Trường THPT Chi Lăng: Thầy cô tâm huyết, học sinh tích cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đi vào hoạt động từ năm học 2019-2020, đến nay, Trường THPT Chi Lăng (655 đường Trường Chinh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) đã khẳng định hướng đi đúng trong việc xây dựng mô hình giáo dục chất lượng cao.
Điều này được thể hiện qua việc lựa chọn chất lượng đầu vào khá “ngặt” từ học sinh ở các địa phương trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, với sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị dạy và học, khuôn viên sân trường, nhà ăn, sân thể thao, nhà tập luyện đa năng, bài bản của Ban Giám hiệu, Trường THPT Chi Lăng là điểm sáng của nền giáo dục tỉnh nhà.
Giáo viên nhà trường dạy online cho học sinh. Ảnh: Hà Phương
Giáo viên nhà trường dạy online cho học sinh. Ảnh: Hà Phương
Ngay từ năm học đầu tiên trường có học sinh tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia, các em đã đạt kết quả thật đáng tự hào với trung bình xét 3 môn đại học là 26,03 điểm, nằm trong tốp đầu của tỉnh. Tiếp đến, năm học 2020-2021, nhà trường giữ vững thành quả là năm thứ 2 đạt điểm cao với trung bình 3 môn xét vào đại học là 25,65 điểm. Thầy Đỗ Bách Khoa-Hiệu trưởng nhà trường-cho hay: “Có rất nhiều yếu tố mang lại thành công ban đầu, trong đó có sự nhiệt huyết, hết lòng vì học sinh thân yêu của đội ngũ thầy-cô giáo. Hình ảnh những thầy-cô giáo luôn đi sớm về trễ đã rất quen thuộc đối với học sinh và phụ huynh. Thầy-cô giáo rất nghiêm khắc nhưng cũng luôn kiên nhẫn giúp đỡ những em học sinh chưa hiểu bài. Vì vậy, nhà trường đã tạo được niềm tin đối với cha mẹ học sinh”.
Với diện tích hơn 1 ha, nhà trường có khu vực phòng học, nhà nội trú, nhà ăn và khu vui chơi, tập luyện thể dục thể thao. Cùng với đó, nhà trường còn có đội ngũ hơn 40 giáo viên giàu tâm huyết đảm bảo các điều kiện dạy và học, đáp ứng lộ trình phát triển cho những năm sắp đến.
Khuôn viên Trường THPT Chi Lăng. Ảnh: Hà Phương
Khuôn viên Trường THPT Chi Lăng. Ảnh: Hà Phương
Với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục hiện đại, chất lượng cao, Ban Giám hiệu Trường THPT Chi Lăng đã chỉ đạo các tổ chuyên môn tăng cường sinh hoạt theo chuyên đề 1 tháng/lần nhằm tập trung nâng cao chất lượng học sinh; đổi mới cách kiểm tra, đánh giá kết quả học tập một cách sáng tạo, phù hợp với từng đối tượng học sinh. Riêng đối với các môn khoa học xã hội, nhà trường khắc phục tình trạng kiểm tra thiên về ghi nhớ kiến thức và tăng cường ra đề mở để kiểm tra mức độ thông hiểu, tạo cho học sinh cách học sáng tạo, chủ động. Đối với các môn khoa học tự nhiên, chú trọng đến phát triển kỹ năng thực hành, vận dụng sáng tạo kiến thức vào cuộc sống. Đặc biệt, nhà trường đang đầu tư mạnh về giáo dục stem nhằm phát huy kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề cho học sinh. Ngoài ra, nhà trường lập riêng từng nhóm Zalo phụ huynh theo từng lớp và liên tục trao đổi thông tin để nắm bắt tình hình học tập của con em mình.
Trường THPT Chi Lăng là đơn vị duy nhất ở Gia Lai được Steam for Vietnam và VinUni (Mỹ) tài trợ robot để học stem.
Trường THPT Chi Lăng là đơn vị duy nhất ở Gia Lai được Steam for Vietnam và VinUni (Mỹ) tài trợ robot để học stem.
Theo thầy Đỗ Bách Khoa, với phương châm “Nên người-Tiến bộ-Thành đạt”, định hướng phát triển sắp tới của trường là tiếp tục phát huy các thế mạnh hiện có, tập trung đầu tư về nhân lực và cơ sở vật chất để phục vụ việc học tập và rèn luyện của học sinh. Sau khi tốt nghiệp, các em có đầy đủ những phẩm chất và kỹ năng cần thiết để tiếp tục phát huy sở trường của bản thân, trở thành những công dân thành đạt, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Được biết, trong năm học 2019-2020, nhà trường động viên các học sinh giỏi xét tuyển vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh để sau này về công tác tại trường.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.