Ứng dụng AI trong thương mại điện tử: Nhiều lợi ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tối ưu hóa trải nghiệm người dùng, tăng khả năng dự đoán xu hướng tiêu dùng, hỗ trợ thiết kế và triển khai các chương trình marketing là những lợi ích khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT).

Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: “Toàn tỉnh hiện có 139 xã (chiếm gần 75% số xã toàn tỉnh) có thương nhân thực hiện hoạt động bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trực tuyến; khoảng 20% doanh nghiệp có giao dịch TMĐT, tiến hành hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT, mạng xã hội, website thương mại bán hàng, các ứng dụng TMĐT bán hàng; 40% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động”.

Hội thảo xúc tiến thương mại bán hàng trên nền tảng TikTok thu hút đông đảo chủ thể OCOP trong tỉnh tham gia. Ảnh: V.T

Hội thảo xúc tiến thương mại bán hàng trên nền tảng TikTok thu hút đông đảo chủ thể OCOP trong tỉnh tham gia. Ảnh: V.T

Tuy nhiên, theo ông Binh, hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia bán hàng qua các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Zalo, TikTok) hay các sàn TMĐT (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Voso, Postmart...) còn thấp. Mặt hàng trên sàn TMĐT của các doanh nghiệp, cơ sở phần lớn là hàng thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng thông thường. Những mặt hàng nông sản chủ lực của địa phương như: cà phê, hồ tiêu, hạt điều, mắc ca, mật ong... chiếm tỷ trọng nhỏ.

Nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin còn hạn chế; khả năng quản trị website, thao tác trên các sàn TMĐT, kỹ năng ứng dụng các phần mềm chăm sóc khách hàng, quản lý đơn hàng, chiến lược bán hàng, marketing, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp còn chưa cao.

Thời gian qua, ngành Công thương đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đẩy mạnh ứng dụng TMĐT. Các giải pháp về công nghệ, trong đó có ứng dụng AI vào hoạt động kinh doanh kênh online đã trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho người sản xuất kinh doanh trong hoạt động của mình. Việc ứng dụng AI đang dần trở thành xu hướng tất yếu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh.

Nhận thấy sự cần thiết của việc ứng dụng AI vào hoạt động kinh doanh, bà Trần Thị Bé-Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Trần Lâm Gia Phát (TP. Pleiku) đã nhanh chóng tiếp cận công nghệ mới này và thật sự bất ngờ với hiệu quả mà nó mang lại.

Bà Bé cho hay: Khi bán hàng qua kênh online, nhất là bán trên mạng xã hội Facebook, TikTok hay các sàn TMĐT thì việc ứng dụng AI rất hiệu quả. AI được lập trình ngôn ngữ nên chỉ cần đưa ra một vài từ khóa về sản phẩm ngay lập tức sẽ nhận được một bài giới thiệu về sản phẩm đó. Điều này giúp người bán hoàn thiện bài quảng cáo, giới thiệu một cách cụ thể và đa dạng hơn về sản phẩm. Việc tự động trả lời tin nhắn với ngôn ngữ chỉn chu sẽ tạo ấn tượng tốt với khách hàng khi kinh doanh qua mạng. Từ đó, người bán tiết kiệm được thời gian và chi phí cho nhân sự.

“Với ứng dụng AI, tôi có thể tìm hiểu về sở thích, nhu cầu dùng sản phẩm của khách hàng. Dù chưa thật sự phổ thông để mọi người kinh doanh online biết và ứng dụng vào thực tế nhưng khi dùng AI để viết content hoặc xây dựng kịch bản quảng bá sản phẩm thì hiệu quả mang lại rất bất ngờ”-bà Bé nói.

Còn theo chị Phạm Thị Bình (xã Ia Vê, huyện Chư Prông): “AI có thể phân tích các dữ liệu để tìm ra những xu hướng, thông tin quan trọng về đối tượng khách hàng, đưa ra dự đoán về các xu hướng tiêu dùng mới giúp tôi có chiến lược kinh doanh và marketing phù hợp.

Ví dụ khi tôi nói làm thế nào để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng về một số thực phẩm liên quan đến sức khỏe được làm từ nguyên liệu thiên nhiên sẵn có ở địa phương mình như: trà sả chanh, trà mãng cầu, bánh granola… thì AI sẽ gợi ý việc khoanh vùng địa lý rõ ràng. Từ đó, tôi có thể tham khảo để đưa ra các chiến lược marketing phù hợp với đối tượng người dùng”.

Việc đẩy mạnh bán hàng qua kênh online để tăng khả năng tiếp cận khách đã giúp nhiều cơ sở tìm kiếm đầu ra ổn định. Ảnh: Vũ Thảo

Việc đẩy mạnh bán hàng qua kênh online để tăng khả năng tiếp cận khách đã giúp nhiều cơ sở tìm kiếm đầu ra ổn định. Ảnh: Vũ Thảo

Hiện nay, AI có thể được sử dụng để tăng cường trải nghiệm người dùng trong TMĐT thông qua việc phân tích dữ liệu từ việc chọn mua sản phẩm, tần suất mua hàng, giá trị đơn hàng, thời điểm mua hàng, lịch sử tìm kiếm, tương tác với người bán để dự đoán hành vi mua hàng trong tương lai.

Bên cạnh đó, dựa trên việc phân tích dữ liệu đa kênh từ nhiều nguồn khác nhau như mạng xã hội nhằm hiểu rõ hơn về khách hàng như thông tin về độ tuổi, giới tính, vùng địa lý cũng như hành vi, sở thích, xu hướng tiêu dùng của khách hàng để có đề xuất sản phẩm phù hợp, điều chỉnh các chiến lược marketing, tránh việc lãng phí do tiếp cận không đúng đối tượng khách hàng.

Mặt khác, AI có thể được sử dụng để tự động hóa các quy trình trong TMĐT, từ việc đặt hàng, kiểm tra, thanh toán, vận chuyển, dịch vụ chăm sóc khách hàng. AI cũng có thể phát hiện các hành vi gian lận, các mối đe dọa an ninh, bảo vệ thông tin cá nhân trong các giao dịch trực tuyến.

Đặc biệt, với nhiều người bán, thay vì trước đây khi chuẩn bị 1 Email phải nhờ nhân sự của công ty làm, nay đã có AI hỗ trợ làm thay, có thể soạn một mẫu Email chào hàng. AI cũng có thể lên ý tưởng làm video nhằm quảng bá cho thương hiệu sản phẩm theo hướng gần gũi nhất để giới thiệu đến khách hàng, giúp họ có cái nhìn toàn diện hơn về sản phẩm, từ đó tạo ấn tượng và tăng cảm nhận về sản phẩm.

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.