Tỷ phú Phạm Nhật Vượng Tết to,người bạn 'Đông Âu' chốt vụ 2.000 tỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các tỷ phú trúng đậm cận Tết với số tiền hàng nghìn tỷ. Năm 2019 cũng là năm tuổi của nhiều doanh nhân như Đặng Lê Nguyên Vũ, Tô Như Toàn, Nguyễn Xuân Phú,...


"Năm tuổi" của nhiều doanh nhân

Năm Hợi là năm tuổi của nhiều doanh nhân, trong đó có “vua cà phê Việt” Đặng Lê Nguyên Vũ. Ông Vũ đang vướng vào vụ ly hôn nghìn tỷ. Về cơ bản, cuộc ly hôn gây tranh cãi này đã đi đến hồi kết, những tranh chấp nảy sinh cũng đã được Tòa án phán quyết song “tai tiếng” mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo để lại còn được nhắc đến trong năm 2019 .

Hay 2019 cũng là năm tuổi của ông Tô Như Toàn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest (VPI). Văn Phú Invest được biết đến là một đại gia địa ốc, là chủ đầu tư của nhiều dự án BĐS “đình đám” nhưng cũng không ít tai tiếng, kiện cáo của cư dân.

 

 



Với doanh nhân tuổi Tân Hợi Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Sunhouse - người có kinh nghiệm 18 năm kinh doanh hàng gia dụng, từng tự tin rằng "chưa tháng nào lỗ, chưa công ty nào lỗ", 2019 cũng là năm tuổi.

Ngoài ra, danh sách doanh nhân dính "năm tuổi" còn có Tổng giám đốc Điện Quang Hồ Quỳnh Hưng. Hiện giá trị tài sản của ông Hưng đạt 69,75 tỷ đồng và đứng vị trí 438 trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng ăn Tết to

CTCP Vinhomes (VHM) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4 và cả năm 2018 với rất nhiều con số ấn tượng. Trong năm 2018, lợi nhuận sau thuế của Vinhomes tăng hơn 9,4 lần so với năm 2017 lên gần 14,8 ngàn tỷ đồng; doanh thu cũng tăng gấp 2,5 lần, lên 38,8 ngàn tỷ đồng.

Gần như tất cả các số liệu kinh doanh của Vinhomes đều tốt. Tổng tài sản của công ty từ mức 2,2 tỷ USD tăng lên hơn 5 tỷ USD. Vốn chủ sở hữu tăng từ 10 ngàn tỷ đồng lên trên 48 ngàn tỷ đồng.

Bất động sản vẫn là mảng sinh lời chủ yếu cho Vingroup. Năm 2018, ông Vượng đã tách mảng bất động sản thành thương hiệu Vinhomes (VHM) và đưa hàng tỷ cổ phiếu VHM lên sàn. Vinhomes trở thành DN địa ốc số 1 Việt Nam với tổng vốn hóa có lúc ước tính lên tới gần 15 tỷ USD.

Vụ Tết 2.000 tỷ của ông lớn gốc Huế

Sau bao năm chấp nhận ẩn mình, doanh nghiệp của tỷ phú kín tiếng Hồ Hùng Anh vụt bước lên số một. Đại gia gốc Thừa Thiên - Huế không chỉ giàu ngang ngửa với nữ tỷ phú USD Nguyễn Thị Phương Thảo mà còn giàu gấp 10 lần so với người đứng vị trí tiếp theo trong lĩnh vực ngân hàng. Ông Hùng Anh cũng là người bạn có gốc khởi nghiệp Đông Âu cùng với ông Vượng, ngân hàng của ông cũng cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ cho Vingroup.

Ông Hồ Hùng Anh hiện nắm giữ hơn 39 triệu cổ phiếu TCB, gián tiếp sở hữu gần 250 triệu cổ phiếu Masan (MSN) với tổng cộng tài sản quy từ cổ phiếu trị giá gần 21 ngàn tỷ đồng.


 

 



Bên cạnh đó, vợ và mẹ ông Hùng Anh mỗi người nắm giữ hơn 174 triệu cổ phiếu TCB, tương đương khoảng 5%/người. Em gái ông Hùng Anh sở hữu gần 115 triệu TCB; con trai sở hữu hơn 93 triệu. Đó là chưa kể số cổ phiếu Masan (MSN) mà nhà ông Hùng Anh nắm giữ.

Tổng cộng, nhà ông Hồ Hùng Anh có thể nắm giữ khoảng 600 triệu cổ phiếu TCB trên tổng cộng khoảng 3,57 tỷ cổ phiếu TCB đang lưu hành, tương đương 17% vốn điều lệ của ngân hàng Techcombank.

Tết vui với ông Trương Gia Bình

Kết thúc năm 2018, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT lần lượt đạt 23.214 tỷ đồng và 3.852 tỷ đồng, tương đương 106% và 111% kế hoạch cả năm. Khối Công nghệ ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt 13.395 tỷ đồng và 1.519 tỷ đồng, tăng tương ứng 21% và 34% so với cùng kỳ, tương đương 110% và 104% kế hoạch năm.


 

 



Bất chấp sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT. Năm 2018, thị trường nước ngoài mang về cho FPT của chủ tịch Trương Gia Bình 9.097 tỷ đồng doanh thu, tăng 26% và 1.472 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 27% so với năm trước. Tỷ trọng doanh thu thị trường nước ngoài trong tổng doanh thu FPT tăng từ 16% năm 2017 lên 39% trong năm 2018.

Với chiến lược tập trung vào chuyển đổi số, doanh thu mảng dịch vụ này tại thị trường nước ngoài mang lại 1.679 tỷ đồng cho FPT, tăng 31%, chiếm 20% tổng doanh thu xuất khẩu phần mềm.

Bầu Đức mang 1.028 tỷ đi trồng chuối

Cái bắt tay giữa bầu Đức và tỷ phú Trần Bá Dương đã giúp Hoàng Anh Gia Lai có thêm tiền để giải quyết nợ nần, đồng thời đẩy mạnh những dự án nông nghiệp. Theo kế hoạch ban đầu, công ty dành 780 tỷ đồng để trồng mới và chăm sóc vườn chuối, 357 tỷ đồng trồng ớt và 1.080 tỷ đồng tái cơ cấu tài chính.

Song do đơn đặt hàng chuối từ các thị trường xuất khẩu liên tục tăng, cộng thêm điều kiện trồng chuối thuận lợi hơn so với ớt nên công ty đã tập trung nguồn lực cho loại cây này. Tính đến cuối năm 2018, HAGL Agrico đã đầu tư trồng mới 5.275 ha chuối với số vốn 1.028 tỷ đồng và giảm diện tích trồng ớt còn 610 ha với số vốn 109 tỷ đồng. Nguồn vốn dành cho tái cơ cấu tài chính không thay đổi.

Năm 2018, doanh thu thuần của HAGL Agrico đạt 3.696 tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm trước đó. Đáng chú ý, khoản lỗ khác của công ty ở mức 722 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm 2017.

Nguyên nhân là công ty ghi nhận chi phí chuyển đổi vườn cây và các khoản khác 610 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lỗ thanh lý tài sản cổ định là 72,7 tỷ đồng. Kết quả là HAGL Agrico của Bầu Đức báo lỗ 644 tỷ đồng trong cả năm 2018.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo mong chồng về

Ngày 29/1, TAND TP HCM đã hoãn phiên xử ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ (47 tuổi, chồng của bà Thảo, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn cà phê Trung Nguyên) và bà Lê Hoàng Diệp Thảo (46 tuổi).


 

 



Trong chia sẻ của mình, bà Lê Hoàng Diệp Thảo lúc nào cũng cho thấy một lòng hướng về chồng. Giữa thời điểm khi Tết đến, xuân về như thế này, như bao người phụ nữ khác, bà cũng mong muốn gia đình mình được đoàn tụ, sum vầy.

Cộng đồng mạng đang rộ lên thông tin ông Đặng Lê Nguyên Vũ mới tậu thêm bộ đôi siêu xe  Mercedes-AMG G63 Edition 1.

Cựu Chủ tịch PVN Đinh La Thăng biết sai vẫn làm

Ông Đinh La Thăng bị cơ quan điều tra tiếp tục cáo buộc biết rõ liên danh nhà thầu PVC/Alfa không đủ năng lực nhưng vẫn chỉ đạo giao cho gói thầu tại dự án nghìn tỷ Ethanol Phú Thọ và gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án, trước đó, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét nơi ở hàng loạt lãnh đạo Công ty PVB (Công ty Cổ phần Hóa dầu và nhiên liệu sinh học dầu khí): Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Phó trưởng Phòng Đầu tư dự án Công ty PVB; Khương Anh Tuấn, nguyên Phó trưởng Phòng Thương mại Công ty PVB; Hoàng Đình Tâm, nguyên Trưởng phòng Tài chính, Kế toán Công ty PVB.

Đồng thời, khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú và khám xét nơi ở đối với: Lê Thanh Thái, Trưởng phòng Thương mại Công ty PVB. Vũ Thanh Hà, nguyên Tổng Giám đốc PVB cũng đã bị bắt khởi tố bắt tạm giam.

 

Bảo Anh (Tổng hợp/VIE)

Có thể bạn quan tâm

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Nhà máy Đường An Khê triển khai vụ ép mía 2024-2025. Ảnh: Ngọc Minh

Nhà máy Đường An Khê triển khai vụ ép mía 2024-2025

(GLO)- Sáng 27-11, Nhà máy Đường An Khê (tỉnh Gia Lai) triển khai công tác chuẩn bị vào vụ ép mía 2024-2025; phát động ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông đối với Nhà máy Đường An Khê, cá nhân kinh doanh vận tải niên vụ mía 2024-2025.

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.