Trọn tình yêu với dân ca Bahnar

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn 30 năm trước, tiếng đàn guitar cùng những làn điệu dân ca Bahnar trữ tình đã nối duyên cho đôi trai tài gái sắc Tanh-Lơch (làng Wâu, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Và, trong suốt hành trình dựng xây tổ ấm, họ vẫn lặng thầm “vun xới” để âm nhạc truyền thống của dân tộc mình được nối dài và lan tỏa.

1. Mặt trời dần xuống núi. Trên chiếc xe máy nhuốm màu thời gian, ông Tanh vui vẻ chở vợ về nhà, khép lại một ngày ruộng đồng vất vả. Ngồi đằng sau, bà Lơch thả dài câu hát bằng tiếng Bahnar về tình yêu lứa đôi. Giọng ca của người phụ nữ đã đi qua hơn 50 mùa rẫy vẫn vô cùng trong trẻo và đầy cuốn hút. Tiếng hát ngân hòa trong gió, bay đến mơn trớn đôi tai lữ khách trót yêu mến làn điệu dân ca Bahnar mộc mạc, chân chất.

Cũng chính giọng ca này mà vào một ngày cách đây hơn 30 năm đã khiến chàng trai 20 tuổi cùng làng “say như điếu đổ”. Hồi đó, hầu như ngày nào, Tanh cũng lên rẫy thật sớm, về nhà thật muộn chỉ để được nghe Lơch hát trọn vẹn những bài dân ca da diết, ngọt ngào. Vậy mà, nàng Lơch khi cuốc cỏ, lúc bẻ măng... nào đâu để ý.

Quyết tâm “cưa đổ” người con gái “có giọng ca đẹp nhất làng”, Tanh đem số tiền tích góp được lên phố sắm một cây đàn guitar. Ngày ngày, Tanh miệt mài học đàn và tập cách đệm nhạc cho những bài dân ca mà Lơch thường hát.

Thế nhưng, không như ting ning cũng chẳng giống t’rưng, đàn guitar hiện đại vốn xa lạ với người Bahnar làng Wâu đã khiến Tanh phải bao phen chật vật trong suốt 3 tháng dài tập luyện. “Biết đánh guitar đã khó, học để đàn được dân ca càng khó hơn. Thời gian đầu, mấy ngón tay mình sưng vù đau nhức vì chưa quen bấm nốt”-ông Tanh nhớ lại.

Vợ chồng ông Tanh, bà Lơch và người cháu gái Mlach (bìa phải) cùng đàn hát một ca khúc dân ca Bahnar. Ảnh: D.T

Vợ chồng ông Tanh, bà Lơch và người cháu gái Mlach (bìa phải) cùng đàn hát một ca khúc dân ca Bahnar. Ảnh: D.T

Vào ngày hội làng giữa đêm trăng tròn, thanh niên nam nữ tập trung về nhà rông. Như thường lệ, Lơch được mời cất giọng hát. Từ phía sau, Tanh ôm guitar dạo lên vài nốt nhạc đệm theo. Tiếng đàn, lời ca cứ thế quyện vào nhau. Hôm ấy, bà con dân làng say sưa ca hát bên ánh lửa bập bùng. Khúc dân ca ngân dài suốt đêm.

Về phần Lơch, biết Tanh dụng tâm học đàn vì mình, bà cũng đem lòng cảm mến. Kể từ đó, khi nào Lơch hát là có Tanh đệm nhạc, dù là lên rẫy lao động sản xuất hay tham gia các lễ hội trong làng.

“Vốn mê những giai điệu dân ca của dân tộc mình nên khi thấy anh Tanh đàn giỏi, mình ưng cái bụng lắm. Miệng hát mà tim mình xốn xang. Cuối cùng, mình quyết định “bắt” anh ấy về nhà”-bà Lơch cười tươi rồi nhìn sang chồng với ánh mắt đầy trìu mến.

2. Cây đàn guitar cùng tình yêu sâu đậm với dân ca Bahnar đã trở thành “ông mai, bà mối” se duyên cho đôi trẻ làng Wâu từ thuở đôi mươi. Có lẽ vì mối lương duyên ấy mà trong suốt những năm tháng dựng xây tổ ấm, ông bà chưa bao giờ bỏ bê việc đàn-hát dân ca.

Đó không chỉ đơn thuần gìn giữ sợi tơ hồng đã đưa 2 người đến bên nhau mà hơn hết còn là nỗi trăn trở, đau đáu muốn bảo tồn và lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một.

Bà Lơch chia sẻ: “Thật ra, những bài dân ca Bahnar mà mình thuộc đều là truyền miệng. Lúc nhỏ, nghe người lớn trong làng hát, mình thích rồi tập hát theo. Chủ yếu là những lời ca nói về tình thương của người mẹ dành cho con, tình bạn, tình yêu trai gái hoặc kể chuyện lên rẫy tỉa lúa, trồng bắp, vào rừng bẻ măng, kiếm củi…

Mấy năm qua, mình cũng có ý muốn truyền dạy cho lũ trẻ trong làng để sau này chúng có thể thay thế những người già như mình, tiếp tục lan tỏa tình yêu với âm nhạc truyền thống của dân tộc. Vậy mà, đứa bảo khó không học, đứa thì chẳng thích. Mình thấy buồn lắm!”.

Vài người cháu của bà Lơch vì yêu mến tiếng hát của dì cũng tập tành với dân ca, thế nhưng, đa số đều không theo đuổi lâu dài. Chị Mlach mấy năm gần đây vì căn bệnh viêm thanh quản cũng chẳng còn mặn mà với việc ca hát. Còn chị Ye, mặc dù rất yêu dân ca truyền thống nhưng đành “lực bất tòng tâm”.

Chị Ye giãi bày: “Lời các bài dân ca Bahnar đa phần gần gũi, dễ nhớ nhưng cũng có những từ ngữ hát theo cách nói của người xưa khiến tôi cũng không thể hiểu hết ý nghĩa. Với lại, muốn hát hay cũng khó lắm, đòi hỏi bản thân phải có chút năng khiếu và một chất giọng tốt”.

Những lúc rảnh rỗi, ông Tanh thường ngồi đàn những bài dân ca cho bọn trẻ trong làng nghe nhằm vun đắp tình yêu với âm nhạc truyền thống của dân tộc. Ảnh: D.T

Những lúc rảnh rỗi, ông Tanh thường ngồi đàn những bài dân ca cho bọn trẻ trong làng nghe nhằm vun đắp tình yêu với âm nhạc truyền thống của dân tộc. Ảnh: D.T

Ông Ang Lưn-người có uy tín của làng Wâu: Vợ chồng Tanh-Lơch là 2 trong số ít người trong làng còn biết hát và tâm huyết với dân ca Bahnar. Tôi thường động viên gia đình Tanh nói riêng và những người biết hát dân ca trong làng nói chung dành thời gian truyền dạy lại cho lớp trẻ sau này để gìn giữ giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Tiếp nối mạch cảm xúc, ông Tanh cũng trăn trở: “Guitar thì nhiều thanh niên chịu học nhưng chúng không giống mình, học chỉ để đánh những bài hát hiện đại bây giờ.

Hiện nay, ngoài mình thì làng cũng không còn nhiều người biết đệm đàn các bài dân ca. Người biết hát dân ca trong làng cũng ngày một ít đi, trong khi lũ trẻ thì không muốn học. Nhưng có một điều đáng mừng là bà con vẫn còn thích nghe hát dân ca và đó là hy vọng để dân ca Bahnar được lan tỏa. Khi trong làng có hội, đám cưới hay mừng nhà mới, vợ chồng mình đều nhiệt tình góp vui.

Thậm chí, những ngày nhàn rỗi, sau giờ cơm tối, gia đình mình vẫn trải chiếu trước hiên để đàn hát cho nhau nghe. Mỗi lần như thế, vợ chồng mình lại thấy vô cùng tự hào vì biết rằng tình yêu dân ca trong lòng chưa bao giờ tắt”.

Nói đoạn, ông Tanh cầm đàn tấu lên một khúc nhạc. Bà Lơch nghe tiếng đàn rồi cất giọng hát như một thói quen. Giai điệu cùng tiết tấu vui tươi, rộn rã của bài dân ca mừng năm mới dường như xua tan bầu không khí trầm lắng trước đó.

Ông Tanh và bà Lơch vẫn luôn hy vọng rằng, âm nhạc truyền thống của người Bahnar nói chung, dân ca Bahnar nói riêng vẫn được bảo tồn trong dòng chảy văn hóa hiện đại. Để rồi, vào những ngày hội làng với cồng chiêng rộn rã hay những đêm trăng sáng trong vắt cả bầu trời, dưới mái nhà rông làng Wâu, từ người già, trẻ nhỏ đến phụ nữ, thanh niên lại quây quần bên nhau, cùng nghe và cùng hát những giai điệu dân ca truyền đời của dân tộc mình.

Có thể bạn quan tâm

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

Gương mặt thơ: Trúc Phùng

(GLO)- Đây là số cuối cùng của chuyên mục “Gương mặt thơ” trên báo Gia Lai Cuối tuần do tôi phụ trách.Chuyên mục đã đi được hơn 2 năm (từ tháng 10-2022), tới nay đã giới thiệu tác phẩm của hơn 100 nhà thơ nổi tiếng trên thi đàn cả nước.

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

Người Mường ở xã Ia Lâu “giữ lửa” cồng chiêng

(GLO)- Rời quê vào thôn Đà Bắc (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông) lập nghiệp đã hơn 30 năm, nhưng cộng đồng người Mường vẫn luôn duy trì và nỗ lực bảo tồn văn hóa cồng chiêng của dân tộc. Với họ, “giữ lửa” cồng chiêng chính là cách làm thiết thực nhất tạo sự gắn kết bền chặt với quê hương, nguồn cội.

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản có tiềm năng khai thác kinh tế du lịch. Ảnh: Minh Châu

Những ngày làm hồ sơ “Không gian văn hóa cồng chiêng”

(GLO)- Ngày 23-3-2004, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ban hành quyết định về việc xây dựng hồ sơ ứng cử quốc gia “Vùng văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” là di sản tiếp nối trình UNESCO công nhận là kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại.

Già làng Đônh (bìa phải) giới thiệu về chiếc nỏ của người Bahnar. Ảnh: R.H

Điểm tựa Kon Brung

(GLO)- Không chỉ tâm huyết với công tác hòa giải, già làng Đônh (SN 1960; làng Kon Brung, xã Ayun, huyện Mang Yang) còn rất tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc. Với bà con, ông là điểm tựa của làng Kon Brung.

Về miền di sản

Về miền di sản

(GLO)- Những địa danh lịch sử, điểm di sản là nơi thu hút nhiều người đến tham quan, tìm hiểu. Được tận mắt chứng kiến và đặt chân lên một miền đất giàu truyền thống luôn là trải nghiệm tuyệt vời và xúc động đối với nhiều người.

Mừng lúa mới trên cao nguyên

Mừng lúa mới trên cao nguyên

(GLO)- Sau khi thu hoạch mùa vụ và đưa lúa về kho, đồng bào Jrai náo nức với lễ mừng lúa mới. Nghi lễ nông nghiệp cổ truyền độc đáo này đã được bà con duy trì từ bao đời nay.

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

Biến sản phẩm văn hóa thành quà tặng du lịch

(GLO)- Quà lưu niệm từ sản phẩm văn hóa vừa là “sứ giả” du lịch, vừa góp phần đem lại thu nhập cho người dân. Việc tổ chức các cuộc thi tay nghề đan lát, dệt thổ cẩm nhằm tìm kiếm sản phẩm đặc sắc làm quà tặng đã góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển.