Đại úy Nguyễn Văn Luân: Tỏa sáng phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng Ia Lốp chưa lâu, song Đại úy Nguyễn Văn Luân-Đội trưởng Vận động quần chúng đã trở nên thân thuộc với người dân làng Ring và làng Khôn của xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông.

Anh luôn chủ động tiếp cận, trao đổi và phối hợp giúp đỡ người dân trong cuộc sống, góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân dân.

Thầy giáo “quân hàm xanh”

Trước thực trạng nhiều người dân ở làng Khôn (trước đây là cụm dân cư suối Khôn) bị mù chữ và tái mù chữ, Đảng ủy-Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo Đồn Biên phòng Ia Lốp phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát, nắm bắt tình hình để triển khai kế hoạch giúp bà con xóa mù chữ. Đội Vận động quần chúng được giao nhiệm vụ quan trọng này.

Đại úy Luân cho hay: “Qua nắm bắt tình hình, chúng tôi nhận thấy nhiều người muốn đến lớp để học chữ nhưng còn tâm lý tự ti, e ngại. Có người thì ngại vì lớn tuổi, có người lại không sắp xếp được thời gian, không có người trông giữ con...

Với mỗi trường hợp, chúng tôi đều ngồi lại trao đổi, giải thích để bà con hiểu cần phải học chữ, biết chữ để nâng cao hiểu biết, giúp đỡ rất nhiều cho bản thân trong cuộc sống, như trong việc liên quan đến giấy tờ tùy thân, làm hồ sơ khám-chữa bệnh, đất đai, vay vốn”.

Tháng 4-2023, lớp xóa mù chữ đợt 1 được mở ngay tại nơi làm việc của Đội Công tác địa bàn do 2 cán bộ, nhân viên Đội Vận động quần chúng phụ trách đứng lớp. “Lớp học có 15 người, phần đông là nữ, tuổi từ 35 đến 40. Tôi phụ trách dạy môn Toán, còn Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Vũ Văn Hoằng-Nhân viên Vận động quần chúng phụ trách dạy môn Tiếng Việt.

Để người học dễ hiểu, chúng tôi sử dụng các hình ảnh trực quan, lấy ví dụ minh họa gắn với cuộc sống hàng ngày. Qua mỗi buổi học, chúng tôi ngồi lại trao đổi với bà con về phương pháp dạy để điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời trò chuyện, lồng ghép tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để vừa làm phong phú bài học, vừa tạo tâm lý thoải mái cho người học vui vẻ khi đến lớp”-Đại úy Luân chia sẻ.

Đại úy Nguyễn Văn Luân dạy lớp xóa mù chữ cho người dân làng Khôn, xã Ia Mơr (ảnh nhân vật cung cấp).

Đại úy Nguyễn Văn Luân dạy lớp xóa mù chữ cho người dân làng Khôn, xã Ia Mơr (ảnh nhân vật cung cấp).

Sau 4 tháng triển khai, lớp học đã hoàn thành với kết quả đáng khích lệ. Người học đã có thể đọc, viết, nói và nghe hiểu ở mức độ căn bản; làm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia ở mức đơn giản. Ngay sau đó, đơn vị triển khai lớp xóa mù đợt 2 với 10 người tham gia và cũng đã hoàn thành vào cuối năm 2023.

Sau khi tham gia lớp xóa mù chữ, chị Rơ Lan Cúc (27 tuổi, làng Khôn) đã có thể đọc và viết được những câu đơn giản. Chị Cúc phấn khởi nói: “Trước đây, vì nhà nghèo, đông con nên mình học chưa hết lớp 2 thì nghỉ theo bố mẹ lên rẫy. Lớn lên lấy chồng, sinh con, vì mình không biết chữ nên rất bất tiện.

Vậy nên khi có lớp học, mình đăng ký ngay. Mình nhờ chồng giữ con để đi học. Hôm nào chồng bận thì đem theo con đi học cùng. Khi về nhà, mình cũng tranh thủ học thêm. Mình muốn biết nhiều chữ, có thể đọc, hiểu để tránh bị đối tượng xấu lừa đảo, lợi dụng”.

Cán bộ năng nổ, trách nhiệm

Đại úy Luân về công tác tại Đồn Biên phòng Ia Lốp từ cuối năm 2022. Trước đó, anh có 3 năm (2015-2018) công tác tại Đồn Biên phòng Hòa Minh (tỉnh Bình Thuận). Tiếp đó, anh có 3 năm công tác tại Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh), 2 năm làm Trợ lý Tuyên huấn của Phòng Chính trị (Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh).

Trong 9 năm công tác, trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, song với phương châm không ngại khó, ngại khổ, nỗ lực học hỏi từ đồng chí, đồng đội và dành thời gian nghiên cứu các văn bản, chính sách để nắm chắc vấn đề, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị, Đại úy Luân luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

“Khi tiếp xúc với chiến sĩ hay người dân tại địa bàn, tôi luôn chân thành, cởi mở. Đối với chiến sĩ thì nắm bắt tư tưởng, tình cảm, động viên họ vượt qua khó khăn, nỗ lực học tập, rèn luyện. Với người dân thì lắng nghe và tôn trọng ý kiến.

Trên cơ sở đó nắm chắc tình hình địa bàn, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để tham mưu cho địa phương và chỉ huy đơn vị giải quyết hiệu quả, kịp thời các vấn đề phát sinh; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”-Đại úy Luân chia sẻ thêm.

Nói về đặc thù của từng địa bàn, Đại úy Luân cho biết: Làng Ring còn 6 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo. Làng có tổ tự quản đường biên cột mốc và tổ tự quản an ninh trật tự thường xuyên tuần tra, bảo vệ đường biên mốc giới và an ninh trật tự.

Làng Khôn vừa được thành lập vào tháng 12-2023 nên còn nhiều khó khăn. Qua khảo sát, làng có 106 hộ dân với 561 khẩu, trong đó, hộ Jrai chiếm trên 83%. Làng hiện còn 19 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo.

Với nhiều hình thức khác nhau, năm 2023, Đội đã tập trung tuyên truyền để người dân nắm vững Luật Biên phòng Việt Nam, Nghị định số 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới; vận động người dân không lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ...

Bên cạnh đó, Đội duy trì hiệu quả các chương trình, mô hình như: “Con nuôi đồn Biên phòng”, “Nâng bước em đến trường”, đảng viên phụ trách hộ gia đình; tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị, chính quyền địa phương giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; phối hợp với các lực lượng, cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát người, phương tiện ra vào, hoạt động trong khu vực biên giới, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn đơn vị quản lý.

Đại úy Nguyễn Văn Luân tuyên truyền, vận động người dân làng Khôn. Ảnh: P.D

Đại úy Nguyễn Văn Luân tuyên truyền, vận động người dân làng Khôn. Ảnh: P.D

Được phân công phụ trách giúp đỡ 3 hộ dân ở làng Khôn, Đại úy Luân thường xuyên gặp gỡ, động viên các gia đình; giúp ngày công lao động thu hoạch nông sản, làm hàng rào, đào hố rác.

Anh Kpăh Sáu bộc bạch: “Tuần nào Đại úy Luân cũng ghé nhà hỏi han chuyện trồng lúa, chăm sóc cây mì, rồi chuyện học hành của lũ trẻ. Nhà mình trồng 8 sào lúa rẫy, 5 sào mì. Năm vừa rồi, mình vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua phân bón. Có bộ đội Biên phòng thường xuyên động viên, giúp đỡ, gia đình mình yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế”.

Trao đổi với P.V, Trung tá Nguyễn Văn Thành-Chính trị viên Đồn Biên phòng Ia Lốp-nhận xét: Đồng chí Nguyễn Văn Luân là cán bộ năng lực công tác tốt và luôn năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm.

Trên cương vị Đội trưởng Vận động quần chúng, đồng chí luôn sâu sát cơ sở, chủ động tìm tòi, học hỏi tham mưu, đề xuất cho cấp ủy, chỉ huy Đồn nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động cũng như các chương trình, mô hình đơn vị đang triển khai thực hiện; đồng thời tạo sự đoàn kết nội bộ trong thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Năm 2023, đồng chí Luân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác vận động quần chúng.

Có thể bạn quan tâm

Những người con ưu tú của xã Ayun anh hùng

Những người con ưu tú của xã Ayun anh hùng

(GLO)- Không chỉ anh dũng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các ông Siu Đôm và Đinh A Nhur (xã Ayun, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) còn có nhiều đóng góp trong quá trình tái thiết, xây dựng quê hương sau ngày giải phóng. Họ là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập, noi theo.

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”

(GLO)- Nhiều năm qua, ông Trần Ngọc Dũng (SN 1967, trú tại 85/17 Sư Vạn Hạnh, TP. Pleiku) đã trở thành người dạy thư pháp cho trẻ mồ côi, bị câm điếc, tự kỷ… để các em tự tin vươn lên trong cuộc sống. Ông rất tâm đắc với câu thơ của Tố Hữu: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Thầy Vũ Văn Tùng (hàng sau, thứ 3 từ trái sang, người phụ trách "Tủ bánh mì 0 đồng") phối hợp với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám trao học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi của trường. Ảnh: Văn Tùng

Tủ bánh mì 0 đồng trao học bổng “Vì em hiếu học”

(GLO)- Sáng 29-4, thầy Vũ Văn Tùng-người phụ trách "Tủ bánh mì 0 đồng" phối hợp với Ban Giám hiệu Trường Tiểu học và THCS Lê Văn Tám (xã Đăk Pơ Pho, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) tổ chức lễ trao học bổng “Vì em hiếu học” cho học sinh vượt khó học giỏi của trường.

Hòa bình đẹp lắm!: Thế hệ trẻ viết tiếp bản hùng ca dân tộc trong kỷ nguyên mới

Hòa bình đẹp lắm!: Thế hệ trẻ viết tiếp bản hùng ca dân tộc trong kỷ nguyên mới

50 năm đất nước thống nhất, thế hệ trẻ tự hào, biết ơn và hạnh phúc khi được sinh ra trong hòa bình, độc lập. Hòa bình hôm nay thật đẹp! Lớp lớp thế hệ thanh niên VN nguyện gìn giữ và quyết tâm tiếp nối những tượng đài thanh xuân bất tử để dựng xây, phát triển và cùng đất nước vươn mình.

Lưu học sinh Lào và tình yêu dành cho Pleiku

Lưu học sinh Lào và tình yêu dành cho Pleiku

(GLO)- “Gia Lai cho chúng em cảm giác thân thuộc như ở quê nhà. Người dân nơi đây luôn yêu thương, giúp đỡ lưu học sinh Lào. Nếu lựa chọn lại, em vẫn sẽ chọn sang đây du học”-Sidavong Sinnakhone-Sinh viên năm thứ 2 thuộc Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai-vui vẻ nói.

Tuổi trẻ Báo Gia Lai và BIDV ôn lại lịch sử qua bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”

Tuổi trẻ Báo Gia Lai và BIDV ôn lại lịch sử qua bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”

(GLO)- Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), ngày 27-4, tại Touch Cinema (TP. Pleiku), Chi đoàn Báo Gia Lai và Đoàn Thanh niên BIDV Gia Lai đã cùng nhau ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc qua bộ phim “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”.