Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Phú Thiện: Sử dụng sai quỹ Hội phụ huynh học sinh?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ sau học kỳ I năm học 2023-2024, gần 120 triệu đồng tiền quỹ Hội phụ huynh của Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã sử dụng hết, thậm chí bị âm. Phụ huynh học sinh rất bức xúc khi được yêu cầu thu thêm tiền cho khoản quỹ này.

Theo tìm hiểu của P.V, đầu năm học 2023-2024, Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Phú Thiện đã tiến hành thu quỹ Hội phụ huynh học sinh với 400 ngàn đồng/em, tổng số tiền thu được là 118 triệu đồng. Đây không phải là số tiền nhỏ với một ngôi trường dành cho học sinh người dân tộc thiểu số. Khoản thu này được trừ trực tiếp vào tiền học bổng mà đáng lẽ các em học sinh được hỗ trợ.

Tuy nhiên, sau học kỳ I, trong cuộc họp phụ huynh, nhà trường thông báo đã sử dụng hết số tiền 118 triệu đồng, thậm chí bị âm nên yêu cầu thu thêm 200 ngàn đồng/học sinh để có quỹ sử dụng trong học kỳ II. Điều này khiến nhiều phụ huynh bức xúc.

Chị N.T. (phụ huynh học sinh) cho hay: Hầu hết phụ huynh đều thắc mắc tại sao với số tiền lớn như vậy lại sử dụng quá nhanh dẫn đến bị âm phải thu thêm. Nhà trường giải thích số tiền này sử dụng vào rất nhiều khoản chi liên quan đến cơ sở vật chất của trường.

Đơn cử như thay giát giường phòng ở của học sinh hết hơn 18 triệu đồng; mua ti vi hơn 39 triệu đồng; sửa chữa điện, cửa, cây mắc màn hơn 14 triệu đồng; sửa chữa dây điện 3 pha hơn 3 triệu đồng; kinh phí đổ hố cát cho học sinh học tập 3,2 triệu đồng; sửa chữa máy bơm nước 930 ngàn đồng; sửa chữa cửa nhà vệ sinh hơn 1,8 triệu đồng; sửa chữa màn hình vi tính hơn 2,5 triệu đồng; phục vụ ký túc xá và nhà bếp hơn 5,3 triệu đồng; kinh phí phục vụ nhà vệ sinh hơn 1,4 triệu đồng; cung cấp 70 cây mắc màn cho phòng ở học sinh 1,4 triệu đồng.

Nhà trường đã sử dụng nguồn quỹ của Hội phụ huynh để sửa chữa khu ký túc xá học sinh. Ảnh: L.V.N

Nhà trường đã sử dụng nguồn quỹ của Hội phụ huynh để sửa chữa khu ký túc xá học sinh. Ảnh: L.V.N

“Học sinh đều là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn nhưng lại phải đóng một khoản quỹ tương đối lớn. Các khoản chi của nhà trường cũng không thuyết phục vì hầu hết đều nằm ở cơ sở vật chất, khoản này tôi nghĩ phải có nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước chứ không thể sử dụng quỹ Hội phụ huynh. Trường xây đã hơn 10 năm, nhiều chỗ bị hư hỏng thì huyện nên quan tâm tu sửa để tạo điều kiện tốt nhất cho các cháu học tập”-chị T. bày tỏ.

Trao đổi về vấn đề này, bà Trần Thị Thu-Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Phú Thiện-thông tin: Số tiền thu từ đầu năm học đã được phụ huynh học sinh tự nguyện thỏa thuận và được nhà trường sử dụng vào việc tu sửa cơ sở vật chất.

Cũng vì trường có nhiều hạng mục bị xuống cấp, ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như học tập của các em. Khi nghiên cứu thì không có nguồn nào sử dụng vào việc này được nên nhà trường buộc phải sử dụng quỹ Hội phụ huynh.

Cũng theo bà Thu, hàng năm, nhà trường được cấp hơn 400 triệu đồng để sử dụng cho các hoạt động. Trong đó, gần 200 triệu đồng dùng để chi trả cho nhân viên hợp đồng nên số tiền còn lại khá hạn chế, không đủ để phân bổ sang việc sửa chữa, đầu tư cơ sở vật chất.

“Chúng tôi cũng đề xuất lên cấp trên nhưng được trả lời rằng đây là sửa chữa nhỏ nên nhà trường tự chủ động kinh phí. Nhà trường cũng đang kiến nghị huyện phân bổ thêm kinh phí để chi trả chỉ tiêu hợp đồng. Mong cấp trên quan tâm đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất vì trường xây dựng từ năm 2013, đến nay, nhiều chỗ xuống cấp, hư hỏng cần nguồn kinh phí lớn để khắc phục”-bà Thu nói.

Bà Thu cho biết thêm: Các năm trước, nhà trường đều thu quỹ phụ huynh làm 2 đợt, đợt 1 là 400 ngàn đồng và đợt 2 là 200 ngàn đồng. Tuy nhiên, năm học này, sau khi đề nghị thu thêm 200 ngàn đồng/học sinh, phụ huynh đã có ý kiến trái chiều. Do đó, nhà trường tạm thời không thu khoản tiền này mà chờ chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tỉnh-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Thiện thì khẳng định: “Việc nhà trường sử dụng quỹ Hội phụ huynh vào những việc đó là không đúng. Chúng tôi đã làm việc, chấn chỉnh và yêu cầu tạm dừng ngay.

Phòng cũng vừa đề xuất UBND huyện và Sở Giáo dục và Đào tạo có phương án bố trí thêm chỉ tiêu hợp đồng cho trường cũng như đề án củng cố trường bán trú, nội trú, giúp các em học sinh ổn định sinh hoạt và học tập”.

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.