Trồng thành công sâm Bố Chính tại Bình Định

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Những tưởng cây sâm Bố Chính (được liệt vào Đại Việt đệ nhất danh sâm) chỉ sinh trưởng tốt ở các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, nhưng nay nó đã được trồng thành công dưới lớp phù sa sông Kôn (Bình Định).
 

Ông Trần Minh Tâm và vườn sâm Bố Chính ở Bình Định
Ông Trần Minh Tâm và vườn sâm Bố Chính ở Bình Định.


Cách đây 3 năm, ông Trần Minh Tâm (50 tuổi, ở Kim Châu, thị xã An Nhơn, Bình Định) được 1 người bạn ở Quảng Bình tặng 7 cây giống sâm Bố Chính. Ban đầu, ông chỉ đưa về trồng thử trong vườn nhà cho vui, nhưng cây lớn nhanh và sinh trưởng tốt. Thấy vậy, ông  bàn với vợ con, người em trai nhân rộng, thuần phục loài cây này. “Ngờ đâu làm chơi, ăn thiệt, chỉ gần 1 năm, từ 7 cây giống đầu tiên, chúng tôi đã thuần dưỡng, nhân giống được loài sâm quý trên vùng đất mới Bình Định”, ông Tâm thổ lộ.

Từ đó, ông Tâm quyết tâm tạo ra lứa sâm Bố Chính đầu dòng chịu được thổ nhưỡng và khí hậu Bình Định để nhân rộng mô hình. Để có thêm thông tin, kiến thức, ông Tâm tìm mua các sách, tài liệu và lên internet tìm hiểu về dược tính, cách ươm giống, nuôi cấy, sinh trưởng và thị trường loài sâm Bố Chính. Sau 3 năm, ông Tâm tạo hơn 1.000 cây sâm đầu dòng (sâm mẹ lấy hạt giống). Với số cây sâm đầu dòng này, ông Tâm kỳ vọng sẽ lấy hạt nhân giống để trồng mở rộng và cung cấp giống cho bà con Bình Định với giá rẻ, tỷ lệ sống cao hơn.

Hiện, ông Tâm đang đầu tư vốn gần 1 tỷ đồng trồng 14.000 cây sâm trong bầu đất kết hợp với hệ thống phun tưới tiết kiệm tự động trên diện tích 7.000m2. Qua quan sát, vườn sâm ông Tâm sinh trưởng khá tốt, một số đã cho củ lớn. “Lứa sâm đầu tiên trồng vào tháng 4-2021, chỉ khoảng 10-12 tháng, sâm cho củ, có thu hoạch. Hiện, tôi đang xin chính quyền cho thuê 1ha đất để nhân rộng đầu tư 72.000 cây sâm Bố Chính ven sông Kôn”, ông Tâm cho biết.

Lứa sâm đầu tiên tuy mới chỉ thử nghiệm, song ông Tâm nhẩm tính có thể thu lãi trên 400 triệu đồng. Trong đó, củ và rễ sâm có giá bình quân 450.000-500.000 đồng/kg (3-5 củ). Nếu trồng đại trà, với trên 10.000 cây sâm có thể thu hoạch được 2 tấn củ, thu về gần 1 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, hàng tuần có thể thu hoạch hoa, lá sâm để sơ chế, bán ra thị trường. Vừa qua, ông Tâm đưa sản phẩm sâm Bố Chính tham gia các hội thi nhà nông đua tài từ cấp tỉnh, cấp khu vực. Trên cơ sở đó, sâm Bố Chính được chính quyền công nhận là loài cây mới có thể nhân rộng, làm giàu trên đất Bình Định.

Ông Phan Thanh Hòa, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã An Nhơn, cho biết, việc ông Tâm chinh phục được loài sâm Bố Chính đã mang đến cho địa phương loài cây mới, góp phần tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương và giúp các hộ dân khác có thêm nhiều cơ hội, lựa chọn để thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Theo NGỌC OAI (SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.