CHUYỆN DÂN VẬN MIỀN ĐẠI NGÀN NẮNG GIÓ… KỲ 2:

Từ trung tá Fulro thành già làng uy tín

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đào thoát khỏi hàng ngũ Fulro, trung tá Kră Jăn Ha Xuyên, Tư lệnh Quân khu 4 ngày nào giờ trở thành già làng có uy tín trong cộng đồng ở xã Đạ M'rông, huyện Đam Rông, Lâm Đồng.

Trở về nẻo sáng

Tiếp đón khách trong ngôi nhà và sân vườn rộng rãi ở xã Đạ M’rông (huyện Đam Rông, Lâm Đồng), già làng Kra Jăn Ha Xuyên (73 tuổi, người Cil) phấn khởi tâm sự nếu không sớm rời khỏi hàng ngũ Fulro thì chắc đã bỏ xác giữa rừng sâu, làm gì có nhà cửa, ruộng vườn bề thế như bây giờ. Già kể ngày đó bản thân là một trong số ít người ở vùng này được học chữ và làm giáo viên tiểu học. “Có lẽ vì thấy mình được dân làng tôn trọng nên nhiều người ra sức móc nối, lôi kéo gia nhập tổ chức Fulro. Họ đeo bám mình khắp nơi từ nhà đến trường học; theo chân mình lên rẫy để thuyết phục gia nhập đội quân Fulro, thậm chí viết thư nữa. Họ hứa hẹn rằng người có trình độ như mình sẽ có chức vụ cao khi gia nhập lực lượng, đến ngày chiến thắng sẽ được ra nước ngoài sinh sống, vật chất dư dả”, già Ha Xuyên chia sẻ.

Già làng Ha Xuyên thăm hỏi, hướng dẫn dân làng làm kinh tế

Già làng Ha Xuyên thăm hỏi, hướng dẫn dân làng làm kinh tế

Ha Xuyên gia nhập tổ chức phản động Fulro vào năm 1976, được phong cấp bậc trung tá, từng giữ các chức vụ cao như: Quận trưởng Đam Bur, Quận trưởng Liêng Khàng, Chỉ huy trưởng Trung tâm tiếp viện Quân khu 4 T.Ư Fulro, Tỉnh trưởng tỉnh Lang Biang và Tư lệnh Quân khu 4. “Chức vụ, cấp bậc đầy mình nhưng hữu danh vô thực, không có đồng lương nào và cũng không có trợ cấp gì. Sống chui lủi trong rừng, bẫy thú, bắt cá, đào củ mài, hái lá cây để sống qua ngày. Chòi cũng được dựng tạm bợ bằng cây cỏ; nhiều lúc đói quá, đành lén vào vườn, rẫy của người dân tuốt lúa, bẻ bắp; thèm thuốc thì hái trộm lá cây thuốc để quấn thành điếu, hút tạm”, ông Ha Xuyên chua chát nói.

Bà Liêng Hót Ha Dung (vợ ông Ha Xuyên) cũng cho hay, bà bắt chồng năm 17 tuổi, chưa được bao lâu thì ông trốn lên rừng theo Fulro. Những lúc chồng lén lút về thăm, người vợ trẻ nài nỉ ông trở về với buôn làng nhưng ông không dám. Tiếp lời vợ, ông Ha Xuyên kể: “Sau nhiều lần chứng kiến cảnh băng nhóm Fulro cướp bóc, bức hại người dân, mình quyết tâm đào thoát. Tuy nhiên, tổ chức Fulro đưa chúng tôi sang tỉnh Đắk Lắk rồi qua Campuchia, toàn sống trong rừng nên không biết đường ra. Mặt khác các thành viên trong tổ chức thường xuyên canh chừng nhau nên rất khó bỏ trốn. Đó là chưa kể mặc cảm xấu hổ với buôn làng và sợ bị trả thù. Mãi đến cuối năm 1986, mình cùng 7 người khác mới từ Campuchia trốn về Việt Nam và ra đầu hàng”.

Nhóm người băng rừng cả tháng ròng, vừa đi vừa lẩn trốn, tìm cách xóa dấu vết để không bị bắt lại hoặc thủ tiêu. Cuối cùng họ cũng đến được khu vực núi Langbiang (Lâm Đồng). Ai nấy đều lo lắng nhưng thật bất ngờ lại được đoàn cán bộ, trong đó có lãnh đạo công an tỉnh Lâm Đồng đưa ô tô đến điểm hẹn đón về. Sau khi toán Fulro nộp súng đạn, các cán bộ ân cần hỏi han, động viên và mổ lợn, khui ché rượu cần chúc mừng những người rời bỏ tổ chức phản động trở về buôn làng an toàn.

Trả nghĩa quê hương

Già làng Ha Xuyên trao đổi với công an về tình hình an ninh trật tự ở địa phương

Già làng Ha Xuyên trao đổi với công an về tình hình an ninh trật tự ở địa phương

Theo lời già Ha Xuyên, trên đường ra đầu thú, toán người do ông cầm đầu đã nghĩ tới việc sẽ bị đánh đập, phân biệt đối xử một cách thậm tệ. Thế nhưng, thật bất ngờ, đại tá Vũ Linh (thời điểm đó đang giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng) ôm lấy ông và vỗ vai động viên từng người đã lạc lối, lẩn trốn vào rừng đi theo Fulro hơn 10 năm. “Lúc đó mình khóc rất nhiều vì nhận ra sai lầm quá lớn khi theo Fulro. Mình biết ơn sự đặc ân của chính quyền và công an, tự hứa sẽ trả nghĩa cho quê hương”, già Ha Xuyên tâm sự.

Đồng lúa Đam Rông. Ảnh: Tuấn Cường

Đồng lúa Đam Rông. Ảnh: Tuấn Cường

Chưa đầy một năm sau, Ha Xuyên được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đạ M’rông từ năm 1987-1990. Khi được tin tưởng giao nhiệm vụ, ông sống gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào yêu nước, nỗ lực hết mình đóng góp công sức xây dựng quê hương. Nhờ có vốn kiến thức về thủy lợi, ông được giao về Trạm thủy nông Đam Rông, giữ chức Đội trưởng đội thủy nông phụ trách địa bàn các xã Đạ Tông, Đạ Long và Đạ M’rông từ năm 1990 cho đến lúc nghỉ hưu (năm 2014).

Ở cương vị công tác nào ông cũng phát huy năng lực, tận tâm, tận lực cống hiến hết mình, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được cấp trên tin tưởng, đồng nghiệp quý mến. Song song đó, ông còn được biết đến như người làm kinh tế giỏi của địa phương bởi sở hữu 10ha cà phê, 2ha bắp và lúa nước, 1ha sầu riêng và các loại cây trái; đồng thời làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mỗi năm gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng, con số đáng mơ ước ở bản làng người Cil, xã Đạ M’rông.

Niềm vui lớn của vợ chồng ông Ha Xuyên là sinh thêm một đứa con vào năm 1990. Hiện 3 con đều trưởng thành, con trai út công tác tại UBND xã, con gái giữa làm việc tại trạm y tế, còn con gái lớn ăn nên làm ra nhờ học được nghề mới là trồng dâu nuôi tằm. Nhắc đến gia đình Ha Xuyên, nhiều người tấm tắc khen vợ chồng ông khéo nuôi dạy nên các con đều có chí tiến thủ, chịu khó làm ăn, cuộc sống ổn định. Còn với vai trò già làng, ông Ha Xuyên luôn gương mẫu, vận động bà con chấp hành tốt chính sách, pháp luật.

Với kinh nghiệm từng trải sau những va vấp và quá trình làm lại cuộc đời của mình, già làng Ha Xuyên tích cực vận động dân bản tu chí làm ăn, không nghe lời kẻ xấu. Ông đặc biệt chú ý đến việc giáo dục thanh thiếu niên lầm đường lạc lối để họ có cơ hội hoàn lương, trở về con đường sáng. Khi hòa giải các tranh chấp ở địa phương, ông luôn có những lời khuyên xác đáng, phân xử hợp tình hợp lý. Vợ chồng ông còn sẵn lòng giúp đỡ, hỗ trợ vật chất cho bà con trong thôn khi gặp khó khăn, hoạn nạn.

Với những thành tích đó, già làng Kara Jăn Ha Xuyên được các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương tặng hàng chục bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương. Nhiều năm liền ông Ha Xuyên được công nhận là người có uy tín ở địa phương. Ngước mắt nhìn lên bức ảnh lớn chụp trong dịp ra Hà Nội gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm những người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, già làng Ha Xuyên không kìm được xúc động nói: “May mà tôi còn kịp rời bỏ hàng ngũ Fulro và được chính quyền tạo cơ hội để làm lại cuộc đời”.

Ông Liêng Hót Ha Hai, Phó Chủ tịch huyện Đam Rông nhận định, những già làng, người có uy tín như ông Kra Jăn Ha Xuyên là nhân tố quan trọng góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, tạo điều kiện phát triển kinh tế, giúp nhiều hộ ở vùng đất còn nhiều khó khăn nỗ lực thoát nghèo.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 2: “Nữ hoàng” sắc hương giữa môi trường sinh thái

Nông gia Nguyễn Đáp sinh ra, lớn lên và tạo lập cơ nghiệp trên những thửa rau, hoa bậc thang của thành phố cao nguyên Đà Lạt, hiện đang chạm ngưỡng tuổi lục thập vẫn dốc tâm sức và tiền vốn để bổ sung “công năng” trên từng diện tích đất nông nghiệp của mình.

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Khơi sáng những miền quê đáng sống - Bài 1: Hoa trời Âu “phát sáng” góc trời Ðà Lạt

Trên nền tảng dẫn đầu cả nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng đã và đang mở rộng những miền quê tập trung tạo ra những mặt hàng có giá trị khác biệt, trong đó nổi trội với sản phẩm du lịch cộng đồng gắn xây dựng NTM, phát triển làng nghề ở địa phương.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.