Việt - Lào - Campuchia samaki!: Điểm tựa thân quen

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Chàng trai người Campuchia tên Seang Ti Hour lóng ngóng tìm đường vào nhà của mẹ Lê Thị Thu Nga (61 tuổi) và chị Đặng Lê Thùy Vân (ở P.2, Q.3). Đây là lần đầu tiên sau một tháng đăng ký nhận gia đình đỡ đầu, cậu có dịp đến tận nhà ba mẹ nuôi.

Khi tìm được đến nơi, cậu khép nép chào những anh em người Lào chung nhà. Như đã thân quen từ lâu, cậu nhập cuộc ngay việc đổ bánh xèo.

"Thấy hao hao giống mẹ ruột"

Seang Ti Hour (25 tuổi, quê tỉnh Kampong Chhnang, Campuchia) là sinh viên ngành y Trường ĐH Nguyễn Tất Thành. Ti Hour qua VN học hồi năm 2017 và mới tham gia chương trình "Gia đình Việt với sinh viên Lào và Campuchia ở TP.HCM" vì thấy bạn bè tấm tắc khen hoạt động này rất bổ ích và thú vị.

Bà Nga và chị Vân hướng dẫn các sinh viên Lào, Campuchia đổ bánh xèo

Bà Nga và chị Vân hướng dẫn các sinh viên Lào, Campuchia đổ bánh xèo

"Lịch học dày quá, nên nay tôi mới có dịp đến nhà của chị Vân. Ban đầu tôi nhắn tin cho chị Vân nói là "con chào mẹ". Nhưng ai ngờ chị Vân trẻ vậy, mới 32 tuổi, nên phải gọi là chị và xưng với mẹ chị Vân là mẹ Nga luôn", Ti Hour kể.

Ngoại trừ việc gặp gia đình nuôi của mình, Ti Hour cũng lần đầu gặp Xaifaxao Sanxai (21 tuổi, quê tỉnh Xaysomboun, Lào; sinh viên ngành y Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) và Chanthalaksa Dounangnapha (25 tuổi, quê tỉnh Champasack, Lào; sinh viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) - những anh em cùng nhà.

Biết các con đến, bà Nga cầu kỳ chuẩn bị các nguyên liệu đổ bánh xèo miền Trung và miền Tây để các con thưởng thức. Ti Hour, Xaifaxao Sanxai, Chanthalaksa Dounangnapha xông xáo phụ mẹ Nga chuẩn bị bữa trưa. Đứa cời than, đứa học theo mẹ đổ bột chiên bánh, đứa xào nhân bánh, hí hoáy như thể mình đã thành thạo các thao tác làm món đặc sản này.

Ti Hour chia sẻ, buổi "chào sân" thật vui và hạnh phúc, cậu có cảm giác như cả nhà đã thân quen từ lâu rồi. "Càng nhìn dáng vóc của mẹ Nga, em càng thấy hao hao giống mẹ ruột", Ti Hour nói.

Mong ngôi nhà như "trạm sạc"

Trong các bạn sinh viên, Dounangnapha có vẻ nói thạo tiếng Việt nhất, nhận mẹ nuôi đã 2 năm và lần này cậu còn đi với anh trai mình - cũng đang học ở Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Cả hai mang theo khaoniav (xôi) và aekng nomai (canh măng) tự nấu đến để mời cả nhà. Nghe kể, đây là những món đặc sản của nước Lào. Người dân thường dùng xôi thay cho cơm ăn kèm với canh măng. Món canh trông rất bổ dưỡng với nấm, măng, bắp, cà rốt, cá, thịt…

P.9 (Q.4) tặng quà cho gia đình bà Lý và sinh viên Chanthida, hy vọng Chanthida có thêm nhiều trải nghiệm văn hóa ở Việt Nam

P.9 (Q.4) tặng quà cho gia đình bà Lý và sinh viên Chanthida, hy vọng Chanthida có thêm nhiều trải nghiệm văn hóa ở Việt Nam

Dounangnapha nhớ lại: "Qua VN cũng là lần đầu tiên tôi xa nhà. Mọi thứ lạ lẫm, xe cộ đông đúc đến hết hồn, ngôn ngữ lại khác biệt. Nhưng con người ở thành phố sống thoải mái và hào sảng lắm. Bạn bè cũng giúp đỡ tôi rất nhiều. Họ đặt biệt danh cho tôi là Đuông Dừa, phát âm theo tên của tôi. Ban đầu tôi qua vì nghe lời khen của anh rể đang học ở ĐH Kinh tế TP.HCM, giờ anh trai tôi cũng qua học chung ngành với tôi luôn. Tôi nhận gia đình đỡ đầu vì mong muốn tăng khả năng tiếng Việt, tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa và con người VN", Dounangnapha kể.

Khác với những ngày đầu bỡ ngỡ, đến giờ đã quen, Dounangnapha rành rọt đường phố TP.HCM. Cậu đã đi khám phá nhiều nơi, nhiều nhất là các tỉnh miền Trung như Phú Yên, Bình Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh… Cậu đang có người yêu là người Việt.

Bà Nga ăn thử món canh măng, khen ngon, rồi bảo tính luôn anh trai của Dounangnapha thì nhà tự nhiên có thêm 4 cậu con trai, như "tứ quý" vậy. Bà hy vọng các con sẽ thường đến sinh hoạt cùng gia đình để có thêm trải nghiệm văn hóa ở VN.

Chị Vân cho hay đây không phải là lần đầu tiên gia đình chị nhận đỡ đầu sinh viên Lào, Campuchia. Từ năm 2013, gia đình chị nhận đỡ đầu cho nhiều bạn sinh viên tham gia chương trình Tàu thanh niên Đông Nam Á và Nhật Bản (SSEAYP).

Chị Vân bảo: "Ngôi nhà của tôi đa văn hóa cả chục năm qua. Tôi lại là người đam mê đi đó đây, kết nối, nhất là đi Campuchia và Lào nên tôi không ngại gì. Mong rằng ngôi nhà của mình sẽ như "trạm sạc", tiếp sức cho các sinh viên để các em yên tâm học tập và có thêm cơ hội trải nghiệm đời sống thường nhật của người dân VN".

Có thêm điểm tựa

Bà Hoàng Thị Lý (62 tuổi, ở P.9, Q.4) cũng là một trong số gia đình nhận đỡ đầu cả sinh viên Lào và Campuchia khi tham gia chương trình của Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tổ chức. Hai vợ chồng bà Lý đều là cựu chiến binh, từng công tác ở Sư đoàn 305 và sống ở TP.HCM khoảng 40 năm nay.

Bà Lý và Chanthida tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở P.9, Q.4

Bà Lý và Chanthida tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở P.9, Q.4

Hỏi cơ duyên nào khiến gia đình muốn nhận đỡ đầu các em sinh viên nước bạn, bà Lý chia sẻ: "Lý do thì nhiều. Khi về hưu rồi, tôi tham gia công tác đoàn thể ở phường, sau đó thì có được quen biết, giao lưu với Hội Hữu nghị VN - Campuchia TP.HCM nên mới nắm được thông tin là thành phố mình đang có phong trào vận động các gia đình đỡ đầu về tinh thần cho các em sinh viên xa nhà. Hai vợ chồng nghĩ cũng tốt, lâu nay đều muốn mở rộng tầm nhìn và mối quan hệ của mình, nhưng mà không có điều kiện đi lại, nên đăng ký tham gia chương trình. Giao lưu với gia đình của các con cũng là cơ hội để hai vợ chồng già mở mang, tìm hiểu được nhiều hơn văn hóa các nước bạn".

"Vừa rồi tôi cũng tham gia đoàn của Ủy ban MTTQ VN TP.HCM sang thăm gia đình các con, biết được đất nước bạn, đi tới những vùng sâu, vùng xa. Mình biết để sống có trách nhiệm và chia sẻ hơn. Lâu nay gia đình tôi nhận đỡ đầu cho các con ở Campuchia, giờ muốn biết nhiều nữa về Lào nên vừa rồi tôi đăng ký nhận đỡ đầu thêm sinh viên Lào", bà Lý kể thêm.

Năm nay, bà Lý nhận đỡ đầu thêm em Pangnasith Chanthida (23 tuổi, quê tỉnh Savannakhet, Lào) và bà gắn bó với Chanthida nhất, một phần vì ký túc xá Chanthida ở gần nên hai mẹ con có điều kiện gặp gỡ.

Chanthida kiệm lời. Cô nghe được hết tiếng Việt nhưng nói chưa rành. Cô kể, ba mẹ đều là sĩ quan và ba cô cũng hay công tác ở Hà Nội, lại nói tiếng Việt thạo. Việc cô đi học ở VN một phần là do yêu thích đất nước này, phần khác cũng là định hướng của gia đình. Ở VN và đăng ký tham gia chương trình, cô được nói tiếng Việt nhiều hơn, hiểu sâu hơn về đời sống, văn hóa của TP.HCM. Cô thường chia sẻ cuộc sống của mình cho bạn bè, người thân và còn rủ đàn em của mình đến TP.HCM học tập.

Bà Giang Hải Yến, Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN P.9 (Q.4), cho hay gia đình bà Hoàng Thị Lý tham gia rất năng nổ các hoạt động của địa phương. Phường cũng thường xuyên vận động, trao quà, học bổng cho các bạn sinh viên Lào, Campuchia khó khăn sang TP.HCM học tập; tổ chức cho các bạn tham quan Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, tặng sách và kể những câu chuyện về tấm gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó, đóng góp chung cho công tác đối ngoại nhân dân của TP.HCM. (còn tiếp)

Bà Nguyễn Ngọc Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban MTTQ VN Q.4, cho biết hiện nay trên địa bàn Q.4 có 16 gia đình nhận đỡ đầu cho 30 sinh viên Lào, Campuchia (trong đó có 14 sinh viên Lào và 16 sinh viên Campuchia), tăng 5 gia đình so với năm 2023. Địa phương cũng thường xuyên tổ chức các chương trình, cuộc thi, hoạt động tham quan di tích… để tạo điều kiện cho các em và các gia đình giao lưu, gắn kết với nhau.

Có thể bạn quan tâm

Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Dưới lớp tro tàn Tân Lập

(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời. 
Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Dân miền Tây có câu tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ. Đó là tháng Bảy âm lịch, thời điểm nước tràn đồng trên miệt đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Một mùa đánh bắt cá của bà con cũng khởi phát, kéo dài suốt mấy tháng.
Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Bên cạnh cư dân người Việt có quê gốc tại chỗ, một số đông dân cư ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác về làm ăn sinh sống. Có một sự quần tụ nơi "đất lành".
Tiếng vọng đại ngàn

Tiếng vọng đại ngàn

Tháng 8 về, Buôn Đôn trong veo những mảng màu. Rừng xanh ầm tiếng tù và. Bên dòng sông chảy ngược Sêrêpốk, nơi các dũng sĩ săn voi (gru) trứ danh từng chinh phạt mãnh tượng, hồng hoang thương nhớ những cuộc đời huyền thoại...
Nghề làm đẹp cho… người chết!

Nghề làm đẹp cho… người chết!

Người sống cần làm đẹp đã đành, mà người đã khuất cũng có luôn? Tất nhiên, nhu cầu đó của người đã khuất, đa phần xuất phát từ người thân của họ, những người còn đang sống. Ai cũng hiểu, lúc sống thế nào thì thôi, nhưng đã về bên kia thế giới, thì còn gì nữa đâu?
Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Mặt trời ngả xuống núi, phố nhỏ lên đèn, êm đềm chìm trong làn sương trắng mong manh. Những gánh hàng rong kẽo kẹt ghì chặt từng đôi vai gầy. Các chị, các mẹ bắt đầu xuống “chợ âm phủ”, đem theo vận may một đêm chạy hàng.