hình thức chương trình phù hợp với thực tiễn giai đoạn mới để tiếp tục là điểm sáng trong hoạt động đối ngoại nhân dân của TP.HCM.

Tôi cũng hy vọng rằng với tình nghĩa và trách nhiệm công dân, mỗi người dân tham gia sẽ giúp cho chương trình ngày càng phát triển hơn nữa.

Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.