Trà từ hoa và vỏ cà phê: Ý tưởng khởi nghiệp độc đáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vỏ cà phê vốn được xem là phế phẩm trong nông nghiệp, nhưng bằng sự sáng tạo, anh Đoàn Anh Tuấn (thôn 1, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã chế biến thành một loại thức uống có giá trị kinh tế. Đó là trà Cascara-một loại trà 100% từ vỏ và hoa cà phê Robusta.
 

Đak Đoa là vùng chuyên canh cà phê Robusta nổi tiếng về năng suất, chất lượng. Hầu hết nông dân trồng và bán cà phê dưới dạng nguyên liệu tươi hoặc thô nên giá trị kinh tế, lợi nhuận sau thu hoạch chưa tương xứng với chi phí đầu tư. Đây chính là điều mà anh Đoàn Anh Tuấn trăn trở khi bắt tay nối nghiệp gia đình trên quê hương Nam Yang.

Là thế hệ thứ 2 điều hành trang trại cà phê, thay vì đi theo lối cũ, anh Tuấn chủ động thay đổi tư duy khi xây dựng chuỗi liên kết “từ nông trại đến bàn ăn”; ứng dụng quy trình chế biến cà phê honey, đưa công nghệ rang xay chế biến để tạo ra các dòng sản phẩm cà phê mang thương hiệu “Daddy and Son coffee”.  

 Anh Đoàn Anh Tuấn làm ra sản phẩm cà phê sạch và trà cà phê từ chính cây trái vườn nhà. Ảnh: Sơn Ca
Anh Đoàn Anh Tuấn làm ra sản phẩm cà phê sạch và trà cà phê từ chính cây trái vườn nhà. Ảnh: Sơn Ca

 
Anh Tuấn chia sẻ: “Ba tôi trồng cà phê mấy chục năm qua nhưng không uống được cà phê. Đây là điều thôi thúc tôi tìm hiểu, nghiên cứu để làm ra trà Cascara từ cà phê Robusta. Loại trà này vốn có nguồn gốc từ Ethiopia, nơi sản sinh cây cà phê”.

Theo anh Tuấn, không phải loại vỏ cà phê nào cũng làm được trà. Niên vụ cà phê 2018-2019, anh Tuấn bắt đầu chế biến những mẻ trà Cascara đầu tiên bằng nguyên liệu vỏ cà phê Robusta, đặc biệt là giống TR4 có đặc điểm vỏ, thịt dày, quả đều, đậm hương. Hạt cà phê lấy vỏ phải được canh tác theo xu hướng hữu cơ, khi thu hái phải đạt độ chín mùi, tỷ lệ ngọt trên 25 độ brix.

Sau khi trải qua các quy trình làm sạch, tách vỏ, ủ lên men, vỏ cà phê được phơi giàn dưới ánh nắng mặt trời 10-15 ngày để tiếp tục lên men, tạo hương trong quá trình phơi chậm. Kết thúc công đoạn này, vỏ cà phê đưa vào sao khô lần cuối để khóa hương, chuẩn vị thành phẩm.

“Hầu hết các công đoạn được làm thủ công. Tuy nhiên, trong quá trình chế biến, tôi sử dụng các thiết bị như: máy đo độ ngọt, độ pH, độ ẩm, máy tách vỏ để kiểm soát chất lượng từng công đoạn”-anh Tuấn cho biết thêm.

Trong niên vụ 2018-2019, anh chỉ làm được 5 kg trà Cascara. Đến niên vụ 2019-2020, số lượng trà Cascara đạt gần 100 kg, với giá bán lẻ 100 ngàn đồng/túi 100 gram. Niên vụ 2020-2021 này, anh đang nghiên cứu để làm sản phẩm trà cà phê túi lọc, kết hợp thêm một số dược liệu bản địa để tăng thêm sự độc đáo cho trà cà phê. Đồng thời, ứng dụng công nghệ-kỹ thuật vào sản xuất để giảm bớt chi phí, tăng hiệu quả kinh tế.

Được làm từ những hạt cà phê Robusta chín mọng ngọt ngào, trà hoa cà phê dành cho những ai yêu mến cà phê và thích trải nghiệm mới lạ
Được làm từ những hạt cà phê Robusta chín mọng ngọt ngào, trà hoa cà phê dành cho những ai yêu mến cà phê và thích trải nghiệm mới lạ. Ảnh: Sơn Ca


Mặc dù là loại thức uống mới mẻ nhưng trà Cascara do anh Đoàn Anh Tuấn chế biến đã có một lượng khách hàng tại TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ lựa chọn sử dụng hoặc làm quà tặng. Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ (quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) cho hay: “Tôi rất yêu thích cà phê nên khi dùng trà từ hoa và vỏ cà phê, tôi thấy rất thú vị. Tại thị trường lớn như TP. Hồ Chí Minh, trà Cascara còn khá mới mẻ, chưa phổ biến, giá thành cũng khá cao vì chế biến rất công phu. Loại trà này có mùi hương cà phê thanh nhẹ xen lẫn hương trái cây, vị cân bằng, hậu ngọt tự nhiên”.

Hoặc theo cảm nhận của anh Nguyễn Hữu Nhật Trường (quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) thì: “Trà Cascara vừa có vị chát, vừa có vị ngọt xen lẫn chua nhẹ đặc trưng của vỏ cà phê Robusta. Cộng thêm hương dịu nhẹ của hoa cà phê nên tôi càng uống càng thấy thích”.

Theo dõi những bước đi ban đầu của trà cà phê, ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-nhìn nhận: “Từ một phế phẩm trong nông nghiệp, bằng ý tưởng sáng tạo, người nông dân đã biến thành một loại thức uống có giá trị kinh tế, gia tăng lợi nhuận từ cây cà phê. Mặc dù đang ở bước đầu thử nghiệm, trà Cascara là sản phẩm mới, số lượng ít và cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chúng tôi rất ủng hộ việc làm này của anh Đoàn Anh Tuấn và đã đưa vào dự thi sản phẩm OCOP cấp huyện năm 2020”.

 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.