Vẹn nguyên phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mỗi dịp tháng 4 về, những cựu chiến binh huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử lại bồi hồi nhớ về một thời oanh liệt đã qua. Trở về với cuộc sống đời thường, họ tiếp tục cống hiến cho địa phương, bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Hải Khăng (SN 1948, trú tại thôn 8, xã Chơ Long) kể: Quê ông ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Tháng 6-1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ. Sau khi huấn luyện, ông cùng đồng đội hành quân vào chiến trường miền Nam và được bổ sung vào một đơn vị đặc công chiến đấu tại Bình Long, Phước Long (nay là tỉnh Bình Phước).

Tại đây, đơn vị của ông tổ chức nhiều trận đánh vào ban đêm nhằm tiêu hao sinh lực địch. Đặc biệt, vào đêm 3-9-1969, ông cùng đồng đội bí mật đánh vào Tổng kho Long Bình, Biên Hòa. Đây là kho hậu cần chứa nhiều vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh hiện đại của quân đội Mỹ.

Tổng kho Long Bình được xây dựng, phòng thủ rất chặt chẽ, xung quanh bao bọc nhiều lớp rào kẽm gai cùng nhiều tuyến hào nối các lô cốt với nhau. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm, ông cùng đồng đội đánh nhiều hướng, sử dụng đánh bộc phá, súng B40, B41 để tấn công khiến quân địch chịu nhiều tổn thất.

“Đầu tháng 4-1975, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ phối hợp tác chiến cùng bộ đội chủ lực của ta đánh chiếm Biên Hòa. Thời điểm này, tất cả đều hướng về mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nên mọi người đều sục sôi khí thế quyết chiến, quyết thắng.

Đúng trưa ngày 30-4-1975, toàn bộ khu trung tâm bộ máy chính quyền ngụy tại Biên Hòa đều bị quân ta đánh chiếm. Sau đó, tỉnh Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai) được hoàn toàn giải phóng. Lúc bấy giờ, nghe tin lá cờ của ta tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, tất cả chúng tôi hạnh phúc vô cùng. Vậy là, Chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc”-ông Khăng nhớ lại.

Trở về với cuộc sống đời thường, ông Nguyễn Hải Khăng tích cực lao động sản xuất và trở thành hội viên cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi của huyện. Ảnh: R.H

Trở về với cuộc sống đời thường, ông Nguyễn Hải Khăng tích cực lao động sản xuất và trở thành hội viên cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi của huyện. Ảnh: R.H

Năm 1976, sau khi trở về Hải Dương, ông Khăng được cấp ủy, chính quyền cử đi học rồi tham gia công tác tại địa phương. Năm 2001, gia đình ông chuyển vào xã Chơ Long sinh sống. Phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, ông luôn nỗ lực trong cuộc sống và trở thành điển hình phát triển kinh tế tại địa phương.

“Hồi mới vào xã Chơ Long, cuộc sống gia đình tôi gặp vô vàn khó khăn. Với ý chí của người lính Cụ Hồ, tôi tích cực lao động, tìm tòi, học hỏi các mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả rồi áp dụng vào vườn rẫy của gia đình. Hiện nay, gia đình tôi sở hữu 5 ha đất trồng nhãn, mãng cầu… và đào ao nuôi cá. Sau khi trừ chi phí đầu tư, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập hơn 250 triệu đồng”-ông Khăng chia sẻ.

Tương tự, khi nhắc đến những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Nguyễn Phong Hoa (SN 1965, trú tại thôn 9, xã Yang Trung) lại trào dâng niềm tự hào. Ông Hoa quê ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Tháng 2-1975, ông nhập ngũ và được biên chế về Tiểu đoàn 1201, Trung đoàn 567, Sư đoàn 325. Đầu tháng 4-1975, ông cùng đồng đội nhận lệnh khẩn cấp vào thực hiện nhiệm vụ tại chiến trường miền Nam. Sau đó, ông được biên chế vào Đoàn 2100 thuộc lực lượng của Bộ Quốc phòng.

“Nhiệm vụ của chúng tôi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là đi sau Quân Giải phóng để bảo vệ các vị trí do quân ta vừa đánh chiếm, không để địch tái chiếm; truy bắt tàn quân và phối hợp với lực lượng khác quản lý, cải tạo các đối tượng ngụy quân, ngụy quyền tại căn cứ Long Giao, tỉnh Long Khánh (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Đồng thời, sẵn sàng phục vụ Quân Giải phóng khi có mệnh lệnh.

Thời điểm đó, do phần lớn chúng tôi là chiến sĩ trẻ, chưa được phong quân hàm nên việc quản lý, cải tạo các đối tượng ngụy quân, ngụy quyền gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tôi cùng đồng đội đã khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”-ông Hoa chia sẻ.

Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yang Trung, ông Nguyễn Phong Hoa có nhiều đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Ảnh: R.H

Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yang Trung, ông Nguyễn Phong Hoa có nhiều đóng góp vào sự phát triển của địa phương. Ảnh: R.H

Sau khi đất nước thống nhất, ông Hoa được biên chế về Trung đoàn 316 (Binh đoàn 23, Quân khu 7). Sau đó, ông phục viên mang quân hàm thượng sĩ và trở về Hải Dương sinh sống. Đến năm 1996, ông cùng gia đình vào xã Yang Trung xây dựng kinh tế mới. Cùng với việc nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, ông tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do địa phương tổ chức. Vì vậy, từ năm 2014 đến nay, ông được bầu làm Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Yang Trung.

“Tôi đã tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền nhiều giải pháp bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ của Hội. Đồng thời, vận động hội viên phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia lao động sản xuất. Vừa qua, chúng tôi đã thành lập Câu lạc bộ Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi xã Yang Trung. Tôi cũng thường xuyên phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền cho người dân, các cháu học sinh trên địa bàn xã về lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc”-ông Hoa cho hay.

Ông Phạm Văn Hiền-Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Kông Chro-thông tin: Hội Cựu chiến binh huyện có 1.822 hội viên sinh hoạt tại 14 xã, thị trấn. Thời gian qua, ông Hoa và ông Khăng đều nhiệt tình tham gia các phong trào, cuộc vận động của Hội và chính quyền địa phương.

Ngoài ra, 2 ông cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Có thể bạn quan tâm

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Pleiku khóa XII

Khai mạc kỳ họp thứ 17 HĐND TP. Pleiku khóa XII

(GLO)- Sáng 19-12, tại Hội trường 19-5, HĐND TP. Pleiku khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) đã khai mạc kỳ họp thứ 17 để đánh giá tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025 và quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (bìa phải) và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Bernama

Thủ tướng Malaysia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan làm cố vấn không chính thức vào năm 2025

(GLO)- Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại TP. Putrajaya (Malaysia), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thông báo đã bổ nhiệm ông Thaksin Shinawatra làm cố vấn không chính thức vào năm 2025 khi Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.

Hội Cựu chiến binh xã Ia Kdăm vận động người dân chung tay thực hiện mô hình “Đường cờ Tổ quốc”. Ảnh: V.C

Ia Pa nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”

(GLO)- Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) đã cụ thể hóa phong trào bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư.

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

Đồn Biên phòng Ia Mơ vững vàng thế trận lòng dân

(GLO)- Với phương châm “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, Đồn Biên phòng Ia Mơ luôn chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) triển khai nhiều hoạt động củng cố, phát huy thế trận lòng dân ở khu vực biên giới.