Trồng dâu nuôi tằm: Lợi nhuận cao, rủi ro thấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, huyện Chư Sê (Gia Lai) đã triển khai thí điểm mô hình trồng dâu nuôi tằm theo kỹ thuật mới. Với hiệu quả kinh tế bước đầu được đánh giá cao gấp 3-4 lần so với trồng các loại cây hoa màu truyền thống, mô hình này đang mở ra triển vọng giúp nông dân Chư Sê có cuộc sống khấm khá hơn.
Ông Lê Sỹ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Sê-cho biết: Tháng 8-2018, Trung tâm phối hợp với UBND xã Al Bá chọn 6 hộ để triển khai mô hình trồng dâu nuôi tằm. Các hộ tham gia mô hình được cung cấp cây giống và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Sau 3 tháng xuống giống, cây dâu phát triển xanh tốt, năng suất và chất lượng lá đảm bảo để nuôi tằm lấy kén. Theo tính toán, mỗi sào dâu tốt có thể đảm bảo đủ lượng thức ăn cho 1 hộp tằm. Trong quá trình nuôi, người dân phải thực hiện đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn để tằm phát triển tốt. Mỗi hộp tằm giống có giá 1 triệu đồng, nuôi trong khoảng 15 ngày sẽ cho thu 50 kg kén, lợi nhuận cao gấp 3-4 lần so với trồng các loại cây hoa màu truyền thống. Đặc biệt, nghề nuôi tằm có độ rủi ro thấp vì mức đầu tư ít. Đến nay, mô hình trồng dâu nuôi tằm đã đem lại nguồn thu nhập khá cho các hộ tham gia.
  Kiểm tra chất lượng kén. Ảnh: N.S
Kiểm tra chất lượng kén. Ảnh: N.S
Anh Trần Thanh Hà (thôn Tứ Kỳ Bắc, xã Al Bá) cho biết: “Cuối năm 2018, gia đình tôi được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ 1 hộp giống tằm để nuôi. Sau hơn nửa tháng, gia đình thu được 39 kg kén. Với giá bán 125.000 đồng/kg kén, gia đình thu về hơn 4,8 triệu đồng. Tôi thấy việc nuôi tằm mang lại hiệu quả cao hơn so với trồng cà phê và các loại hoa màu khác. Tới đây, tôi dự kiến mở rộng diện tích dâu để nuôi thêm 2 hộp giống tằm”.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hường (thôn Tứ Kỳ Bắc) trước đây chỉ trồng cà phê, hồ tiêu. Thời gian qua, hồ tiêu bị bệnh chết hàng loạt, cà phê mất mùa, mất giá nên gia đình chị lâm vào cảnh khó khăn. Cuối năm 2018, gia đình chị tham gia mô hình trồng dâu nuôi tằm, được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đầu tư giống, tập huấn kỹ thuật chăm sóc. Lứa tằm đầu tiên gia đình chị nuôi đã thành công, sản phẩm đạt năng suất, chất lượng cao. Chị Hường vui vẻ cho biết: “Tôi thấy trồng dâu nuôi tằm vốn đầu tư thấp lại cho thu nhập khá ổn định”.
Theo chị Hoàng Thị Huấn-chủ đại lý cung ứng vật tư và con giống (huyện Krông Buk, tỉnh Đak Lak): Nghề trồng dâu nuôi tằm còn khá mới mẻ với người dân Chư Sê nhưng làm nghề cũng không khó lắm. Bà con chỉ cần chú ý một số điểm như: nhà nuôi tằm phải làm ở nơi thoáng mát để không khí lưu thông tốt; thường xuyên theo dõi chăm sóc, vệ sinh sạch sẽ cho tằm, không để tằm bị nhiễm bệnh. Đặc biệt, khi tằm được 10-12 ngày tuổi là thời điểm tằm ăn rỗi nên người nuôi cần bổ sung thêm thức ăn so với thời gian đầu. Như vậy, tằm sẽ lớn đều và cho ra sản phẩm kén to, dày, chất lượng tơ bóng đẹp, bán được giá. Ngoài ra, cây dâu sau thời gian thu hoạch lá đợt 1, người dân chỉ cần cắt bỏ cành và bón phân thì sẽ tiếp tục cho lá đợt 2 để nuôi tằm.
Trao đổi với P.V, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chư Sê cho biết thêm: “Khi đưa tằm vào nuôi thí điểm tại các hộ, sau 15 ngày thì tằm cho lứa kén đầu tiên đạt chất lượng tốt, đem lại nguồn thu nhập khá cho người dân trong thời gian ngắn. Vì vậy, các hộ rất phấn khởi và hy vọng mô hình sẽ mở ra hướng đi mới trong điều kiện giá cà phê, hồ tiêu đang xuống thấp, cây lại nhiễm dịch bệnh. Chúng tôi đề nghị UBND huyện quan tâm mở rộng thêm vùng quy hoạch trồng dâu trên địa bàn xã Al Bá và nhân rộng ra các xã khác để có hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vườn hồ tiêu chết, vườn cà phê già cỗi nhằm giúp người dân có nguồn thu nhập khá hơn”.
Ngọc Sang

Có thể bạn quan tâm

Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

Ấm no theo những vườn cao su Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

(GLO)- Cây cao su có mặt trên đất Tây Nguyên từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cây cao su mới được trồng với diện tích lớn. Dù trải qua nhiều thăng trầm về giá cả nhưng cao su vẫn là cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo trên cao nguyên.
Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang mang về hàng tỷ USD lợi nhuận, nhưng các chuyên gia cảnh báo, tình trạng bán sầu riêng non, chạy theo số lượng - bỏ chất lượng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cả ngành hàng rất tiềm năng và lợi thế này.
Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

(GLO)- Từ chỗ chăn thả rông trên núi, đến nay, 100% đàn bò của xã Ia Tô (huyện Ia Grai) đã được nuôi nhốt trong chuồng. Việc nuôi nhốt giúp đàn bò được chăm sóc tốt hơn, người dân lại tận thu được nguồn phân bón và tránh được tình trạng mất trộm.