Vì sao ACV "nóng vội" tranh phần đầu tư mở rộng Tân Sơn Nhất?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất đang được dư luận đặc biệt quan tâm, bởi Thủ tướng Chính Phủ cùng với các Bộ, Ngành đã thống nhất chọn phương án mở rộng theo đề xuất của tư vấn ADP-I (Pháp). Tuy nhiên, Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn tiếp tục trình Thủ tướng đề xuất cho ACV làm chủ đầu tư xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất.
Trước những vấn đề đang có nhiều nhà đầu tư tư nhân tha thiết được đầu tư xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, trao đổi với PV Dân Việt bên hành lang buổi toạ đàm “Giải pháp thúc đẩy hàng không bền vững”, ông Lại Xuân Thanh Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho rằng: “Việc xã hội hoá các nguồn vốn từ các doanh nghiệp tư nghiệp tư nhân phải đảm bảo hài hòa lợi ích, của các nhà đầu tư và lợi ích của xã hội”.
“ACV luôn ủng hộ chủ trương xã hội hoá nhưng cần theo mô hình của Vân Đồn. Nhà nước nên xã hội hoá kêu gọi đầu tư toàn bộ cảng, không nên chỉ kêu gọi một hạng mục riêng biệt”, ông Thanh viện dẫn.
 
Bộ GTVT trình Thủ tướng giao ACV mở rộng Tân Sơn Nhất.
Lý giải cho việc không để tư nhân đầu tư nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, ông Thanh giải thích: “Một cảng hàng không mà cắt từng hạng mục thương mại xã hội hóa sẽ dẫn đến ảnh hưởng kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư của ACV. Nếu được Nhà nước giao, ACV sẵn sàng đảm nhận toàn bộ khu bay và nhà ga. Về nguyên tắc một Cảng hàng không, một nhà khai thác, khi Nhà nước giao quản lý khai thác Cảng hàng không phải có trách nhiệm lập kế hoạch đầu tư phát triển mở rộng”.
Theo ông Thanh, nếu chỉ xã hội hóa một Cảng hàng không có nhà khai thác rồi mà chỉ xã hội hóa hạng mục mang tính thương mại thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng đến sự duy trì phát triển ổn định của cả cảng hàng không, bao gồm tất cả các thành tố khu bay và các hạng mục thương mại khác.
Không phải Cảng hàng không nào cũng mang lại nguồn lợi trực tiếp. Nhà nước phải duy trì toàn bộ các cảng, trong đó có những cảng hàng không địa phương chỉ mang lại hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương chứ không cho lợi ích của chính cảng hàng không đó.
Trước đó, trao đổi với PV Dân Việt về việc chấp thuận phương án giao ACV làm nhà đầu tư xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp xác nhận đã chấp thuận phương án chọn ACV làm nhà đầu tư dự án này.
Ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết: “Việc chọn ACV đã tuân thủ quy định của pháp luật, không ai có thể làm sai cả. Đồng thời, quá trình này đều có chỉ đạo xuyên suốt từ các cấp”.
Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có văn bản gửi Bộ GTVT đồng ý phương án đề xuất của Bộ GTVT, giao ACV - Người khai thác cảng làm chủ đầu tư thực hiện dự án bằng nguồn vốn doanh nghiệp.
Cụ thể, ACV là doanh nghiệp hoạt động theo mô hình CTCP với tỷ lệ vốn nhà nước chi phối gần như tuyệt đối (95,4%), có năng lực, kinh nghiệm trong đầu tư, quản lý, khai thác các cảng hàng không, sân bay, có nguồn lực tài chính đảm bảo nhu cầu vốn của dự án.
Trong trường hợp ACV được Thủ tướng chấp thuận đầu tư, Uỷ ban quản lý vốn đề nghị ACV thực hiện trình tự, thủ tục, quyết định chủ trương đầu tư theo đúng quy định của Luật Đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan.
Thế Anh (Dân Việt) 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.