Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Nguyên bị khởi tố, MobiFone kinh doanh ra sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Liên quan đến thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, chiều tối ngày 26/8 cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố thêm 5 lãnh đạo của Mobifone, trong đó có Tổng giám đốc Nguyễn Đăng Nguyên. Vướng vào thương vụ AVG, 6 tháng đầu năm 2019 chứng kiến mức tăng trưởng âm 3% ở mảng viễn thông của Mobifone.
 
Theo thông tin từ Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, sau 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu Công ty mẹ MobiFone hoàn thành 43,1% kế hoạch, tương đương 99,7% cùng kỳ năm 2018 khi so sánh cùng mặt bằng. Lợi nhuận trước thuế Công ty mẹ MobiFone cũng hoàn thành 43,8% kế hoạch năm 2019.
“Soi” kết quả kinh doanh bán niên 2019 của MobiFone
Cụ thể, MobiFone đạt 15.168 tỷ đồng doanh thu thuần trong 6 tháng đầu năm. So với số thu về cùng kỳ, doanh thu thuần kỳ này của công ty đã giảm 12%. Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận gộp của công ty giảm gần 4%.
Tuy nhiên, nhờ việc tiết giảm được giá vốn hàng bán nên MobiFone đã cải thiện được tỷ suất lãi gộp kỳ này đạt 30,6%, cao hơn mức 28% cùng kỳ.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của Mobifone tăng gấp 5 lần lên 534 tỷ đồng. Trong khi đó, các chi phí biến động nhiều, như: chi phí tài chính giảm 7,6% xuống 65,8 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng 6,8% lên 2.095 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 12% xuống 412 tỷ đồng. Ngoài ra, MobiFone còn có khoản lợi nhuận khác 47,5 tỷ đồng, tăng gấp gần 10 lần.
Kết quả, MobiFone ghi nhận 2.644 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 8,6% và lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 2.115 tỷ, tăng 8,4%. Tỷ suất lãi trước thuế trên doanh thu tại MobiFone nửa đầu năm nay vào khoảng 17,4%.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của MobiFone đạt 29.182 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Trong đó, vốn góp của chủ sở hữu Nhà nước là 15.000 tỷ đồng, quỹ đầu tư phát triển hơn 5.080 tỷ và lợi nhuận chưa phân phối 150 tỷ đồng.
Tiền và các khoản tương đương tiền của MobiFone tính tới cuối quý II/2019 là 1.745 tỷ đồng. Lượng đầu tư tài chính ngắn hạn (thể hiện các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 12 tháng) lên tới 11.678 tỷ đồng.
Như vậy, tổng cộng khoản tiền mặt, tiền gửi sẵn sàng cho đầu tư của doanh nghiệp này đến cuối tháng 6 vào khoảng 13.423 tỷ đồng, tương đương 46% tổng tài sản của doanh nghiệp. Lượng tiền mặt và tiền gửi của doanh nghiệp chiếm xấp xỉ 89% vốn góp của chủ sở hữu ban đầu song vẫn giảm gần 1.300 tỷ đồng so với đầu kỳ. Lượng tiền gửi này giúp MobiFone thu về tới 418 tỷ đồng tiền lãi trong nửa năm qua, gấp 5 lần cùng kỳ năm 2018.
Tính đến cuối tháng 6/2019, MobiFone đã nhận lại trong thương vụ hoàn trả việc mua 95% cổ phần AVG.
Một điểm đáng chú ý trong hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm của MobiFone là mức tăng trưởng âm ở mảng viễn thông với quy mô sụt giảm 3%. Nguyên nhân giảm do ảnh hưởng từ việc hạn chế sử dụng thẻ cào, tài khoản viễn thông trong việc thanh toán các dịch vụ nội dung số, giảm giá cước kết nối...
Bên cạnh đó, trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, các nhà mạng thường xuyên cung cấp các gói cước giá rẻ, khuyến mại và miễn phí gói chu kỳ đầu để lôi kéo thuê bao đã làm giảm đơn giá các dịch vụ, ảnh hưởng nhiều nhất là dịch vụ Data. Trong thời gian qua, lưu lượng tăng mạnh tới 70%, nhưng doanh thu data chỉ tăng 7,2% do đơn giá data giảm xấp xỉ 37%.
AVG “đánh chìm” kế hoạch cổ phần hóa, dàn lãnh đạo vướng lao lý
MobiFone là nhà mạng đầu tiên của Việt Nam và trong một thời gian dài được xem là nhà mạng dẫn đầu Việt Nam về mọi mặt. Có rất nhiều thuận lợi, thế nhưng câu chuyện cổ phần hóa (CPH) MobiFone thực sự là trường kỳ và gặp nhiều trắc trở.
“Khởi động” kế hoạch cổ phần hoá từ năm 2005 khi Chính phủ yêu cầu và Bộ TT-TT phải cổ phần hoá MobiFone nhưng sau gần 10 năm tất cả vẫn giậm chân tại chỗ với hàng loạt lý do khác nhau. Mãi đến khi tách khỏi Tập đoàn VNPT vào tháng 8/2014, MobiFone mới tái khởi động lại quá trình cổ phần hoá.
 
Thế nhưng, câu chuyện mua AVG đã “đánh chìm” kế hoạch cổ phần hoá MobiFone. Tháng 1/2016, MobiFone phát thông cáo về việc mua 95% cổ phần AVG nhưng không nói đến giá trị thương vụ. Khi báo chí đề cập vấn đề này, lãnh đạo MobiFone lúc đó cho biết đây là “tài liệu mật” nên không công khai. Thương vụ này bị phát lệnh thanh tra toàn diện từ đầu tháng 8/2016 và đến tháng 9/2016, Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra. Quá trình thanh tra dự án này không phải 50 ngày như kế hoạch ban đầu, mà phải đến ngày 14/3/2018 (tức là hơn 16 tháng), Thanh tra Chính phủ mới chính thức công bố kết luận thanh tra vụ việc này.
Theo Thanh tra Chính phủ, những vi phạm, làm trái quy định, thiếu trách nhiệm trong dự án này đã dẫn đến nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỷ đồng, trong đó thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG 1.134 tỷ đồng; việc thực hiện đầu tư dự án đã trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh viễn thông, làm sụt giảm lớn hiệu quả kinh doanh ngay từ năm 2016 và nhiều năm tiếp theo, trong đó lợi nhuận hoạt động tài chính năm 2016 đã giảm so với năm 2015 là 321,7 tỷ đồng; số lỗ lũy kế đến 31/12/2017 là 1.982,7 tỷ đồng; đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến việc CPH MobiFone.
 
 9 người bị Bộ Công an bắt giam trong thương vụ MobiFone-AVG
Năm 2018, nhiều cựu lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của MobiFone bị khởi tố. Sự xáo trộn trong đội ngũ cán bộ điều hành đã khiến tiến độ ký hợp đồng, nghiệm thu và thanh toán các dự án chuyển tiếp chỉ đạt 50-70%. Mặc dù vậy, năm 2018, doanh thu hợp nhất của MobiFone vẫn đạt 38.883 tỷ đồng, giảm 12% năm 2017, lợi nhuận trước thuế đạt 5.919 tỷ đồng, tăng 27,5%.
Tháng 4/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết đang điều tra mở rộng vụ án Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông Mobifone và các đơn vị có liên quan.
Căn cứ kết quả điều tra mở rộng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án số 09/C03-P14 về tội “Nhận hối lộ”, quy định tại Khoản 4 Điều 354 và tội “Đưa hối lộ”, quy định tại Khoản 4 Điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015.
Chiều tối ngày 26/8, đã có thêm 5 lãnh đạo của MobiFone bị khởi tố vì liên quan đến thương vụ mua AVG. Đó là ông Nguyễn Đăng Nguyên, Phó Tổng giám đốc MobiFone (trước đây là Phó Tổng giám đốc trong giai đoạn MobiFone tiến hành thương vụ mua lại AVG) cùng với ba Phó Tổng giám đốc là các ông Nguyễn Bảo Long, Hồ Tuấn và Nguyễn Mạnh Hùng.
Cùng bị khởi tố tối nay còn có một thành viên Hội đồng thành viên của MobiFone là bà Phan Thị Hoa Mai. Cả năm người này bị khởi tố nhưng được tại ngoại.
Trước đó, đã có ba cán bộ chủ chốt của MobiFone bị khởi tố và bắt giam do liên quan đến thương vụ mua AVG là ông Lê Nam Trà, ông Cao Duy Hải và bà Phạm Thị Phương Anh.
Lê Thúy (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.