Tương phản Trump - Harris cuối chặng đua vào Nhà Trắng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trong giai đoạn cuối của vận động tranh cử, bà Kamala Harris và ông Donald Trump nỗ lực đưa ra những thông điệp thuyết phục nhất.

Chỉ còn một tuần trước ngày bầu cử chính thức, cuộc đua vào Nhà Trắng trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết, khi Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm 29.10 đưa ra thông điệp cuối tại nơi cựu Tổng thống Donald Trump phát biểu trước khi xảy ra vụ bạo loạn Đồi Capitol hôm 6.1.2021. Cùng ngày, ông Trump vận động tại Pennsylvania, tìm thêm những lá phiếu quan trọng tại bang chiến địa.

Hai viễn cảnh

Tại công viên Ellipse ở Washington D.C, bà Harris cảnh báo ông Trump sẽ "tung đòn trả thù" các đối thủ chính trị, kể cả thường dân. "Trong chưa đầy 90 ngày nữa, ông Trump hoặc tôi sẽ vào phòng Bầu dục. Vào ngày đầu tiên nếu đắc cử, ông Trump sẽ bước vào đó với danh sách kẻ thù. Nếu được bầu, tôi sẽ bước vào với danh sách những điều ưu tiên mà tôi sẽ hoàn thành cho người dân Mỹ", CNN dẫn lời bà phát biểu. Bà mô tả cuộc bầu cử là sự lựa chọn sống còn giữa tự do mà bà cam kết bảo vệ với "sự hỗn loạn và chia rẽ" mà bà cho là sẽ xảy ra nếu ông Trump trở lại Nhà Trắng. Trong bài phát biểu khoảng 30 phút, Phó tổng thống cam kết sẽ mở rộng chương trình bảo hiểm Medicare, bảo vệ quyền lựa chọn sinh sản của phụ nữ và "coi trọng sự thỏa hiệp, trong khi ông Trump lại thích mâu thuẫn". Bà nhắc lại ưu tiên của chính quyền cách đây 4 năm là chấm dứt đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, còn thách thức lớn nhất giờ đây là hạ chi phí, vốn tăng từ trước đại dịch.

Bà Harris và ông Trump đang trong chặng đua nước rút vào Nhà Trắng
Bà Harris và ông Trump đang trong chặng đua nước rút vào Nhà Trắng

Tại TP.Allentown (Pennsylvania), ông Trump bắt đầu bài phát biểu với câu ông luôn hỏi tại các cuộc vận động tranh cử trong tuần qua. "Các bạn giờ đây có ổn hơn so với cách đây 4 năm không?", ông phát biểu, hàm ý ca ngợi thành tựu trong nhiệm kỳ trước đây của mình. Đáp lời, đám đông người ủng hộ hô vang "Không". Theo NBC News, trong nhiều tháng, ông Trump và bà Harris đã vạch ra những viễn cảnh khác nhau cho nước Mỹ. Thách thức chung cho cả hai bên là thuyết phục cử tri rằng viễn cảnh của mình là đúng đắn. Cựu tổng thống tập trung nhiều vào cam kết đối phó người nhập cư lậu, giảm giá năng lượng và tăng thuế đối với hàng hóa nước ngoài.

Cuộc đua sít sao

Khi cuộc bầu cử càng đến gần, các cuộc khảo sát vẫn chưa thể hiện ứng viên nào nổi bật hơn. Một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos công bố hôm 29.10 cho thấy tỷ lệ dẫn trước của bà Harris so với ông Trump đã giảm, ở mức 44% so với 43% trong số 1.150 người tham gia. Bà Harris đã dẫn trước trong mọi cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos kể từ khi ra tranh cử tổng thống, dù lợi thế giảm dần từ cuối tháng 9. Đáng chú ý, ông Trump dẫn trước bà Harris về nhiều vấn đề được xem là cấp bách với tỷ lệ 47% - 37% trong cách tiếp cận đối với kinh tế, thất nghiệp và việc làm. Về cách tiếp cận đối với vấn đề nhập cư, ông Trump cũng dẫn trước với tỷ lệ 48% - 33%. Khảo sát phản ánh lợi thế của bà Harris về xử lý vấn đề cực đoan chính trị và mối đe dọa đối với nền dân chủ, với tỷ lệ ủng hộ 40% - 38%. Có 26% xem việc làm và kinh tế là vấn đề cấp bách nhất, so với các vấn đề khác như cực đoan chính trị (24%) và nhập cư (18%).

Một khảo sát khác ở cấp độ toàn quốc cũng cho thấy ông Trump rút ngắn cách biệt. Khảo sát của Công ty Morning Consult (Mỹ) đưa ra ngày 29.10 với sự tham gia của 8.807 người có khả năng bỏ phiếu cho thấy bà Harris dẫn trước với tỷ lệ 50% - 47%, giảm cách biệt 4 điểm phần trăm so với khảo sát tuần trước. Khảo sát cho thấy các cử tri đảng Cộng hòa quan tâm hơn về các vấn đề kinh tế, an ninh quốc gia, tội phạm và nhập cư. Trong khi đó, các cử tri Dân chủ tin tưởng hơn vào các vấn đề chăm sóc sức khỏe, biến đổi khí hậu và quyền phá thai. Về bầu cử sớm, CNN đưa tin hơn 50,5 triệu cử tri đã bỏ phiếu trực tiếp hoặc qua thư.

Tác động của ông Kennedy Jr.

Tòa án Tối cao Mỹ ngày 29.10 bác bỏ đề nghị của cựu ứng viên tổng thống Robert F. Kennedy Jr. về việc loại tên ông khỏi lá phiếu tại 2 bang Wisconsin và Michigan, theo Reuters. Ông Kennedy Jr. từng tranh cử với tư cách ứng viên độc lập nhưng đã rút lui và ủng hộ ông Trump. Ông Kennedy Jr., con trai của cố thượng nghị sĩ Robert Kennedy và là cháu của cố Tổng thống John Kennedy, đã đề nghị tòa án tối cao loại tên ông ở một số bang thiên về đảng Cộng hòa và giữ tên ông tại một số bang thiên về đảng Dân chủ, nhằm tăng phiếu cho ông Trump và lấy phiếu của bà Harris. Michigan và Wisconsin là 2 bang dao động, có sự cạnh tranh gay gắt giữa ứng viên Cộng hòa và Dân chủ. Hồi tháng 9, tòa án tối cao đã bác bỏ đề nghị của ông Kennedy trong việc khôi phục tên ông tại bang New York, bang mà ứng viên Dân chủ thường giành chiến thắng.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim (bìa phải) và Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại cuộc họp báo chung. Ảnh: Bernama

Thủ tướng Malaysia bổ nhiệm cựu Thủ tướng Thái Lan làm cố vấn không chính thức vào năm 2025

(GLO)- Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra tại TP. Putrajaya (Malaysia), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim thông báo đã bổ nhiệm ông Thaksin Shinawatra làm cố vấn không chính thức vào năm 2025 khi Malaysia đảm nhiệm chức Chủ tịch Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á.