Vượt qua sự phản đối và những khó khăn, thất bại trong quá trình trồng nấm bào ngư, trồng nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo anh Phan Văn Hùng (36 tuổi, trú thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đã thành công và vươn lên làm giàu, đem lại mức lãi 500 triệu đồng mỗi năm.
Đam mê trồng nấm bào ngư, nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo
Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề trồng nấm bào ngư màu tím, trồng nấm linh chi anh Phan Văn Hùng chia sẻ: "Tôi học và làm rất nhiều nghề, từ hướng dẫn viên du lịch đến sửa máy tính, rồi làm kỹ thuật xây dựng, lái taxi, thợ cơ khí, làm nhân viên sale. Tôi không thấy công việc nào phù hợp và đúng với sở thích của mình, nên quyết định nghỉ việc để bắt đầu với nghề trồng nấm bào ngư màu tím mà tôi đã ấp ủ bao năm".
|
Nhờ trồng nấm bào ngư màu tím, nấm linh chi và bán bịch phôi nấm anh Hùng, thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng thu lãi từ 400-500 triệu đồng/năm. |
Năm 2015, anh Hùng dùng số vốn 3 triệu đồng để thử nghiệm trồng nấm bào ngư. Công việc của anh không được gia đình ủng hộ vì thấy nghề trồng nấm xưa nay vất vả, anh lại không có kinh nghiệm.
Nhưng bằng niềm yêu thích cây nấm bào ngư màu tím, anh Hùng chủ động học hỏi cách trồng nấm bào ngư từ nhiều sách báo, internet để tích lũy kiến thức và kinh nghiệm.
Anh Hùng cho biết, vài lứa nấm bào ngư đầu tiên anh làm khá thành công, nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật và thiếu kinh nghiệm trồng nấm bào ngư nên anh vấp phải nhiều khó khăn, thất bại.
Không nản lòng, anh tiếp tục nghiên cứu và thử nghiệm cách thức trồng nấm bào ngư đạt tiêu chuẩn, cho năng suất cao.
|
Hiện nay anh Hùng có 5 trại nấm rộng 550m2, trồng nấm bào ngư, nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo. |
Nguyên liệu để tạo nên bịch phôi nấm bào ngư gồm: mùn cưa cao su được mua từ Gia Lai, trộn đều với cám bắp và cám gạo.
Để đảm bảo tạo môi trường dinh dưỡng cho nấm bào ngư tím phát triển tốt, anh Hùng trộn theo tỷ lệ 45kg cám bắp: 45kg cám gạo: 1 tấn mùn cưa. Sau đó hấp thanh trùng và tiến hành cấy meo giống.
"Đến năm 2017, tôi thử nghiệm trồng nấm linh chi, đây là loài nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao nhưng khó trồng. Tỷ lệ nguyên liệu là 70kg cám bắp: 70kg cám gạo: 1 tấn mùn cưa, nhiệt độ nhà nấm từ 28-30 độ C, độ ẩm 85-90%, ánh sáng khuếch tán đều. Vì nhà tôi ở vùng trũng thấp nên không thích hợp để trồng nấm linh chi quanh năm, chỉ trồng được một mùa", anh Hùng cho hay.
|
Trồng nấm bào ngư tím dạng cổ nút cho năng suất cao, chủ động về thời gian xuất nấm. |
Cũng theo anh Hùng, hấp nguyên liệu bằng củi sẽ nâng cao năng suất nấm bào ngư hơn làm bằng lò điện. Đồng thời việc trồng nấm bào ngư tím cho ra bằng cổ nút, giúp anh chủ động về thời gian và sản lượng nấm. Duy trì môi trường trại trồng nấm trong điều kiện thoáng mát, nhiệt độ từ 28-32 độ C, ánh sáng phù hợp sẽ giảm nguy cơ gây bệnh hại trên nấm bào ngư.
Thu lãi 500 triệu đồng mỗi năm từ trồng nấm cao cấp
Hiện nay, anh Hùng có 5 trại nấm với tổng diện tích 550m2, cung cấp 30kg nấm bào ngư tím mỗi ngày cho thị trường Đà Nẵng với giá nấm nào ngư là 50.000 đồng/kg.
Vào những dịp lễ Tết, ngày rằm và mồng 1, sản lượng nấm bào ngư tím tăng gấp 10 lần so với ngày thường, đạt 300-400kg/ngày. Bên cạnh đó, anh Hùng còn cung cấp nấm linh chi sấy khô cho nhiều khách hàng với mức giá từ 800.000-1.000.000 đồng/kg.
|
Anh Hùng giới thiệu sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo-một sản phẩm nấm mới anh mày mò trồng thành công. |
Anh Hùng vui vẻ nói: "Trồng nấm bào ngư tím và linh chi không tốn nhiều diện tích, vì các bịch phôi được xếp chồng trên kệ, nấm chỉ phát triển tại vị trí cổ bịch. Tôi theo dõi sát sao các chỉ số về độ ẩm không khí, nhiệt độ, ánh sáng trong trại nấm để kịp thời xử lý khi có vấn đề phát sinh.
Riêng với nấm linh chi, dễ mắc nhiều bệnh hại, đặc biệt là bị sâu ăn nấm nên tôi phải bắt sâu 2 ngày 1 lần. Nếu cung cấp độ ẩm cho nấm linh chi không đủ thì tai nấm sẽ bị khô, không phát triển. Ngược lại, độ ẩm quá mức quy định sẽ làm nấm bị mốc xanh, mất đi hương vị và dược tính quý báu của nấm linh chi".
|
Anh Hùng bắt đầu trồng nấm đông trùng hạ thảo từ cuối năm 2020. |
Sau 3 năm khởi nghiệp với nghề trồng nấm bào ngư tím và linh chi, đồng thời cung cấp bịch phôi nấm các loại cho người dân, đến nay anh Hùng đã gặt hái được nhiều thành công với mức lãi từ 400-500 triệu đồng mỗi năm.
Từ việc trồng nấm quanh năm, anh tạo thêm việc làm thời vụ cho 4 lao động với mức lương 200.000 đồng/người/ngày.
"Khi mô hình trồng nấm bào ngư và linh chi có kinh tế ổn định, tôi nghiên cứu phương pháp trồng nấm đông trùng hạ thảo. Dù biết đây là loại nấm quý hiếm, ít người trồng được, nhưng tôi vẫn cố gắng tìm tòi kiến thức và kỹ thuật từ các trang web để học hỏi...", anh Hùng chia sẻ.
Đến cuối năm 2020, anh Hùng đầu tư hơn 120 triệu đồng để xây dựng hệ thống phòng nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo trên diện tích 9m2", anh Hùng tâm sự.
|
Anh Hùng chỉ trồng nấm linh chi 1 vụ mỗi năm, sau khi sấy khô bán giá từ 800.000-1.000.000 đồng/kg. |
Lần đầu tiên thử nghiệm cấy giống đông trùng hạ thảo, anh Hùng thất bại và lấy đó làm bài học kinh nghiệm để tiếp tục cố gắng. Dự định thời gian sắp tới, anh sẽ đầu tư thêm nhiều máy móc để hoạt động trồng nấm trong phòng lạnh được ổn định, đảm bảo chất lượng cho nấm đông trùng hạ thảo thành phẩm.
|
Sản phẩm rượu ngâm nấm đông trùng hạ thảo do anh Hùng sản xuất. |
Theo đó, phòng nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo phải được vô trùng tuyệt đối và có độ sáng cũng như độ thoáng tự nhiên. Phòng được trang bị hệ thống phun sương để tạo độ ẩm cần thiết từ 70 – 85%, hệ thống làm lạnh giữ nhiệt độ ổn định từ 18 – 20 độ C.
Phòng có hệ thống giàn và giá để đặt các lọ cơ chất, bình nuôi, tủ cấy vi sinh, tủ sấy lạnh, đèn chiếu sáng…. Chi phí để trang bị đầy đủ máy móc cho phòng nuôi trồng đông trùng hạ thảo dự tính gần 1 tỷ đồng.
Dự định thời gian tới, anh Hùng sẽ thu hẹp quy mô trồng nấm bào ngư tím để tập trung trồng nấm linh chi và đông trùng hạ thảo, nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, hướng đến những thị trường tiềm năng hơn.
Theo Đình Thiên-Tuyết Nhung (Dân Việt)