Theo PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc, khi cán bộ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng sẽ không bị sự cám dỗ, tha hóa trước vật chất, trước quyền lực.
Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 12 khóa XII, khi nói về phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có những gợi mở rất đáng chú ý.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 12 khóa XII (ảnh TTXVN).
Tổng Bí thư nói: Phải chăng, về tiêu chuẩn Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc;
Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm?
Trao đổi với PV, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM) cho biết, bản lĩnh chính trị thật vững vàng của Trung ương nói riêng, của các cấp cán bộ lãnh đạo nói chung thể hiện qua một số vấn đề:
Thứ nhất, tính kiên định cách mạng, không xa rời lý tưởng, mục tiêu cách mạng mà Đảng và Hồ Chủ tịch đã lựa chọn, đó là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; thứ hai, thể hiện qua việc không sợ gian nguy, bĩnh tĩnh, chủ động, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bởi con đường cách mạng luôn có những khó những khó khăn, thách thức chứ không hề đơn giản; thứ ba, bản lĩnh chính trị vững vàng cũng thể hiện qua việc độc lập, tự chủ, lập trường rõ ràng, không phải hôm nay nghe người này, ngày mai nghe người khác.
"Đó chính là những biểu hiện cụ thể của bản lĩnh chính trị vững vàng", PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc nói và cho biết thêm: Đảng phải có bản lĩnh và mỗi cán bộ đảng viên, đặc biệt cán bộ đảng viên ở cấp chiến lược phải rèn luyện bản lĩnh chính trị thật vững vàng.
PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc (ảnh PV).
Vẫn theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, nếu như bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên không vững vàng thì dễ dẫn tới hoang mang, dao động, lung lay, thậm chí "trở cờ". Khi cán bộ đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng sẽ không bị sự cám dỗ, tha hóa trước vật chất, trước quyền lực.
Theo PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc, một trong những việc có tính điển hình thể hiện bản lĩnh lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta nói chung, của các vị lãnh đạo từ Trung ương tới địa phương nói riêng là công tác chống đại dịch Covid-19 thời gian vừa qua. Chúng ta đã bĩnh tĩnh, chủ động phân tích, đánh giá tình hình để đưa ra các giải pháp phù hợp để chống dịch một cách hiệu quả mà không gây xáo động. Kết quả chống dịch của nước ta đã được thế giới đánh giá rất cao.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Ngô Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng: Trong các giai đoạn cách mạng và trong bối cảnh hiện nay vấn đề bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên, đặc biệt với những vị trí lãnh đạo chủ chốt ở Trung ương, ở địa phương là yếu tố quyết định.
"Nếu cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cấp Trung ương không vững vàng thì cách mạng khi ở vào bước ngoặt sẽ gặp nguy hiểm. Yêu cầu về bản lĩnh chính trị thật vững vàng là vấn đề then chốt đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Bí thư, Ủy viên Trung ương nói riêng và cán bộ các cấp lãnh đạo nói chung", ông Nguyễn Ngô Hai nói.
Vẫn theo ông Nguyễn Ngô Hai, bản lĩnh chính trị của Đảng, của các cán bộ đảng viên các cấp là yếu tố đảm bảo định hướng phát triển liên tục của đất nước. Còn năng lực lãnh đạo của cán bộ, đảng viên sẽ giúp họ thu nạp được nhân tài, tập hợp được nhiều người giỏi theo.
"Nhưng trước hết người cán bộ đảng viên nói chung phải vững vàng về bản lĩnh chính trị, có như vậy việc dẫn dắt con thuyền cách mạng mới không bị chệch hướng, vượt qua được những thử thách", nguyên Phó Ban Tuyên giáo Trung ương nói.
PVCT (Dân Việt)