Trồng sâm Nam trong vườn tiêu, nông dân này ở Phú Yên chỉ việc hái lá cũng bán được 60.000 đồng/kg

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Thời gian qua, giá tiêu giảm mạnh nên nhiều người trồng tiêu kết hợp trồng sâm nam ở 2 xã xã Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên). Việc kết hợp này giúp nông dân có thêm thu nhập trong thời gian tiêu chưa kết trái.

Hai xã Sơn Thành Đông, Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) được mệnh danh là thủ phủ của cây hồ tiêu ở Phú Yên với diện tích hơn 500ha. Tiêu Sơn Thành nổi tiếng khắp cả nước vì cây phát triển tốt, cho năng suất và chất lượng cao.

Tuy nhiên, thời gian qua, giá tiêu giảm mạnh nên nhiều người trồng tiêu kết hợp trồng sâm nam. Việc kết hợp này giúp nông dân có thêm thu nhập trong thời gian tiêu chưa kết trái.

Tiêu tiếp tục được giá

Hiện đang mùa thu hoạch rộ vụ tiêu 2022. So với đầu năm, giá tiêu tiếp tục tăng, người trồng tiêu phấn khởi. Ông Huỳnh Văn Thức ở xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa) chia sẻ: Gia đình tôi trồng 1.000 nọc tiêu, ước chừng thu hoạch trên dưới 1 tấn. Giá đầu vụ là 70.000 đồng/kg, nay tăng lên 80.000 đồng/kg, có bao nhiêu thương lái họ mua hết bấy nhiêu. Tranh thủ trời nắng, tôi thu hoạch tiêu phơi khô bán.


 

Trồng sâm nam dưới tán tiêu ở xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên). Ảnh: LÊ TRÂM
Trồng sâm nam dưới tán tiêu ở xã Sơn Thành Đông (huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên). Ảnh: Lê Trâm


Còn ông Bùi Văn Sơn có trang trại tiêu rộng 2ha cho hay nếu như đầu tư bài bản, vườn tiêu có thể đạt năng suất 2 tấn tiêu khô. Tuy nhiên, vì mấy năm liền giá tiêu hạ nên gia đình ông lười chăm sóc, tiêu ra ít trái, năng suất giảm.

Năm rồi tiêu được giá, ông đầu tư bài bản, nhờ vậy, vụ này năng suất cao hơn. Hiện tiêu có giá 80.000 đồng/kg, bằng năm ngoái nhưng cao gấp đôi so với cách đây 2 năm.

Bà Huỳnh Thị Cúc cũng ở xã Sơn Thành Đông trồng 3ha tiêu, cho thu hoạch hơn 3 năm nay. Trung bình 1ha trồng gần 1.000 nọc tiêu, nhưng do thời gian qua, tiêu bệnh chết nhanh chết chậm nên vườn tiêu thưa thớt. Từ hơn 3.000 nọc, nay vườn tiêu gia đình bà chỉ còn khoảng 1.000 nọc.

“Năm nay nhờ áp dụng phương pháp tưới nước nhỏ giọt, bón phân nên vườn tiêu xanh mướt, năng suất giữ mức trung bình 1,5kg tiêu/nọc, nếu đầu tư, chăm sóc tốt hơn nữa có thể đạt 2kg/nọc. Tôi thu hoạch phơi khô được 1,5 tấn tiêu. Năm nay, sản lượng đạt cao hơn vì ít có tiêu lép. Còn mấy năm trước, giá tiêu hạ xuống mức 25.000-30.000 đồng/kg, chỉ thu hoạch lứa đầu hạt lớn, cuối vụ tiêu đẹt, hạt nhỏ bỏ rụng, người trồng lỗ nặng”, bà Cúc nói.

Theo nhiều người trồng tiêu ở xã Sơn Thành Đông, so với những năm trước, năm nay, sản lượng tiêu giảm mạnh do diện tích thu hẹp. Tuy nhiên, giá tăng cao nên nhiều người có hướng quay lại đầu tư chăm sóc vườn tiêu.

Trồng tiêu kết hợp sâm nam

Ông Đào Văn Roa, Phó phòng NNPTNT huyện Tây Hòa (tỉnh Phú Yên), cho biết: Thời gian qua, giá tiêu giảm mạnh, người dân chuyển sang trồng cây ăn trái và cây ngắn ngày khác. Bên cạnh đó, nhiều người kết hợp trồng sâm nam dưới tán tiêu, giăng lưới B40 cho sâm nam bò lên khắp vườn. Cách trồng sâm nam kết hợp với hồ tiêu giúp nông dân có thêm thu nhập trong thời gian tiêu chưa kết trái.

Gia đình bà Bùi Thị Liên ở xã Hòa Tân Đông (TX Đông Hòa) có trang trại trồng tiêu ở xã Sơn Thành Đông rộng 4ha, trong đó có 1ha tiêu chưa đủ thời gian ra trái, bà trồng xen sâm nam, lấy ngắn nuôi dài.

Hiện lá sâm nam bán với giá 60.000 đồng/kg. Ngày nào gia đình bà cũng thu hoạch 5-7kg. Trung bình mỗi tháng xuất bán gần 2 tạ lá sâm nam nên gia đình bà Liên có nguồn thu khá tốt từ việc trồng xen sâm nam trong vườn tiêu.

Theo bà Liên, sâm nam là cây ngắn ngày, dễ trồng, đầu tư thấp. Kinh nghiệm từ nhiều người cho hay trồng sâm nam phải tìm giống sâm nam núi, nếu trồng củ ăn 1 năm, còn trồng hạt ăn 3 năm. Hiện vùng này có 20 hộ trồng sâm nam trong vườn tiêu.

Ông Nguyễn Văn Hùng, mới trồng sâm nam trong vườn tiêu chưa lâu, cho biết: Sâm nam cho thu hoạch quanh năm suốt tháng. Tuy nhiên có tháng lá nhiều, có tháng lá ít. Riêng tháng tư vừa rồi, sâm nam ra lá rộ, tôi thu gần 2,5 tạ, bán với giá 60.000 đồng/kg.

Sâm nam trồng đơn giản, chủ yếu đầu tư hệ thống tưới nước. Tôi lắp đường ống tưới nhỏ giọt, mỗi ngày tưới 4 giờ đồng hồ, ướt đất đủ nuôi sâm nam. Dự định sang năm tôi tìm giống trồng bằng hạt để mở rộng diện tích sâm nam trong vườn tiêu.

Thu nhập từ sâm nam ngoài chi tiêu cho gia đình, tôi đầu tư phân bón và trang trải các chi phí để giữ vườn tiêu, loại cây được gia đình xác định là cây dài ngày, chủ lực trong trang trại.

Theo thống kê của Sở NNPTNT, năm 2016, toàn tỉnh Phú Yên có 975ha tiêu; trong đó, huyện Tây Hòa 600ha, huyện Sông Hinh 200ha, huyện Sơn Hòa 50ha và huyện Tuy An 5ha. Đến thời điểm này, toàn tỉnh chỉ còn 577ha tiêu, tập trung tại hai huyện Tây Hòa, Sông Hinh.

Ông Đào Văn Roa, Phó phòng NNPTNT huyện Tây Hòa: Thời gian qua, giá tiêu giảm mạnh, người dân chuyển sang trồng cây ăn trái và cây ngắn ngày khác. Bên cạnh đó, nhiều người kết hợp trồng sâm nam dưới tán tiêu, giăng lưới B40 cho sâm nam bò lên khắp vườn. Cách trồng sâm nam kết hợp với hồ tiêu giúp nông dân có thêm thu nhập trong thời gian tiêu chưa kết trái.



https://danviet.vn/trong-sam-nam-trong-vuon-tieu-nong-dan-phu-yen-chi-hai-la-quanh-nam-ban-ma-kiem-bon-tien-20220627200807583.htm

Theo MẠNH LÊ TRÂM (Báo Phú Yên)

 

Có thể bạn quan tâm

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.