Gia Lai khẩn trương phòng trừ bệnh rệp sáp trên cây cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bệnh rệp sáp đang gây hại một số vườn cà phê ở Gia Lai. Trước tình hình đó, chính quyền các địa phương cùng bà con nông dân triển khai các biện pháp phòng trừ bệnh, tránh lây lan ra diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất cà phê.

Ông Hoàng Văn Thục (thôn Đoàn Kết, xã Bầu Cạn, huyện Chư Prông) kiểm tra rệp sáp hại cà phê. Ảnh: Lê Nam
Ông Hoàng Văn Thục (thôn Đoàn Kết, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) kiểm tra vườn cà phê bị rệp sáp gây hại. Ảnh: Lê Nam

Đã 3 tuần nay, hơn 1 ha cà phê của ông Hoàng Văn Thục (thôn Đoàn Kết, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) bị bệnh rệp sáp gây hại mà chưa thể xử lý dứt điểm. Ông Thục cho hay: Khi tưới xong đợt 1, cây cà phê nở hoa thì bắt đầu xuất hiện bọ màu trắng bay trong vườn. Ít ngày sau thì phát hiện trên một số cây có rệp sáp gây hại.

“Bệnh rệp sáp phát triển rất nhanh và lây lan ra cả vườn. Mặc dù phát hiện sớm nhưng do nắng nóng kéo dài nên tôi chưa thể phun thuốc để xử lý mà phải chờ tiết trời dịu xuống phun thuốc mới có tác dụng. Năng suất cà phê năm nay chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng”-ông Thục lo lắng.

Còn ông Nguyễn Vũ Thanh Hòa (thôn Hòa Bình, xã Bàu Cạn) thì cho biết: Nhờ phát hiện sớm bệnh rệp sáp nên ông tranh thủ phun thuốc phòng trừ khi đất đang còn ẩm. Ngoài ra, ông kết hợp với cắt tỉa cành để giảm tiêu hao dinh dưỡng và hạn chế bệnh lây lan.

“Phải thường xuyên thăm vườn để sớm phát hiện và xử lý kịp thời. Năm tới, tôi sẽ đầu tư máy xông khói để xua đuổi bọ trắng (đối tượng gây ra rệp sáp), đồng thời hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật”-ông Hòa chia sẻ.

Ông Lưu Hoài Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông-thông tin: Ngoài rệp sáp, trên cây cà phê còn xuất hiện rệp vảy xanh, cháy lá, đốm mắt cua, gỉ sắt và bệnh khô cành. Vì vậy, Trung tâm đã chủ động hướng dẫn các giải pháp phòng trừ nhằm giảm thiểu thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

“Thời gian tới, rệp sáp, rệp vảy xanh và vảy nâu có thể gia tăng cả về tỷ lệ và diện tích khi bước vào giai đoạn tưới đợt 3. Ở giai đoạn này, cây cà phê đang còn những cánh hoa khô trên cành và chưa có mưa nên trước khi phun thuốc, người dân cần tưới nước hoặc phun xịt nước bằng vòi áp lực cao làm cho mát cây và rụng cánh hoa khô, giúp tăng hiệu quả phòng trừ”-ông Hưng nói.

Người dân huyện Ia Grai phun thuốc phòng trừ rệp sáp cho cây cà phê. Ảnh: Lê Nam
Người dân huyện Ia Grai phun thuốc phòng trừ rệp sáp cho cây cà phê. Ảnh: Lê Nam
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, toàn tỉnh hiện có 2.280,6 ha cà phê bị rệp sáp gây hại, tập trung tại các huyện: Chư Prông 1.339 ha, Chư Sê 389 ha, Chư Pưh 263 ha, Đức Cơ 100 ha, Chư Păh 55 ha, Ia Grai 39,6 ha, Đak Đoa 35 ha, TP. Pleiku 60 ha.

Tại huyện Chư Sê, ông Lê Sĩ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-thông tin: Rệp sáp thường bám vào chồi, lá, chùm quả, cành, thân để hút nhựa cây làm hoa bị rụng, quả héo khô. Nếu rệp phát triển với mật độ cao xuất hiện vón cục và chảy nhựa ở chùm quả gây khó khăn cho công tác phòng trừ. Trường hợp bị nặng, gặp nắng nóng kéo dài có thể khô héo, dẫn đến chết cây.

“Bà con cần thường xuyên thăm vườn để có biện pháp xử lý kịp thời. Nếu phát hiện có rệp sáp trên diện rộng thì báo ngay về Trung tâm để được hướng dẫn phòng trừ”-ông Quý cho hay.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho hay: Hiện nay, cây cà phê đang trong giai đoạn ra quả non. Vì vậy, rệp sáp gây hại có xu hướng gia tăng. Đồng thời, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, thời gian tới, nắng nóng kéo dài có mưa xen kẽ và biên độ nhiệt chênh lệch lớn. Đây là điều kiện thuận lợi cho rệp sáp phát sinh gây hại trên diện rộng.

Để kịp thời phòng trừ rệp sáp gây hại cà phê, cơ quan chuyên môn cần tăng cường kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn nông dân cách phun thuốc trị bệnh để giảm thiểu thiệt hại cho vườn cây. “Bà con nông dân chỉ phun thuốc khi vườn đảm bảo độ ẩm và chấp hành nghiêm nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc; đúng liều lượng, nồng độ; đúng lúc; đúng phương pháp) thì hiệu quả mới cao. Bà con tuyệt đối không nên phun qua loa, phun không đủ lượng thuốc sẽ làm cho rệp sáp kháng thuốc, hiệu quả phòng trừ sẽ không cao, gây tốn kém”-ông Khải khuyến cáo.

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.
Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.